Hoạt động của ngành

Quảng Ninh: Đưa ngành ''công nghiệp không khói'' bứt phá

Cập nhật: 11/05/2022 05:23:43
Số lần đọc: 994
Sau hơn hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, Quảng Ninh đang nhanh chóng phục hồi ngành du lịch, đưa du lịch cất cánh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên cơ sở khai thác tối đa các tiềm năng để không ngừng mở rộng điểm đến với đa dạng sản phẩm hấp dẫn du khách. Qua đó, từng bước đưa “công nghiệp không khói” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.  


Phục hồi sau đại dịch

Nhằm đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, xây dựng địa bàn an toàn, sẵn sàng đón khách du lịch ngay khi mở cửa trở lại, Quảng Ninh đã huy động tổng lực nhanh chóng triển khai bao phủ vắc-xin Covid-19 trên diện rộng. Nhờ đó, kết quả tiêm vắc-xin thời gian qua trên địa bàn luôn ở nhóm đạt tỷ lệ cao trong nước, độ bao phủ miễn dịch cộng đồng lớn, góp phần bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Đây chính là nền tảng quan trọng để Quảng Ninh trở thành điểm đến an toàn hàng đầu được du khách trong nước và quốc tế tin tưởng lựa chọn.

Cùng với đó, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 51/2021/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 về một số chính sách hỗ trợ kích cầu du lịch tỉnh Quảng Ninh năm 2022. Trong đó, giảm 50% phí tham quan danh thắng Vịnh Hạ Long, Bảo tàng tỉnh, Khu di tích Yên Tử đến hết ngày 30/6/2022. Đồng thời, xây dựng kịch bản, kế hoạch, chương trình cụ thể trong kích cầu du lịch.

Du khách ngắm nhìn màn bắn pháo hoa đẹp mắt trong Carnaval Hạ Long 2022. Ảnh: Đỗ Phương

Với sự chuẩn bị bài bản, ngay sau khi mở cửa trở lại từ ngày 15/3, tranh thủ mùa hè là dịp cao điểm của du lịch trong năm, Quảng Ninh đã tổ chức hàng loạt các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch nhằm thu hút du khách. Đó là chuỗi các sự kiện được tổ chức trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay như: Carnaval Hạ Long 2022, Festival Áo dài bên bờ Vịnh Bái Tử Long, Lễ hội thả diều với chủ đề “Cánh diều tuổi thơ”, Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2022, Lễ hội “Móng Cái chào hè 2022” được tổ chức vào ngày 30/4, chương trình nghệ thuật “Vân Đồn bừng sáng cùng SEA Games 31”… Chính các chuỗi sự kiện này đã tạo nên sức hút mạnh mẽ của Quảng Ninh với du khách. Tới đây, khách du lịch không chỉ được ngắm nhìn vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên, thắng cảnh, mà còn được hòa mình trong không khí sôi động, tưng bừng, nhộn nhịp từ các sự kiện. Từ đó, mang đến cho du khách những trải nghiệm về một Quảng Ninh mới, khác lạ và đa dạng.

Chị Lê Thùy Linh, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, cho biết: Năm nay gia đình tôi tiếp tục lựa chọn Quảng Ninh làm điểm đến du lịch đầu tiên trong dịp hè. Bởi chất lượng dịch vụ tốt, hệ thống khách sạn tiện lợi, giao thông thuận tiện. Quảng Ninh có đa dạng điểm vui chơi, tham quan, giải trí đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng trong gia đình.

Một góc phố đêm du thuyền.

Đặc biệt, tối 28/4 vừa qua, một sản phẩm du lịch mới là phố đêm du thuyền đã được đưa vào hoạt động tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long). Phố đêm du thuyền hoạt động từ 17h đến 23h hàng ngày, quy tụ gần 30 tàu đẳng cấp 4-5 sao, đưa du khách vào hải trình khám phá thành phố biển Hạ Long về đêm lung linh sắc màu, chiêm ngưỡng những danh thắng, công trình nổi tiếng như núi Bài Thơ, vòng quay Sun Wheel, cầu Bãi Cháy. Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức không gian ẩm thực, văn hóa, nghệ thuật đặc sắc ngay trên các con thuyền trong suốt hành trình. Để xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng đáp ứng nhu cầu của du khách, các doanh nghiệp, đơn vị, hộ kinh doanh đã không ngừng đầu tư, nâng cấp, tung ra các du thuyền hạng sang.

Ông Bùi Đức Long, Giám đốc Công ty TNHH Hương Hải Hạ Long, cho biết: Để phục vụ du khách tại phố đêm du thuyền, tháng 2/2022, chúng tôi đã đưa du thuyền nhà hàng Sea Octopus vào hoạt động, sức chứa gần 300 khách với 2 phòng ăn lớn và một số phòng ăn riêng. Trên du thuyền, du khách vừa có thể chiêm ngưỡng cảnh sắc lung linh của TP Hạ Long về đêm, vừa thưởng thức hơn 100 món ăn chế biến từ tinh hoa ẩm thực Á - Âu, giai điệu hoà tấu violin, những bản nhạc DJ sôi động. Từ đó, khai thác lợi thế vẻ đẹp của Hạ Long về đêm, mang tới cảm nhận mới lạ, để lại ấn tượng sâu sắc cho du khách.

Du khách thưởng thức ẩm thực trên các du thuyền.

Ông Phạm Văn Hiệp, Giám đốc Điều hành Sun Group vùng Đông Bắc, cho biết: Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long có hạ tầng đồng bộ, giao thông thuận lợi, nhiều du thuyền cập bến. Do đó, ngay từ năm 2020, chúng tôi đã có ý tưởng về phố đêm du thuyền nhằm hình thành sản phẩm du lịch mới, khai thác hiệu quả hệ thống tàu tại cảng, phát huy tiềm năng về du lịch của TP Hạ Long. Việc đưa phố đêm du thuyền vào hoạt động cũng là một trong những hoạt động cụ thể hóa định hướng phát triển kinh tế đêm của tỉnh.

Sau hơn 2 năm gần như "xuống đáy" vì đại dịch Covid-19, du lịch Quảng Ninh đang hồi sinh, khởi sắc trở lại. Lượng du khách đến Quảng Ninh quý I/2022 ước đạt khoảng 2,1 triệu lượt, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2021, doanh thu đạt khoảng 3.100 tỷ đồng. Riêng 3 ngày nghỉ lễ (30/4-2/5), Quảng Ninh đã đón khoảng 290.000 lượt khách.

Từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Am Váp Farm (TP Hạ Long) lựa chọn hướng khai thác giá trị văn hóa bản địa gắn liền với thiên nhiên để phát triển du lịch cộng đồng.

Giờ đây, ngành “công nghiệp không khói” không chỉ là động lực kinh tế quan trọng của trung tâm du lịch của tỉnh như TP Hạ Long hay các địa phương nổi tiếng với nhiều danh lắm, thắng cảnh, di tích như: Uông Bí, Vân Đồn…, mà đang lan tỏa trên địa bàn tỉnh, ở cả những xã, huyện vùng cao, biên giới, hải đảo. Chính sự thay đổi trong nhận thức, tư duy, hành động đã tạo nên những điểm đến hấp dẫn, từ đó hình thành bản đồ du lịch Quảng Ninh đa sắc màu thay vì chỉ một màu xanh của biển như trước đây.

Nếu như ở trung tâm của TP Hạ Long, các hoạt động tham quan Vịnh, du lịch biển, vui chơi giải trí… đã hấp dẫn du khách từ lâu thì ở các ven của thành phố giờ đây đang hình thành sản phẩm du lịch cộng đồng. Điển hình là Am Váp Farm ở xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long, Am Váp Farm được hoạt động trên nền tảng văn hóa bản địa với sự tham gia của cộng đồng địa phương. Tại đây, khách du lịch sẽ được chìm đắm trong không khí yên bình, trong lành, mát mẻ đặc trưng của vùng núi cao. Đồng thời, trải nghiệm những hoạt động gắn liền với cuộc sống của người dân như: Trồng trọt, sản xuất, chèo thuyền, bơi suối, tham quan rừng trúc, thưởng thức ẩm thực sạch được nuôi trồng, chế biến ngay tại nông trại ở nông thôn. Cùng với đó, du khách cũng sẽ được khám phá những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao Thanh Phán như: Nghề thêu, lễ cấp sắc, hát đối đáp…

Anh Nguyễn Trung Kiên, thành viên nhóm khởi nghiệp Am Váp Farm (TP Hạ Long), cho biết: Nằm cách xã trung tâm, song Kỳ Thượng lại sở hữu những lợi thế riêng về khí hậu, tự nhiên và văn hóa. Đặc biệt, không chỉ lưu giữ nhiều phong tục, tập quán, văn hóa truyền thống, người dân nơi đây còn gần gũi, thân thiện, mến khách. Dù đang trong giai đoạn hoàn thiện song hoạt động đón khách đã được thực hiện từ năm 2021 và nhận được phản hồi tốt từ du khách. Hy vọng rằng, Am Váp Farm sẽ là một điểm đến hấp dẫn cho du khách khi tới TP Hạ Long và tỉnh Quảng Ninh.

Thác nước xã Đại Dực, huyện Tiên Yên là một trong điểm du lịch hấp dẫn du khách.

Còn ở xã vùng cao Đại Dực, huyện Tiên Yên, mặc dù không sở hữu nhiều lợi thế về hạ tầng, giao thông, vị trí địa lý, song Đảng bộ xã đã xây dựng nghị quyết về việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc giai đoạn 2021-2025. Trong đó, thành lập và duy trì các CLB văn nghệ, thể thao dân tộc; giáo dục truyền thống về giá trị văn hóa các dân tộc cho thanh, thiếu nhi các trường; đưa vào sử dụng Trung tâm văn hóa Sán Chỉ. Hằng năm, xã duy trì tổ chức lễ hội văn hóa dân tộc Sán Chỉ với đa dạng các hoạt động như: Nghi lễ cầu mùa, hát giao duyên, thi gói bánh cốc mò... Cùng với đó, xã cũng tích cực quảng bá các điểm đến du lịch ruộng bậc thang, đồi Tình, đỉnh Thông Châu, thác nước, trung tâm văn hóa Sán Chỉ.

Ông Nguyễn Thế Anh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Dực, huyện Tiên Yên, cho biết: Đến năm 2025, xã phấn đấu lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch chiếm tỷ trọng từ 30% trở lên trong cơ cấu kinh tế. Trong đó, xã sở hữu nhiều tiềm năng về du lịch như khí hậu, cảnh quan, văn hóa. Do đó, thời gian tới, xã sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng nhằm thu hút du khách, mang lại cho khách du lịch những trải nghiệm mới mẻ, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.

Các tiết mục văn nghệ mang đậm màu sắc dân tộc tại chương trình nghệ thuật khai mạc ngày hội Kiêng gió năm 2022. Ảnh: Nguyễn Dung

Với định hướng phù hợp, cách làm bài bản, chiến lược, những năm gần đây, Bình Liêu đã trở thành một điểm đến không thể chối từ trong hành trình của du khách khi đến với “thiên đường du lịch” Quảng Ninh. Đến huyện miền núi này, có lẽ bất cứ ai đều muốn khám phá hết vẻ đẹp nơi đây với nhiều điểm đến thú vị đã làm nên thương hiệu riêng có của mảnh đất miền biên viễn này như: Cột mốc 1305 - "sống lưng khủng long", cột mốc 1327, đường tuần tra biên giới, thác Khe Vằn, núi Cao Ly, vườn hoa Cao Ly... Du khách còn được hòa mình trong không gian văn hóa đa sắc màu của đồng bào các dân tộc: Tày, Dao, Sán Chỉ…, nhất là trong ngày hội như: Lễ hội đình Lục Nà, ngày hội Kiêng Gió, hội Soóng Cọ… Bất cứ mùa nào trong năm của Bình Liêu cũng mang màu sắc tươi đẹp được hòa quyện bởi sắc hoa, sắc trời, sắc núi và sự bình dị vô cùng quyến rũ của con người nơi đây.

Cùng với Đề án Du lịch bền vững gắn với phát triển KT-XH đến năm 2030, huyện Bình Liêu cũng đang tích cực triển khai các đề án du lịch như: Đề án bản văn hóa người Tày gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại Lục Hồn; Dự án tôn tạo, tu bổ, phát huy giá trị di tích - danh lam thắng cảnh thác Khe Vằn; xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển di tích, danh thắng ruộng bậc thang xã Lục Hồn… qua đó, góp phần đưa du lịch trở ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Cao Quỳnh

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Tỉnh Qu​ảng Ninh - quangninh.gov.vn - Đăng ngày 10/5/2022

Cùng chuyên mục