Non nước Việt Nam

Quảng Nam: Du ngoạn rừng Cù Lao Chàm

Cập nhật: 24/02/2023 13:54:00
Số lần đọc: 495
Rất nhiều người từng có dịp đặt chân đến Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP.Hội An, Quảng Nam) nhưng một chuyến khám phá những cánh rừng trên đảo hẳn là trải nghiệm hoàn toàn lạ lẫm và thú vị...

Một góc hồ Bãi Bìm. Ảnh: T.N

Thời gian lý tưởng cho chuyến khởi hành là lúc tờ mờ sớm, khi ánh bình minh bừng thức. Hành trang “lận lưng” của mọi người là đôi ủng cao su ngừa rắn, áo khoác dài tay và một bình nước đổ đầy.

Mùa này, khoảng 5 giờ sáng đã thấy mặt trời lọ mọ thức giấc. Tại vạt đất nhô ra đoạn đường gần Eo Gió, mặt trời nhô lên dần từ đường chân trời phía xa, nhỏ như một quả cam rồi lớn dần đến khi rực sáng cả một vùng biển bao la.

Phía ngoài xa, lác đác vài con thuyền còn nhấp nháy ánh đèn trôi chậm rãi trên nền tranh rực đỏ, khung cảnh đẹp bình yên đến ngỡ ngàng như mấy lời thơ của nhà thơ Huy Cận: “… Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời/ Mặt trời đội biển nhô màu mới/ Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi”.

Hoa sầm tím trong rừng. Ảnh: T.N

Trời sáng hẳn, mọi người men theo con đường quanh đảo tiếp cận bìa rừng. Với hơn 1.500ha rừng tự nhiên, lại là rừng rậm nhiệt đới, phải là dân bản địa, chuyên đi rừng trên đảo mới nắm rõ các lối vào rừng.

Vốn quen thuộc đường đi nước bước của cánh rừng, ông Trần Ngào (trú thôn Bãi Ông, xã Tân Hiệp) dẫn đoàn theo hành trình đến hai tuyến thú vị mà đường đi không quá trắc trở.

Tuyến thứ nhất bắt đầu từ rẫy Ông Thơ, nơi có dòng suối Tình ngọt mát và khu vườn rừng đẹp như tranh với tre trúc cùng vườn hoa thiên điểu nở rộ. Đứng trên mỏm đá cao có thể nhìn bao quát cả Bãi Làng. Trên rẫy, từng tốp khỉ thi nhau chuyền cành, chẳng thèm để tâm đến sự có mặt của con người.

Men theo dòng suối, chúng tôi thấy nhiều đàn bướm lượn lờ. Ông Trần Ngọc Toàn (nhà thực vật học có nhiều năm nghiên cứu hệ thực vật trên đảo Cù Lao Chàm) nói: “Đây là một trong những khu vực tập trung nhiều đàn bướm trên đảo vì gần nguồn nước. Trong tương lai cần nghiên cứu thiết lập các vườn bướm tự nhiên ở quanh đảo vừa bảo tồn đa dạng sinh học, lại có thêm trải nghiệm cho hoạt động du lịch sinh thái”.

Bình minh trên Eo Gió. Ảnh: T.N

Đã nghe nhiều về sự đa dạng của hệ sinh thái rừng Cù Lao Chàm, tuy nhiên phải đến khi ở ngay dưới tán rừng chúng tôi mới chứng kiến rõ điều đó. Hàng trăm loại dây leo thân gỗ với đủ hình thù uốn lượn, vắt ngang các vòm cây như những bầy rắn nằm vắt vẻo trong không trung lạ lẫm và đầy huyền bí.

Rồi có đoạn rừng bao phủ bởi tre trúc, loài thực vật mà cư dân ở đảo gọi là cây trẩy. Đi vài đoạn lại gặp nhiều cây cổ thụ cao to tỏa bóng thâm trầm giữa rừng già và thanh âm róc rách từ khe suối phát ra.

Ở đây còn có những cây ngô đồng đỏ thân gỗ to vươn cao giữa rừng, khác hẳn với hình ảnh thường thấy về những cây ngô đồng non, nhỏ nhắn ven đường. Thỉnh thoảng, trong đám lá cây mục rã và ẩm ướt, một vài cây nấm xinh xinh trỗi lên, khoe mình rực rỡ.

Cây đa cổ thụ trong rừng Cù Lao Chàm. Ảnh: T.N

Ở một tuyến khác, chúng tôi men theo hồ Bãi Bìm, đi một đoạn lại đến cây đa cổ thụ to bậc nhất trên đảo. Tuyến này dễ đi hơn, chỉ một đoạn đá núi hơi chênh vênh nhưng bù lại “phần thưởng” cho mọi người là được ôm thân cây cổ thụ khổng lồ.

Diện tích rừng không quá lớn nhưng Cù Lao Chàm cũng có nhiều mùa hoa như hoa ngô đồng đỏ, rồi mùa hoa sầm tím, thàn mát, điểm xuyết thêm nhiều sắc màu rực rỡ cho núi đồi.

Đáng tiếc, rừng Cù Lao Chàm đến nay vẫn còn là một bí ẩn với nhiều du khách và cả người địa phương, chưa có tour tuyến nào về du lịch khám phá rừng được mở.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An, cảnh quan ở nhiều khu vực rừng Cù Lao Chàm cực kỳ đẹp, phù hợp khai thác du lịch khám phá, du lịch mạo hiểm, tuy nhiên hiện nay vẫn đang trong quá trình xác định cụ thể ranh giới, phạm vi đất quốc phòng nên chưa thể khảo sát, triển khai các hoạt động trải nghiệm du lịch.

Quốc Tuấn – Cao Nguyên

 

Nguồn: Báo Quảng Nam - baoquangnam.vn - Ngày 24/02/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT