Non nước Việt Nam

Làng nghề tơ lụa Mã Châu

Cập nhật: 13/10/2020 08:04:20
Số lần đọc: 1423
Một trong những sản vật trứ danh của huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) mà bất cứ du khách nào khi đến đây cũng muốn sở hữu một vài món đồ để sử dụng hoặc để làm quà tặng cho người thân, bạn bè đồng nghiệp đó là lụa tơ tằm truyền thống Mã Châu.

Lụa Mã Châu được trưng bày để cho du khách tham quan.

Không ai biết chính xác lụa Mã Châu xuất hiện vào thời gian nào. Theo tương truyền và một số người già tại đây kể lại, nghề dệt lụa Mã Châu hình thành từ thế kỷ XVI xuất hiện ở đây khoảng 400 - 500 năm nay. Lúc hưng thịnh, làng tơ lụa Mã Châu (huyện Duy Xuyên) có đến hơn 2.000 ha trồng dâu nuôi tằm.

Ngay từ khi xuất hiện, lụa Mã Châu đã nức tiếng khắp nơi bởi sự tinh tế trong hoa văn và sự phối màu hài hòa của người thợ dệt. Lụa tơ tằm Mã Châu đẹp, bền nhờ được dệt từ những kén tơ do tằm được nuôi bằng lá cây dâu sinh trưởng từ nguồn phù sa màu mỡ do ba con sông Thu Bồn, Vu Gia, Bà Rén bồi đắp cùng với sự khéo léo, cẩn thận, tay nghề giỏi của người thợ…

Một trong những món quà của huyện Duy Xuyên mà bất cứ du khách nào khi đến đây cũng muốn sở hữu.

Để có một sản phẩm lụa tơ tằm đạt chất lượng và thẩm mỹ, người thợ phải sản xuất, làm việc hết 100% tâm trí trong các công đoạn: nuôi tằm - ươm tơ - dệt lụa - tẩy nhuộm màu để mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm hoàn mỹ nhất. Nhờ thế, lụa tơ tằm truyền thống Mã Châu sẽ có những đặc tính mà các vải lụa công nghiệp không thể có được, đó là: thoát nhiệt, thoát ẩm, chống hôi, chống độc tố.

Theo những người lớn tuổi trong làng cho biết, thời phong kiến, lụa Mã Châu là một trong những sản vật để cống tiến cho triều đình nhà Nguyễn may trang phục cho các vua, hoàng hậu, hoàng tử công chúa và quan lại trong triều.

Lụa tơ tằm Mã Châu đẹp được du khách chọn mua làm quà.

Để bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống của quê hương, tất cả các công đoạn sản xuất đều được các công nhân của công ty thực hiện theo quy trình truyền thống. Đó cũng là tâm niệm của người dân làng nghề sản xuất lụa Mã Châu.

Hiện nay, nguồn nguyên liệu tơ tằm của công ty phải nhập từ nơi khác về để sản xuất. Nhằm đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu, huyện Duy Xuyên đã quy hoạch hơn 200 ha chuyên canh trồng dâu nuôi tằm phục vụ nguồn nguyên liệu chất lượng cho làng nghề duy trì sản xuất, phát triển.

Lượng khách tìm mua lụa Mã Châu ngày một đông.

Không chỉ là những mảnh khăn lụa mềm mượt sắc tơ mà làng lụa xứ Quảng còn cho ra đời những bức tranh thêu óng ả sắc màu dưới đôi tay tài hoa của người thợ. Đến đây, du khách còn có thể thưởng lãm sự phong phú của nghề dệt và văn hóa Chăm với những thành phẩm đặc sắc của xứ sở Duy Xuyên, thuộc tỉnh Quảng Nam./.

Nguồn: LangvietOnline

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT