Người níu giữ nghề đan lát truyền thống ở Đam Rông - Lâm Đồng
Nghệ nhân N’Tol Ha Bang miệt mài với nghề đan lát truyền thống. Ảnh: Thúy Hạnh
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có nhiều thế hệ gắn bó với nghề truyền thống đan lát, nên nghệ nhân N’Tol Ha Bang, 66 tuổi, người dân tộc M’Nông ở thôn Liêng Trang 1, xã Đạ Tông, (huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng) là người duy nhất còn gắn bó với nghề đan lát cho đến bây giờ. Hiện nay, ở huyện Đam Rông không có truyền nhân để có thể tiếp tục kế thừa và giữ lửa cho nghề đan lát truyền thống tại địa phương. Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Nghệ nhân N’Tol Ha Bang là một trong những nghệ nhân rất hiếm hoi hiện nay vẫn còn đang duy trì nghề đan lát truyền thống. Đặc biệt, đối với nghệ nhân N’Tol Ha Bang, ông có rất nhiều kinh nghiệm và là người gắn bó với nghề, với năng khiếu, cùng sự sáng tạo mang tính nghệ thuật cao trong từng sản phẩm. Nếu như trước đây, các sản phẩm do ông làm ra chủ yếu là phục vụ cho đời sống của đồng bào tại địa phương, thì hiện nay, những sản phẩm của ông để phục vụ du lịch”.
Trước kia, cuộc sống của đồng bào phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, núi rừng, nên hầu hết các vật dụng sinh hoạt trong gia đình đều phải tự chế tác để đảm bảo nhu cầu sản xuất, sinh hoạt hàng ngày. Không những thế, hầu hết các chàng trai trong buôn cũng muốn học nghề đan lát để thể hiện tài năng, sự khéo léo và xem đó như một hành trang vào đời. Biết đan lát từ năm 15-16 tuổi, nghệ nhân N’Tol Ha Bang không thể nhớ nổi mình đã làm ra bao nhiêu sản phẩm phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt gia đình. Chỉ biết rằng, nghề này của ông cha từ lâu đã nuôi sống bao nhiêu thế hệ gia đình và nó rất hữu dụng.
Theo nghệ nhân Ha Bang, nghề đan lát tuy nhìn có vẻ đơn giản, nhưng kỹ thuật rất công phu, đòi hỏi phải kiên trì, khéo léo và sáng tạo. Để hoàn thiện một chiếc gùi, phải mất ít nhất là 5 ngày. Ngoài ra, thời gian hoàn thiện còn phải tùy thuộc vào kích thước của sản phẩm đó lớn hay nhỏ, có nắp đậy và có hoa văn hay không. Được biết, một chiếc gùi hiện nay có giá bán dao động từ 850.000-1.600.000 đồng. Độ bền dao động từ 10-20 năm. Ngoài phục vụ sinh hoạt, lao động sản xuất, những vật dụng này còn được xem như là vật kỷ niệm dùng để cho, tặng và làm của hồi môn trong cưới, hỏi mà cha mẹ trao lại cho con.
Nghệ nhân N’Tol Ha Bang bộc bạch nỗi lo, khó khăn lớn nhất của ông hiện nay là không thể tự đi vào rừng để tìm nguyên liệu đan gùi như ý muốn. Vì vậy, muốn đan được sản phẩm mang bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, ông phải thuê bà con vào rừng chặt cây nứa, tìm dây mây... Không chỉ lưu giữ nghề truyền thống đã có nguy cơ bị mai một, điều đáng quý ở nghệ nhân N’Tol Ha Bang chính là ông đã âm thầm lưu giữ nét riêng, bản sắc riêng trên từng sản phẩm đan lát. Đặc biệt, bằng đôi bàn tay khéo léo, chiếc gùi do nghệ nhân N’Tol Ha Bang chế tác có những hoa văn, họa tiết hết sức tinh xảo và có chút gì đó mang tính huyền bí từ hoa văn. Hình cá, chim, bướm cho đến các ký hiệu hình học, nếu tinh ý một chút sẽ thấy một điều rất thú vị. Đó là, các hoa văn trên chiếc gùi hoa có những điểm tương đồng với các hoa văn trên các sản phẩm thổ cẩm với màu sắc hoa văn chủ đạo là đen, trắng, đỏ, vàng.
Chiếc gùi với hoa văn tinh xảo - một trong những sản phẩm đan lát của nghệ nhân N’Tol Ha Bang. Ảnh: Thúy Hạnh
Theo nghệ nhân, mỗi dân tộc ở vùng đất Tây Nguyên thường làm ra những sản phẩm mang một nét riêng về kiểu dáng, cách tạo và pha trộn màu sắc, các chi tiết, cũng như vẻ đẹp của mỗi họa tiết, hoa văn được trang trí trên từng sản phẩm để phân biệt theo từng vùng miền, từng dân tộc. Đây chính là một đặc trưng rất riêng của đồng bào dân tộc thiểu số, một bộ phận cư dân sinh sống lâu đời bên bờ Nam dòng Krông Nô huyền thoại.
Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Đạ Tông Nguyễn Văn Huy: “Nhận thấy những năm gần đây, nghề truyền thống của địa phương có nguy cơ mai một nên chính quyền địa phương đã quan tâm, chú trọng đến công tác giữ gìn, phục hồi và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có nghề đan lát. Nói đến nghề đan lát, không thể không nhắc đến nghệ nhân N’Tol Ha Bang, một người có nghề thủ công đạt tới trình độ kỹ thuật cao. Ông còn là một người có kinh nghiệm, khéo léo, kiên trì khi cho ra những sản phẩm bền, đẹp. Ông rất đam mê và có tâm huyết với nghề nên đã cùng chính quyền nỗ lực khôi phục nghề truyền thống ở địa phương. Thời gian tới, chính quyền xã đã đưa ra định hướng để đưa sản phẩm ra thị trường, vừa đảm bảo thu nhập cho bà con, vừa bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống và hướng tới phát triển du lịch tại xã Đạ Tông”.
Nghề đan lát truyền thống đã gắn bó lâu đời với bà con dân tộc thiểu số nói chung và ở Tây Nguyên nói riêng. Những sản phẩm đan lát thủ công này không chỉ phục vụ cho cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày, mà còn là nét đẹp văn hóa cần phải bảo tồn, duy trì và phát huy.
Thúy Hạnh