Hoạt động của ngành

Nắng và hành trình trở thành đặc sản du lịch

Cập nhật: 17/01/2023 10:45:57
Số lần đọc: 584
Công trình “Ánh sáng vùng biên” của cánh đồng năng lượng mặt trời đã khai thác giá trị của vùng đất khô cằn, nâng cao chất lượng cuộc sống tạo công ăn việc làm cho người dân khu vực biên giới.  


Nhà máy Điện mặt trời An Hảo.

Thế giới chung quanh chúng ta rộng lớn vô cùng. Chỉ có ánh nắng thôi mà đã chứa cả một biên niên lịch sử lâu dài. Và khám phá ra nét đẹp của nắng lại là cả một hành trình gian nan đến vậy.

Bật tone màu nắng

Câu chuyện xây dựng Nhà máy Điện mặt trời An Hảo, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang - một trong nhà máy đẹp nhất Việt Nam ở phía tây nam Tổ quốc mang trong nó những giá trị đặc biệt sẽ được nhắc nhớ đến mai sau.

Đại diện nhà đầu tư - Tập đoàn Sao Mai chia sẻ quá trình xây dựng công trình gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết, khí hậu không thuận lợi của vùng Bảy Núi. Đặc biệt là phải chạy đua với đại dịch Covid-19 tăng tốc về đích đúng hẹn. Nằm dưới chân Thiên Cấm Sơn, ngọn núi cao nhất vùng Bảy Núi, hạ tầng giao thông còn hạn chế nên việc vận chuyển nguyên vật liệu phải nhập khẩu gặp khá nhiều khó khăn.

“Vượt lên tất cả, với ý chí quyết tâm, chúng tôi đã triển khai thi công và hoàn thành công trình trước vạch đích 31/12/2020. Đó là thời hạn chót để được hưởng giá mua điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam giai đoạn 1 là 9,35 cent/kW và giai đoạn 2 là 7,09 cent/kW”, đại diện nhà đầu tư chia sẻ.

Đón nắng trên những tầng pin xanh để hơn thế nữa cho giá trị vững bền

Những ngày ấy, trên công trường xây dựng lúc nào cũng tấp nập từ công nhân đến các kỹ sư, chuyên gia người nước ngoài bám trụ. Xe cộ vận chuyển nguyên vật liệu từ khắp nơi cũng ngược xuôi đổ về vùng Bảy Núi. Và rồi cánh đồng pin năng lượng mặt trời trải rộng đón nắng ngay dưới chân Thiên Cấm Sơn hùng vĩ. Những dòng điện đầu tư được hòa vào dưới điện quốc gia trong ngày cuối năm đáng nhớ.

Công trình “Ánh sáng vùng biên” của cánh đồng năng lượng mặt trời đã khai thác giá trị của vùng đất khô cằn, nâng cao chất lượng cuộc sống tạo công ăn việc làm cho người dân khu vực biên giới.

Kỳ thú non thiêng

Trên vùng đất quanh năm nắng và gió ở xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, khó canh tác hiệu quả các loại hoa màu do thời tiết khắc nghiệt, nhất là thiếu nước. Nhà máy Điện mặt trời An Hảo xuất hiện như một “kỳ tích” đã làm thay đổi toàn bộ cảnh sắc lẫn không gian dưới chân Núi Cấm. Không “đả động” đến rừng, không bạt núi, cũng chẳng hề chặn dòng, cánh đồng điện mặt trời trở thành “điểm nhấn” kỳ thú của thảo nguyên quang năng.

Sắp ra mắt góc tham quan mới toanh ở Nhà máy Điện mặt trời An Hảo

Nước ta có vị trí gần xích đạo, nằm gọn trong vành đai khí hậu nhiệt đới bắc bán cầu, với nền bức xạ nhiệt trung bình năm cao. Cán cân bức xạ quanh năm luôn dương, do đó, thị trường năng lượng mặt trời nhanh chóng trở nên hấp lực nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia.

Và thế là, nguồn nắng “trời ban” đã trở thành “kho vàng” của nhà đầu tư khai thác để không bao giờ lãng phí tài nguyên. Nhà đầu tư biết chắt chiu, thu lượm từng giọt nắng để tạo ra hệ giá trị tuần hoàn và thặng dư cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.

Những cán bộ kỹ sư đo cường độ năng lượng mặt trời với sơ đồ nối điện trên màn hình HMI.

Người ta nhớ đến nắng ở An Hảo bởi màu vàng rực rỡ. Vẻ đẹp ấy có thể hằn sâu lên ký ức của nhiều người khi đến chiêm ngưỡng, để hiểu và chia sẻ với những người biết chắt chiu từng giọt nắng để biến thành thứ đặc sản.

Vùng đất cực nam đất nước mang trên mình nhiều huyền thoại, đã, đang và sẽ được tạc thêm những kỳ tích về kiến tạo thảo nguyên năng lượng xanh, ngập tràn sức sống mới.

Thanh Vân

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 16/01/2023

Cùng chuyên mục