Non nước Việt Nam

Ngôi đình cổ độc đáo trên đất Bình Dương

Cập nhật: 14/08/2020 11:04:33
Số lần đọc: 1002
Ở Bình Dương, có một ngôi đình cổ không chỉ được công nhận là di tích cấp quốc gia, mà còn sở hữu những nét độc đáo hiếm có. Ngôi đình ấy từ lâu đã trở thành “phim trường” của nhiều đoàn làm phim, chụp hình cưới của các đôi uyên ương... Đó là đình Tân An, tọa lạc tại khu phố 1, phường Tân An, TP.Thủ Dầu Một...

|
 Cổng chính vào đình Tân An hiện nay

Ngôi đình và những dấu mốc lịch sử

Đình Tân An tọa lạc gần sông Bến Thế và chợ Bến Thế, vì thế người dân trong vùng quen gọi là đình Bến Thế. Theo tài liệu mới đây của Bảo tàng tỉnh, đình được xây dựng vào năm 1820. Đình do người dân trong làng dựng lên để thờ thần Thành hoàng bổn cảnh - vị thần che chở, bảo vệ dân làng trong những ngày đầu đến vùng đất mới sinh cơ lập nghiệp. Lúc đầu, đình được dựng khá đơn giản và được gọi là “Tương An miếu” (nơi đây xưa gọi là làng Tương An). Một thời gian sau, đình được xây dựng lại với quy mô rộng lớn, chắc chắn hơn. Qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, nhưng đình vẫn giữ được dáng vẻ như ngày hôm nay.

Vào năm 1869, vua Tự Đức đã ban sắc phong cho đình Tân An nhằm công nhận ngôi đình và phong tước hiệu cho thần Thành hoàng để nhân dân biết mà thờ tự. Từ nhiều năm qua, sắc phong này được cất giữ tại nhà thờ dòng họ Nguyễn (tức di tích nhà cổ ông Nguyễn Tri Quan hiện nay). Dòng họ Nguyễn này là một trong những lớp cư dân đầu tiên đến vùng đất Tân An khai hoang lập nghiệp. Đây cũng chính là dòng họ có công lớn trong việc trùng tu lại ngôi đình nên được dân làng tôn làm “Tiền hiền - Hậu hiền” và thờ trong chánh điện của đình.

Ngoài vị thần chính được thờ tự tại đình là thần Thành hoàng bổn cảnh, trong đình còn thờ tả ban, hữu ban và tiền hiền, hậu hiền. Ngoài ra, còn có ban thờ tiên sư (thầy dạy nghề cho dân chúng trong làng); ban thờ nữ bách tính, nam bách tính; bàn thờ Tổ quốc trên có đặt tượng Bác Hồ. Ngoài ra, trong đình còn thờ các vị thần theo tín ngưỡng dân gian khác.

Đình được xây dựng theo lối kiến trúc hình chữ Tam (còn gọi là lối sắp đọi, đình ba nóc). Đặc biệt, ngôi đình có đến 40 cây cột vuông bằng gỗ, phía ngoài hành lang còn có 30 cây cột. Mái đình lợp bằng ngói vây cá, trang trí thêm hình lưỡng long tranh châu ở giữa và cá hóa rồng ở các góc mái. Toàn bộ nội thất trong đình, từ tủ thờ, bàn thờ, cột gỗ đến các tấm hoành, bao lam, câu đối trang trí đều được làm từ các loại gỗ quý. Qua bàn tay chạm khắc tinh xảo của người thợ xưa, những nét hoa văn nghệ thuật trang trí trong ngôi đình cũng trở nên sắc sảo và làm cho ngôi đình thêm phần độc đáo hơn.

Nét độc đáo hiếm có

Có dịp ghé thăm đình Tân An, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng sẽ rất ấn tượng trước vẻ đẹp cổ kính của ngôi đình cổ này. Đặc biệt, đình có 2 cổng nhỏ bên phải và bên trái được đánh giá là độc đáo có một không hai. Trên 2 cổng đình này có 2 cây đa mọc lên, tỏa bộ rễ quấn quanh cổng đình rêu phong trông rất đẹp mắt. Đặc biệt, theo người dân trong làng, cây đa mọc trên cổng bên trái của đình đã trên trăm tuổi, với bộ rễ chằng chịt ôm lấy những hàng gạch cũ kỹ như muốn níu giữ lại cái cổng cũ kỹ ấy với thời gian. Hình ảnh cổng đình độc đáo này đã lọt vào tầm ngắm của rất nhiều đoàn làm phim trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là những phim cổ tích, cải lương, phim nói về làng quê Nam bộ xưa. Trong nhiều bộ phim, như: Vó ngựa trời Nam, Lục Vân Tiên, Ván bài lật ngửa, Đất phương Nam… đều có những cảnh quay liên quan đến ngôi đình này.

Nhiều đôi uyên ương cũng tìm về đây chụp hình ngoại cảnh vì muốn lưu giữ khoảng khắc hạnh phúc đời mình bên cổng đình độc đáo này. Những nét văn hóa, nghệ thuật của ngôi đình cùng với cổng đình có một không hai này còn là nơi mà những nhà nhiếp ảnh nghệ thuật, những người yêu thiên nhiên và sự hoài cổ thường xuyên tìm về sáng tác, tìm hiểu và chiêm ngưỡng. Bước qua cổng đình (đi theo cổng chính mới xây dựng sau này, hiện 2 cổng gạch có cây đa mọc bên trên đã khóa cửa để bảo đảm an toàn), bên trong khuôn viên và cánh rừng bên cạnh đình hiện vẫn còn khá nhiều cây cổ thụ cao to, phủ bóng mát quanh năm.

Lưu giữ nét văn hóa xưa

Theo các chú, bác trong Ban nghi lễ đình, đình Tân An là ngôi đình mang đậm tính chất của đình làng Việt. Cùng với thời gian, những tập tục thờ cúng, những nét sinh hoạt văn hóa dân gian từ xưa vẫn còn lưu giữ ở ngôi đình này.

Hàng năm, tại đình Tân An diễn ra một số lễ hội, thu hút đông đảo người dân địa phương và quanh vùng tham gia. Trong đó, lễ Kỳ yên là lễ lớn nhất của đình, được tổ chức định kỳ vào ngày rằm tháng 11 hàng năm và cứ 3 năm đáo lệ một lần thì cúng lớn hơn, tổ chức từ ngày 14 đến 16-11, có mời đoàn hát bội về hát phục vụ hàng đêm. Trong những dịp lễ Kỳ yên sau này, chính quyền địa phương còn chỉ đạo đoàn thanh niên tổ chức thêm những trò chơi, như: Ném còn, đẩy gậy, nhảy bao bố, thi đấu bóng chuyền... thu hút nhiều thanh niên địa phương tham gia, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa tạo thêm không khí vui vẻ khi đến với hội đình.

Ngoài những giá trị về mặt thời gian, đình Tân An còn là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân địa phương, các vùng lân cận. Năm 2004, đình Tân An được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đến năm 2014, đình Tân An được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Với tuổi đời 200 năm tồn tại, đình Tân An ngày nay vẫn giữ gần như nguyên vẹn về kiến trúc nghệ thuật, nét văn hóa làng quê xưa. Cùng với 2 cái cổng đình độc đáo, đình Tân An luôn là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà nghiên cứu, sinh viên và những người yêu thích nghệ thuật, muốn tìm hiểu về cái đẹp.

CẨM LÝ

Nguồn: Báo Bình Dương

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT