Non nước Việt Nam

Lan tỏa giá trị văn hóa các dân tộc bằng hoạt động lễ hội tại Quảng Nam

Cập nhật: 26/09/2022 09:26:03
Số lần đọc: 609
Tỉnh Quảng Nam có đông đảo đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống như Cơ Tu, Ca Dong, Mơ Nông, Xê Đăng, Cor, Giẻ Triêng… Những năm gần đây, địa phương này định kỳ tổ chức lễ hội văn hóa đặc sắc nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc.


Cuối tháng 8, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam rộn ràng tiếng cồng chiêng trong Lễ hội văn hóa các dân tộc. Đây là lần đầu tiên địa phương tổ chức lễ hội này để giới thiệu văn hóa bản địa đến với du khách gần xa. Tại lễ hội, nghệ thuật cồng chiêng được người dân trình diễn. Với đồng bào các dân tộc thiểu số, tiếng cồng nhịp chiêng có ý nghĩa thiêng liêng trong đời sống, được sử dụng trong các dịp lễ hội quan trọng, mùa lúa mới của làng và cộng đồng.

Bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Nam được thể hiện rõ nét trong các hoạt động lễ hội.

Ông Nguyễn Văn Quyền, dân tộc Cor ở xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My cho biết, cứ mỗi dịp lễ hội, đồng bào “vùng cao sơn ngọc quế” lại cùng nhau đánh chiêng, múa hát tạo nên những giai điệu hào hùng giữa đại ngàn: “Lễ hội tái hiện lại những nét văn hóa của các dân tộc, qua đó chúng tôi được giao lưu, học hỏi. Chúng tôi sẽ cố gắng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của chúng tôi. Qua lễ hội, chúng tôi được thể hiện tiếng cồng, tiếng chiêng cho mọi người biết đến”.

Tại huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 60%. Có nhiều thành phần dân tộc sinh sống, văn hóa ở miền núi cao này vừa phong phú, đa dạng, vừa đặc sắc, độc đáo. Những bộ trang phục, làn điệu dân ca hay nghi lễ rước vật thiêng, nhà sàn, cây nêu… là điểm nhấn quan trọng tạo nên tính đa dạng và độc đáo của văn hóa các dân tộc nơi đây.

Múa cồng chiêng là nét văn hóa độc đáo của nhiều dân tộc thiểu số ở vùng cao Quảng Nam.

Già làng Hồ Văn Lế, người Mơ Nông ở huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Lễ hội là dịp để mang nét văn hóa của dân tộc mình giới thiệu với người dân địa phương khác và còn là dịp giảng dạy cho con cháu nhớ tới văn hóa, tập tục của dân tộc mình. Mong rằng Đảng và Nhà nước, chính quyền quan tâm, tạo điều kiện tổ chức thường xuyên các lễ hội văn hóa để chúng tôi được tiếp tục phát huy, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình”.

Những năm gần đây, công tác bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống được các huyện miền núi Quảng Nam chú trọng. Có những địa phương định kỳ tổ chức các lễ hội văn hóa, trở thành “điểm hẹn” không thể thiếu của cộng đồng các dân tộc ở địa phương. Mới đây huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam tổ chức Liên hoan “Âm vang cồng chiêng” lần thứ 5 quy tụ 600 nghệ nhân tham gia tái hiện nghi thức dân gian các dân tộc, trình diễn trang phục truyền thống và cồng chiêng…

Tục rước cây nêu của các dân tộc thiểu số ở Quảng Nam.

Ông Tôn Thất Hướng - nhà nghiên cứu văn hóa Cơ tu (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Nam) cho biết các địa phương cần tiếp tục lan toả những giá trị văn hoá đặc sắc này: “Văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số cần phải có cộng đồng chung tay góp sức và có sự lan tỏa để có sự cảm nhận của cộng đồng. Trong đó, có cả người đồng bào dân tộc thiểu số và không phải đồng bào dân tộc thiểu số, họ cảm nhận được những nét tinh túy và những giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa của đồng bào nơi đây”.

Những năm gần đây, tỉnh Quảng Nam ban hành nhiều đề án, quy hoạch, kế hoạch nhằm định hướng phát triển trên lĩnh vực văn hóa. Giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đậm đà bản sắc làm nguồn lực nội sinh, sức mạnh mềm để thúc đẩy sự phát triển bền vững của địa phương, trong đó có bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, các giá trị văn hóa trong tín ngưỡng dân gian.

Ông Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết: “Thời gian tới, các địa phương nên tiếp tục tổ chức nhiều chương trình để khôi phục các hoạt động văn hóa các dân tộc trên địa bàn. Từ đó, khơi dậy niềm tự hào và tạo động lực cho nhân dân trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững”./.

Phương Cúc

 

Nguồn: VOV - vov.vn - Đăng ngày 26/9/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT