Hoạt động của ngành

Lâm Đồng: Phát triển du lịch đặc trưng để thu hút khách

Cập nhật: 07/10/2022 09:54:59
Số lần đọc: 788
Lâm Đồng có nhiều dân tộc, với nguồn tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn đa dạng, phong phú, rất thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch chất lượng cao. Báo Lâm Đồng cuối tuần xin gởi đến bạn đọc cuộc trao đổi với Ths. Hoàng Ngọc Huy - Trưởng Phòng Quản lý Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng) về các điều kiện thuận lợi trong phát triển các loại hình du lịch đặc trưng ở Lâm Đồng.

 • PV: Là người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực văn hoá - du lịch và tham gia nghiên cứu, giảng dạy về du lịch, ông có thể nhận định sơ bộ về điều kiện phát triển du lịch ở Lâm Đồng?

 • Ths. Hoàng Ngọc Huy: Tỉnh Lâm Đồng dân số gần 1,5 triệu người thuộc 47 dân tộc anh em cùng sinh sống đan xen, với nhiều tôn giáo khác nhau, có tinh thần đoàn kết, bình đẳng, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển đã tạo nên một cộng đồng đa dạng trong văn hóa, mang đậm bản sắc truyền thống, nhiều phong tục, tập quán, lễ hội văn hoá dân gian đặc sắc. Đồng thời, điều kiện tự nhiên với những đặc trưng khác biệt, giúp Lâm Đồng có thể phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, đa dạng và đã trở thành điểm đến lý tưởng của nhiều du khách trong và ngoài nước.

Xác định ngành Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng luôn quan tâm tạo mọi điều kiện để thu hút đầu tư phát triển du lịch theo hướng chất lượng cao và bền vững, bằng cách ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch; chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng chương trình hành động, kế hoạch phát triển du lịch trong từng giai đoạn và hàng năm để kịp thời định hướng phát triển du lịch của từng địa phương trong tỉnh; cũng như thu hút các dự án, công trình trọng tâm, trọng điểm tạo đột phá trong phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.

 Với các chủ trương phát triển du lịch của cả nước nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng, trong thời gian qua, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư tại Lâm Đồng, đã góp phần tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội; nhiều dự án du lịch được đầu tư hoàn thành và đưa vào khai thác kinh doanh góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của tỉnh; chất lượng dịch vụ được nâng lên, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch cơ bản đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của du khách.

 UBND tỉnh cũng tập trung chỉ đạo đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ du lịch như giao thông, điện, cấp thoát nước, viễn thông... đến các khu vực quy hoạch du lịch, đặc biệt là tại khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, Đankia - Suối Vàng và các dự án du lịch trọng điểm của tỉnh. Hạ tầng giao thông đối ngoại, đối nội được hoàn thiện, tăng cường kết nối với các tỉnh, thành trong cả nước, rút ngắn thời gian lưu thông, tạo thuận lợi cho người dân và du khách khi tham quan, nghỉ dưỡng tại Lâm Đồng. Giao thông hàng không tiếp tục phát triển, mở mới các đường bay kết nối các tỉnh trong nước và quốc tế; tần suất khai thác tại sân bay Liên Khương trung bình khoảng 28-30 chuyến/ngày, cao điểm vào mùa du lịch có thể tăng lên trên 50 chuyến/ngày; vận tải hành khách tăng bình quân 30%/năm, vận tải hàng hóa tăng 32%/năm.

Du lịch cộng đồng kết hợp khám phá cảnh đẹp thiên nhiên ở các địa phương

 • PV: Các điều kiện đó đã có tác động như thế nào đến du lịch Lâm Đồng?

 • Ths. Hoàng Ngọc Huy: Đến nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 36 khu, điểm tham quan du lịch, 33 điểm du lịch canh nông và 3 sân golf 18 lỗ được đầu tư, khai thác kinh doanh cùng với hơn 60 điểm tham quan kiến trúc tôn giáo và danh lam, thắng cảnh du lịch khác tạo nên sự phong phú, đa dạng đối với các tour, tuyến du lịch. Toàn tỉnh có trên 3.000 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số gần 38 ngàn phòng; trong đó, có hơn 450 khách sạn từ 1-5 sao với trên 13 ngàn phòng (gồm 44 khách sạn cao cấp từ 3-5 sao với 4.258 phòng). Ngoài ra, hệ thống lữ hành - vận chuyển cũng đang dần hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu của du khách với 61 đơn vị kinh doanh lữ hành - vận chuyển du lịch (32 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 29 doanh nghiệp lữ hành nội địa).

Về sản phẩm du lịch, bên cạnh các sản phẩm du lịch truyền thống như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo, tham quan văn hóa bản địa, tỉnh cũng đã xác định du lịch cộng đồng, du lịch canh nông, du lịch thể thao mạo hiểm là sản phẩm có tính cạnh tranh cao, có nét đặc trưng khác biệt mang thương hiệu du lịch Lâm Đồng. Với sự hỗ trợ của tổ chức JICA - Nhật Bản, tỉnh đã xây dựng thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” - đây là thương hiệu để quảng bá các hình ảnh du lịch canh nông đến với khách du lịch trong và ngoài nước. UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành các quyết định về Quy chế tạm thời về đầu tư và quản lý hoạt động kinh doanh du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và Quy định tạm thời về quản lý hoạt động tổ chức và khai thác kinh doanh du lịch mạo hiểm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Mùa hồng treo gió mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho người dân và du khách

 Sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch canh nông, du lịch thể thao mạo hiểm ở Lâm Đồng trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội chung của tỉnh và dần xây dựng nên thương hiệu du lịch riêng cho Đà Lạt - Lâm Đồng. Đặc biệt, trong những năm gần đây, phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới và sản phẩm OCOP, mang lại cho du khách những trải nghiệm về cuộc sống của người dân bản địa. Người dân được tham gia trực tiếp vào các hoạt động du lịch và thu được các lợi ích kinh tế - xã hội từ các hoạt động du lịch, đồng thời chịu trách nhiệm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường và văn hóa địa phương; đóng góp một phần không nhỏ trong việc nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn, tăng cường việc giao lưu văn hoá, sự hiểu biết lẫn nhau giữa du khách và cộng đồng hướng đến phát triển du lịch bền vững...

 • PV: Xin cảm ơn ông! Và chúc cho du lịch Lâm Đồng đạt được nhiều thành công với các mô hình du lịch đặc trưng và khác biệt!

Lê Hoa

Nguồn: Báo Lâm Đồng - baolamdong.vn - Ngày đăng 06/10/2022

Cùng chuyên mục