Hoạt động của ngành

Huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) khai thác tiềm năng phát triển du lịch

Cập nhật: 01/06/2020 08:00:19
Số lần đọc: 1298
Huyện Lạc Thủy có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Trong đó, phải kể đến Lễ hội chùa Tiên là lễ hội truyền thống, đã đi vào tiềm thức của người dân địa phương và du khách gần xa, trở thành nét đẹp văn hóa mỗi độ xuân về.

Chùa Tiên, xã Phú Nghĩa là điểm du lịch tâm linh nổi tiểng của huyện Lạc Thủy.

Chùa Tiên như chốn bồng lai tiên cảnh, chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử, như trở về với cội nguồn, tìm về cõi tâm linh hướng thiện. Hang Luồn là sản phẩm thiên nhiên ban tặng cho con người. Ở đó kết hợp những nhũ đá, muôn hình, vạn trạng, sắc màu lung linh, huyền ảo. Lòng hang có vẻ đẹp kỳ thú, khơi gợi trí tưởng tượng, thẩm mỹ của con người. Từ năm 1995, đoàn cán bộ nghiên cứu của Phân viện Thám sát hang động Italy đã đến khảo sát, đánh giá hang Luồn là một trong những hang đẹp và quyến rũ của tỉnh Hoà Bình. Năm 2011, hang Luồn được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia, theo Quyết định số 53, ngày 28/12/2001 của Bộ VH-TT. Huyện còn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa được công nhận di tích quốc gia như: Đồn điềnChi Nê, Nhà máy in tiền, di tích danh lam thắng cảnh quần thể hang động khu vực chùa Tiên - xã Phú Lão, di tích danh lam thắng cảnh hang động núi Niệm - xã Phú Thành...

Huyện Lạc Thủy cũng tiếp giáp với những nhiều điểm di tích nằm liền kề với các khu du lịch nổi tiếng như: khu du lịch Tràng An, Bái Đính, Vân Long (Ninh Bình); khu du lịch chùa Hương, chùa Tam Chúc, các khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng của huyện Kim Bảng (Hà Nam)... Huyện có điều kiện để xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn như du lịch văn hóa, sinh thái, du lịch thắng cảnh, lễ hội.

Với những tiềm năng riêng có, Lạc Thủy được quy hoạch là vùng trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh. Huyện đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể về quy hoạch, thu hút các nguồn lực đầu tư thamgia phát triển các loại hình du lịch tâm linh, sinh thái, du lịch văn hóa, lịch sử.

Đồng chí Hoàng Mạnh Khỏe, Trưởng phòng VH-TT huyện cho biết: Những năm gần đây, huyện đã huy động khoảng 452 tỷ đồng, đầu tư 10 công trình hạ tầng phát triển du lịch như: hạ tầng du lịch huyện Lạc Thủy, Nhà tưởng niệm người có công và cán bộ, công nhân Nhà máy in tiền đầu tiên của chính quyền cách mạng Việt Nam; di tích trường Cán bộ dân tộc miền Nam; xây dựng, nâng cấp hạ tầng du lịch chùa Tiên… Đến nay, nhiều điểm, khu du lịch của huyện đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, góp phần vào phát triển ngành du lịch của tỉnh. Tổng lượng khách đến thăm quan các điểm du lịch trên địa bàn ngày càng tăng.

5 năm qua, huyện đón trên 3,37 triệu lượt khách đến thăm quan, trải nghiệm. Trên địa bàn có nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch như: Dự án tổ hợp sinh thái nghỉ dưỡng Đồng Tâm, dự án du lịch sinh thái làng Đá Bạc, dự án cáp treo Hương Bình. Huyện xúc tiến mời gọi đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch mang đặc trưng vùng miền, thành lập các tour du lịch chùa Tiên, núi Niệm, Nhà máy in tiền, hang Luồn và các tour du lịch ngoại tỉnh (chùa Tiên - chùa Hương - Tam Chúc - Bái Đính - Tràng An), thông tuyến cáp treo chùa Tiên - chùa Hương; đầu tư xây dựng dự án khu du lịch văn hóa và nghỉ dưỡng Lạc Thủy, xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp xã Đồng Tâm; xây dựng, phát triển du lịch cộng đồng. Đồng thời, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển ngành dịch vụ phụ trợ cho hoạt động du lịch, hình thành các ngành nghề truyền thống như: chế tác đá cảnh, hàng thủ công mỹ nghệ, sản xuất sản phẩm đặc sắc của địa phương, thực hiện mục tiêu phát triển du lịch huyện Lạc Thủy trở thành điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh và các vùng lân cận, với các sản phẩm đặc trưng là du lịch văn hóa - tâm linh, nghiên cứu, sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc, để tạo sức hấp dẫn cho du khách.

 

Chung Lê

Nguồn: Báo Hòa Bình

Cùng chuyên mục