Nhìn ra thế giới

Nhật Bản hướng tới phá vỡ kỷ lục du lịch vào năm 2025

Cập nhật: 15/02/2023 11:16:04
Số lần đọc: 400
Nhật Bản rất muốn vượt qua kỷ lục đón 31 triệu lượt khách vào năm 2019 và hi vọng sẽ làm được điều đó vào năm 2025, theo SCMP.

Quốc gia này đang tìm cách phá vỡ kỷ lục du lịch của mình vào năm 2025, tiếp nối đà tăng trưởng du lịch mạnh từ năm 2019 – thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát.

Các chuyên gia du lịch gần đây đã công bố một kế hoạch dự thảo về triển vọng trung hạn của ngành du lịch Nhật Bản, trong đó dự đoán thị trường du lịch nước này sẽ phục hồi nhanh chóng. Chính phủ Nhật Bản cũng dự kiến sẽ thông qua chính thức kế hoạch này vào tháng Ba.

Du lịch Nhật Bản có triển vọng tích cực

Từ năm 2019, Nhật Bản đã hi vọng sẽ có 40 triệu người đến thăm nước này vào năm 2020, bao gồm cả một lượng người hâm mộ thể thao đến tham dự Thế vận hội Olympic Tokyo. Nhưng sau khi dịch Covid-19 bùng phát, con số này giảm xuống còn 3,17 triệu người vào năm đó và giảm sâu hơn vào năm 2021 với chỉ 245.900 lượt khách nước ngoài.

Một dấu hiệu đáng khích lệ là khoảng 3,8 triệu du khách đã đến Nhật Bản vào năm ngoái. Hội đồng du lịch nước này đang dự báo Nhật Bản có thể tận dụng sự phục hồi toàn cầu về nhu cầu đi lại bằng đường hàng không kết hợp với sự quan tâm đến Hội chợ triển lãm 2025 ở Osaka.

Niềm tin của giới chuyên gia Nhật Bản cũng đang được thúc đẩy từ báo cáo triển vọng cho năm 2023 của gã khổng lồ du lịch nội địa JTB Corp. JTB dự đoán sẽ có 21,1 triệu lượt khách nước ngoài trong năm nay, gấp hơn 5 lần so với con số của năm ngoái, tuy nhiên, chỉ chiếm 66,2% con số của năm 2019.

Nhật Bản đang hướng tới vượt được kỷ lục cũ vào năm 2025. Ảnh: SCMP/AFP.

Trong nghiên cứu của mình, JTB cho biết họ kỳ vọng nhu cầu phục hồi mạnh mẽ từ Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore và các thị trường Đông Nam Á khác, phần lớn nhờ nới lỏng các yêu cầu về y tế đối với du khách.

Triển vọng cho thị trường Trung Quốc ít chắc chắn hơn và báo cáo này chỉ ra rằng "chưa có triển vọng phục hồi hoàn toàn". Tuy nhiên, JTB cũng nhận định thêm là một khi các quy tắc được nới lỏng hoàn toàn, nhu cầu du lịch sẽ "phục hồi nhanh chóng, theo mô hình tương tự như các thị trường khác".

Cũng theo báo cáo này, đà phục hồi của các thị trường dài hạn như châu Âu và Bắc Mỹ cũng được cho là sẽ mất nhiều thời gian hơn một chút.

Nhiều người trong ngành du lịch Nhật Bản cũng cho biết họ đã nhìn thấy những dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ.

Sam Sakamura, Phó Chủ tịch của khách sạn Hyatt Hotels tại Nhật Bản và Micronesia cho biết: "Kể từ khi Nhật Bản mở cửa trở lại với du khách nước ngoài vào mùa thu năm ngoái, các khách sạn của Hyatt ở nước này đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể về lượng khách. Ông cho biết thêm, lượng đặt trước đã tăng khoảng 180% so với cùng kỳ năm ngoái".

Ông Sakamura cho hay: "Số khách đặt phòng trước cũng đã tăng lên vào dịp ngắm hoa anh đào sắp tới. "Ngoài ra, dự định của chính phủ về việc thay đổi mức độ nguy hiểm của đại dịch cũng gia tăng niềm tin của chúng tôi và nếu Trung Quốc nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới, chúng tôi sẽ đón thêm sự bùng nổ của khách du lịch từ Trung Quốc."

Cũng theo ông Sakamura, ông tin tưởng rằng Nhật Bản vẫn là một điểm đến phổ biến, đồng thời chỉ ra rằng quốc gia này đã đứng đầu 117 quốc gia trong bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về mức độ hấp dẫn trong ngành du lịch và lữ hành vào năm 2021.

Hướng đến cách tiếp cận tập trung hơn vào chất lượng

Ông Masaru Takayama, Chủ tịch công ty lữ hành Spirit of Japan Travel có trụ sở tại Kyoto, cho biết nhiều công ty du lịch trong khu vực đã ngừng nhận đặt chỗ mới trong những tháng gần đây sau khi nhận được quá nhiều yêu cầu.

Ông nói: "Một số đồng nghiệp và đối tác của tôi nói với tôi rằng hiện tại họ thực sự bận rộn hơn so với năm 2019, trước khi xảy ra đại dịch. Có vẻ như mọi người đã không thể đi nghỉ ở nước ngoài trong một vài năm qua, vì vậy họ đã tiết kiệm tiền cho 'kỳ nghỉ trong mơ' ở Nhật Bản."

Ông Takayama cho biết nhiều khách hàng của công ty ông đến từ Đông Nam Á, trong khi lượng đặt phòng từ Hồng Kông (Trung Quốc) và Trung Quốc đại lục cho thấy dấu hiệu phục hồi tương đối chậm.

Mặc dù ông Takayama tự tin về đà phục hồi du lịch của Nhật Bản, nhưng ông cho rằng nỗ lực phá kỷ lục du lịch của chính phủ Nhật Bản chưa phải là chiến thuật tốt nhất.

Ông nói: "Thật tốt khi thấy những con số phục hồi, nhưng trong quá khứ, điều đó đồng nghĩa với việc một số vùng của Nhật Bản, chẳng hạn như Kyoto, sẽ rơi vào tình trạng quá tải du lịch".

Ông nhận định thêm: "Tôi nghĩ sẽ hữu ích hơn nhiều nếu chúng ta bớt tập trung vào du lịch đại chúng. Thay vào đó, Nhật Bản nên chú trọng hơn vào chất lượng, thu hút những người sẽ ở lại Nhật Bản lâu hơn, ở những khách sạn cao cấp hơn và chi tiêu nhiều hơn."

Ông Hiroyuki Takahashi, Chủ tịch Hiệp hội các đơn vị du lịch Nhật Bản kiêm Chủ tịch của JTB Corp, cảnh báo rằng ngành này chưa thể thả lỏng vì các công ty nội địa sẽ tiếp tục đối mặt với một số thách thức, đặc biệt là giá nhiên liệu hàng không tăng do hậu quả của xung đột Ukraine và các chi phí chung khác cũng đang gia tăng.

"Để được khách hàng ở cả Nhật Bản và nước ngoài lựa chọn, chúng ta không chỉ phải cung cấp dịch vụ bảo đảm an ninh và an toàn, mà còn phải mang lại giá trị phù hợp với nhu cầu của thời đại mới," ông Takahashi cho biết trong tuyên bố năm mới với 1.802 thành viên công ty của hiệp hội.

An Bình

 

Nguồn: Báo Tổ quốc - toquoc.vn - Ngày đăng 15/02/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT