Non nước Việt Nam

Người “thổi hồn” nghề dệt Lanh trắng ở Đồng Văn

Cập nhật: 24/07/2020 09:27:14
Số lần đọc: 711
Là người con của xã Sà Phìn (Đồng Văn), chị Vàng Thị Cầu, dân tộc Mông, hiện đang là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đồng Văn, là người sáng lập, Tổ trưởng sản xuất Hợp tác xã (HTX) Lanh Trắng Sà Phìn. Các sản phẩm từ Lanh trắng của HTX do chị sáng lập có những nét khác biệt mà không phải cơ sở nào cũng có thể làm được. Chính điều này đã làm cho sản phẩm Lanh Trắng của HTX vang danh, được nhiều cơ sở du lịch, thời trang trong nước ưa chuộng và xuất bán sang các nước Ca-na-đa, Ô-xtrây-li-a, I-ta-li-a, Nhật Bản, Lào, Thái Lan… qua đó giải quyết việc làm cho 95 lao động địa phương là thành viên, tổ liên kết của HTX, trong đó có nhiều mảnh đời bất hạnh với thu nhập ổn định từ 3 - 6,5 triệu đồng/người/tháng.  


Nhiều sản phẩm của Hợp tác xã do chị Vàng Thị Cầu thiết kế được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.

Là người con mảnh đất Sà Phìn, từ nhỏ, chị Vàng Thị Cầu đã được mẹ truyền dạy cách làm ra những chiếc váy trắng, áo trắng của người Mông bằng sợi lanh. Chị thành thạo tới 40 công đoạn như trồng, chăm sóc cây Lanh, tước vỏ, se lanh, kéo sợi, dệt vải, hấp, nhuộm, vẽ hoa văn, thêu, may thành váy, áo của phụ nữ Mông. Học và làm theo lời Bác Hồ dạy “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết trí ắt làm nên”; với trăn trở bảo tồn, phát huy nghề truyền thống đang ngày càng mai một và mong muốn tạo việc làm cho phụ nữ quê mình, tháng 3/2018, chị đã sáng lập ra HTX Lanh Trắng Sà Phìn với 20 thành viên. Thời gian đầu hoạt động, HTX gặp không ít trở ngại do thiếu vốn, thiếu đất trồng cây Lanh làm nguyên liệu, các thành viên HTX chưa quen với việc sản xuất hàng hóa, nhưng bằng sự quyết tâm, nỗ lực của mình, chị và các thành viên đã từng bước tháo gỡ khó khăn, đưa HTX ngày một phát triển. Đến đầu năm 2020, HTX do chị sáng lập đã có 95 thành viên làm việc cho HTX và các tổ sản xuất, chủ yếu là các chị em dân tộc Mông. Điều đặc biệt là những thành viên được HTX chọn để tạo việc làm có nhiều chị em thuộc hộ nghèo, đặc biệt khó khăn, nhiều mảnh đời bất hạnh. Trong đó, 2 chị từng là nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc, 2 chị là người khuyết tật, 10 chị từng là nạn nhân của bạo lực gia đình, 1 người (nam giới) đã từng là tác nhân gây ra bạo lực gia đình nay đã thay đổi nhận thức và đang là thành viên lao động tích cực của HTX… Điều đáng nói ở đây là nhiều thành viên, tổ liên kết của HTX khi chưa làm việc cho HTX khả năng thực hiện các công đoạn tạo ra các sản phẩm từ Lanh trắng là rất hạn chế, nhưng qua sự tận tình, kiên trì chỉ bảo theo hướng “cầm tay chỉ việc” của chị Vàng Thị Cầu nên chỉ trong thời gian ngắn các chị em đã thực hiện thành thạo các thao tác, kỹ thuật sản xuất, chế tạo sản phẩm vải Lanh trắng thành hàng hóa.

Chị Vàng Thị Cầu chia sẻ: Để làm ra được các sản phẩm thổ cẩm từ cây Lanh có màu sắc đẹp, đường nét tinh xảo và độ bền cao phải trải qua trên 40 công đoạn, đòi hỏi người thêu dệt phải rất kiên trì nhẫn nại và khéo léo. Màu sắc để nhuộm sợi vải không dùng thuốc nhuộm hóa học mà pha chế hoàn toàn bằng các loại lá cây, củ quả trên rừng, cây chàm và sáp ong cho nên rất đẹp, độ bền màu lại cao mà không ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng và giá thành của những sản phẩm loại này tương đối cao. Chính từ sự chuyên nghiệp, làm chủ được những kỹ thuật thêu, dệt, nhuộm tinh sảo mà theo chị Cầu chỉ có chị và HTX của chị mới làm được như thêu hoa văn hình ốc sên, quả núi, dệt hoa văn chìm trên khổ vải Lanh rộng nên sản phẩm Lanh trắng của HTX sản xuất tới đâu được đặt hàng tiêu thụ hết đến đó, chủ yếu được bán sang thị trường các nước Ca-na-đa, Ôx-trây-li-a, I-ta-li-a, Nhật Bản, Lào, Thái Lan chiếm tới trên 70%, số sản phẩm còn lại được bày bán tại các khu Resort, điểm tham quan du lịch trong và ngoài tỉnh. Đến nay, các thành viên HTX Lanh trắng Sà Phìn đã làm được 45 dòng sản phẩm thổ cẩm thủ công với nhiều mẫu mã, kích thước khác nhau mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mông, qua đó tạo việc làm, thu nhập ổn định, bình quân đạt từ 3 - 6,5 triệu đồng/người/tháng.

Cũng theo chị Cầu, niềm vui lớn nhất của chị và HTX là đã phát huy, gìn giữ được nghề truyền thống, tạo việc làm ổn định với mức thu nhập khá cho nhiều lao động địa phương, trong đó có những mảnh đời bất hạnh mà với họ cuộc sống như được hồi sinh. Chị Sùng Thị Si, khi nhận được trên 6 triệu đồng tiền lương tháng đầu tiên mà HTX Lanh Trắng Sà Phìn chi trả, đã không khỏi xúc động, chị tâm sự: Sau khi nhận được tháng lương đầu tiên với mức thu nhập ngoài sự mong đợi của một người phụ nữ sống trong hoàn cảnh bị gia đình ruồng bỏ, lại luôn được sống trong sự đùm bọc, chia sẻ của chị em trong HTX, chị đã thấy sự tự tin vào bản thân mình nhiều hơn. Cùng chung với sự suy nghĩ của chị Si, nhiều chị em có cùng hoàn cảnh khi tham gia HTX như chị Hầu Thị Ly, Giàng Thị Già, Vừ Thị Mỷ... có việc làm, thu nhập ổn định, được học tập nâng cao tay nghề đã thực sự lạc quan, yên tâm tin tưởng vào HTX và mong muốn tiếp tục được đóng góp công sức nhiều hơn nữa cho HTX. Đáng mừng là mới đây, HTX Lanh Trắng đã bảo vệ thành công “Đề án phát triển các sản phẩm thổ cẩm từ vải lanh tự nhiên”, là 1 trong 5 đề án khởi nghiệp xuất sắc được T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hỗ trợ vốn mức cao nhất (100 triệu đồng) để tiếp tục phát triển.

Đồng chí Dinh Chí Thành, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn khẳng định: “HTX Lanh Trắng Sà Phìn do chị Vàng Thị Cầu sáng lập ra, tuy mới chính thức đi vào hoạt động trong thời gian ngắn nhưng đã khẳng định được uy tín, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, quan trọng hơn là đã “thổi hồn”, khôi phục nghề thêu dệt lanh ở Đồng Văn, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho gần 100 lao động địa phương là những người yếu thế trong xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo trên địa bàn”./.

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT