Non nước Việt Nam

Lễ hội làm chay - Nét đẹp văn hóa ở Tầm Vu (Long An)

Cập nhật: 10/09/2020 09:30:42
Số lần đọc: 1196
Ðã thành thông lệ, ngay sau Tết Nguyên đán, người dân Châu Thành lại chuẩn bị “cái tết thứ 2” - Lễ hội làm chay. Lễ hội diễn ra vào ngày 15, 16 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm tại đình Tân Xuân.

“Dù ai mua bán bộn bề

Làm chay mười sáu nhớ về Tầm Vu”.

Câu ca dao như lời nhắc nhở những người con xa xứ trở về mỗi khi Lễ hội làm chay đến. Đây là lễ hội truyền thống độc đáo, mang nét đẹp văn hóa dân gian, đậm tính cộng đồng của người dân ở Tầm Vu, huyện Châu Thành (tỉnh Long An) hơn 100 năm nay. Lễ hội có ý nghĩa cầu an cho người sống, cầu siêu cho người chết và mong cầu một năm mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.

Ðã thành thông lệ, ngay sau Tết Nguyên đán, người dân Châu Thành lại chuẩn bị “cái tết thứ 2” - Lễ hội làm chay. Lễ hội diễn ra vào ngày 15, 16 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm tại đình Tân Xuân.

Tục truyền hơn trăm năm trước chợ Tầm Vu nhiều lần bị cháy, liên tiếp xảy ra dịch bệnh nên người dân lập lệ cúng cầu siêu, cầu an cho bá tánh vào dịp rằm Nguyên Tiêu lâu dần thành lệ. Theo sử liệu ghi chép lại và qua lời kể của người cao tuổi nơi đây, sau khi Pháp chiếm được Tầm Vu, nhiều cuộc khởi nghĩa liên tục nổi lên nhưng bị thực dân Pháp đàn áp dã man.

Mỗi lần bắt được người kháng chiến hoặc tình nghi, Pháp ra lệnh “dẹp chợ, gom dân, xử tử”, rất nhiều nghĩa sĩ đã ngã xuống, trong đó có sự hy sinh của 2 nhà yêu nước Đỗ Tường Phong và Đỗ Tường Tự. Cái chết của nhà yêu nước Đỗ Tường Tự tại sân đình Tân Xuân đến nay người dân vẫn kể cho nhau nghe để tỏ lòng kính phục và biết ơn sâu sắc những bậc tiền nhân.

Sau khi 2 ông mất, thực dân Pháp nghiêm cấm việc làm ma chay và khóc thương nhằm uy hiếp tinh thần của Nhân dân lúc bấy giờ. Để tỏ lòng kính trọng đối với những bậc nghĩa khí trung kiên, tiêu biểu là 2 ông Đỗ Tường Phong và Đỗ Tường Tự, người dân Tầm Vu ngày ấy phao tin “loạn cô hồn dậy dẹp chợ” và mượn cớ đó để “làm lễ trai đàn” cúng cô hồn để cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi. Về sau, người dân đọc từ “trai” thành “chay” và cái tên Lễ hội làm chay ra đời từ đó. Qua các phong trào yêu nước, rất nhiều nghĩa sĩ đã hy sinh, nhiều người dân bị giết oan. Đó chính là cội nguồn, nguyên nhân của Lễ làm chay đã hình thành hơn trăm năm nay.

Lễ hội khởi đầu bằng nghi thức thỉnh Tiêu diện Đại sĩ mà dân gian thường gọi là ông Tiêu. Ông Tiêu được thỉnh từ chùa Linh Phước về chùa Linh Võ, sau đó thỉnh lên giàn tại đình Tân Xuân - trung tâm của Lễ hội làm chay. Ngoài ra, lễ hội còn có lễ chiêu u, đánh động thỉnh kinh, nghi thức phóng sanh trên sông Tầm Vu,… đặc biệt nhất là nghi thức “xô giàn - đưa khách” và đốt ông Tiêu - khép lại lễ hội. Bên cạnh phần lễ là phần hội sôi động với các trò chơi dân gian. Hàng năm, lễ hội thu hút rất đông du khách trong và ngoài tỉnh đến dự.

Đình Tân Xuân gắn với Lễ hội làm chay mạng đậm nét văn hóa cộng đồng và tổng hòa các yếu tố tôn giáo, dân tộc, tín ngưỡng dân gian. Năm 2014, đình Tân Xuân được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia và Lễ hội làm chay được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia./.

Nguồn: Báo Đắk Nông

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT