Hoạt động của ngành

Phú Thọ nỗ lực phục hồi nhân lực du lịch sau đại dịch

Cập nhật: 16/11/2022 08:02:10
Số lần đọc: 546
Số lao động trực tiếp trong ngành du lịch Phú Thọ năm 2022 là khoảng 3.400 người, mới đạt 80% số lao động năm 2019. Với dự báo lượng khách lưu trú tại Phú Thọ sẽ tăng từ 10 - 15%/năm, nhiều giải pháp đang được triển khai để đáp ứng quy mô phát triển của ngành du lịch địa phương.  


Đông du khách, thiếu người phục vụ

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành du lịch Phú Thọ đã chịu thiệt hại nghiêm trọng trong 2 năm liên tiếp. Nhiều doanh nghiệp du lịch ngừng hoạt động, một số doanh nghiệp duy trì 30% công suất sử dụng. Trên 50% số lao động trong ngành du lịch đã nghỉ việc và chuyển việc làm tạm thời; số còn lại được bố trí làm và nghỉ luân phiên với mức thu nhập tối thiểu.

Nhiều đoàn khách quốc tế trở lại Phú Thọ trong năm 2022.

Năm 2022 khi du lịch cả nước bùng nổ trở lại, lượng du khách đến Phú Thọ được dự báo sẽ vượt mức trước Covid-19, khi cả năm ước đón 740.000 lượt khách lưu trú (gấp khoảng 1,2 lần lượng khách năm 2019). Tuy nhiên, số lao động trực tiếp trong ngành du lịch tỉnh Phú Thọ năm 2022 chỉ vào khoảng 3.400 người, dù tăng gần 89% so với cùng kỳ nhưng vẫn chỉ bằng 80% nhân lực du lịch tại địa phương năm 2019.

Bên cạnh đó, lượng du khách tăng nhanh đòi hỏi cơ sở vật chất ngành du lịch được đầu tư mở rộng, dẫn đến nhu cầu lao động ngành du lịch ở Phú Thọ ngày càng tăng cao. Các doanh nghiệp du lịch gặp nhiều khó khăn về thu hút lao động: công ty lữ hành thiếu hướng dẫn viên; nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại… thiếu nhân viên phục vụ, đặc biệt là những người đã qua đào tạo, có chuyên môn và kinh nghiệm. Nhìn chung năm 2022, các ngành dịch vụ du lịch của tỉnh Phú Thọ thiếu khoảng 1.300 lao động trực tiếp.

Theo Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ, những năm tới ngành du lịch Phú Thọ được dự báo mở rộng quy mô, khách lưu trú sẽ tăng từ 10-15%/năm. Với kịch bản này, nhân lực du lịch tại Phú Thọ hiện nay không thể đáp ứng đủ nhu cầu phát triển của ngành. Ngoài ra, nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng sắp đi vào hoạt động tại Phú Thọ, cùng những sự kiện quy mô lớn được tổ chức thường xuyên ở TP. Việt Trì sẽ đòi hỏi địa phương số lượng lớn lao động du lịch (khoảng trên 6.500 lao động trực tiếp).

Nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài

Năm 2022, Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để đảm bảo ổn định về số lượng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch tại địa phương, khắc phục những khó khăn về thu hút lao động du lịch sau đại dịch Covid-19 và từng bước phục hồi các hoạt động dịch vụ du lịch. Đơn vị này tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch, lớp truyền dạy và hướng dẫn luyện tập, biểu diễn văn nghệ dân gian phục vụ khách du lịch, trong đó tập trung tuyên truyền, tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kỹ năng nghiệp vụ du lịch và tổ chức hoạt động giao lưu, trình diễn kỹ năng nghề cho sinh viên và người lao động du lịch trên địa bàn.

Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ tổ chức lớp tập huấn tại huyện Xuân Sơn.

Kết quả trong năm 2022, Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ và các doanh nghiệp dịch vụ du lịch tại địa phương đã tập huấn, đào tạo gần 1.500 lượt học viên, người lao động về kỹ năng nghề du lịch như: nghiệp vụ lễ tân, bàn, buồng, chế biến món ăn, hướng dẫn viên tại điểm, nghiệp vụ tổ chức hoạt động du lịch trong tình hình mới, kỹ năng du lịch cộng đồng, nghiệp vụ thông tin xúc tiến du lịch, truyền dạy và luyện tập văn nghệ dân gian phục vụ khách du lịch... Sở cũng hướng dẫn, vận động các đơn vị chủ động trong công tác đào tạo, đào tạo lại cho nhân viên; phối hợp với các trường gắn học tập lý thuyết với thực hành thực tế tại doanh nghiệp để học viên, sinh viên rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp.

Về giải pháp dài hạn, Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ hướng tới quảng bá rộng rãi về ngành dịch vụ du lịch và nhu cầu lao động du lịch; khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng chính sách thu hút lao động du lịch… Trong công tác đào tạo nhân lực, đơn vị này tiếp tục hỗ trợ các lớp tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng nghề du lịch, tập huấn nghiệp vụ tại doanh nghiệp và các khu, điểm du lịch, đặc biệt ở các điểm du lịch cộng đồng.

Ngoài ra, địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện nay có 3 trường đại học, cao đẳng có chuyên ngành đào tạo dịch vụ du lịch. Ngành du lịch Phú Thọ cũng rất cần các trường này nâng cao năng lực đào tạo và thu hút học viên, sinh viên; mở nhiều lớp đào tạo nghề du lịch chuyên sâu, ngắn hạn nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch nâng cao chất lượng, số lượng nguồn nhân lực du lịch.

Hải Nam

Nguồn: Báo Điện tử VOV - vov.vn - Đăng ngày 16/11/2022

Cùng chuyên mục