Tin tức - Sự kiện

Hội nghị tháo gỡ khó khăn ngành Du lịch: Nhiều đề xuất thiết thực nhằm đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, sẵn sàng để phục hồi

Cập nhật: 08/08/2020 18:34:05
Số lần đọc: 691
(TITC) - Tinh thần chung của các bên tham dự Hội nghị trực tuyến chiều ngày 7/8 do Tổng cục Du lịch chủ trì là cảm thông, hợp tác, chia sẻ trước những khó khăn, thách thức mà ngành du lịch phải đối mặt hiện nay, đặc biệt là tình trạng khách hàng hủy tour do dịch Covid-19 với những đề xuất cụ thể, thiết thực.

Các đại biểu tham dự đánh giá cao việc Tổng cục Du lịch nhanh chóng tổ chức Hội nghị bàn tháo gỡ khó khăn cho ngành Du lịch vào thời điểm cấp bách khi dịch Covid-19 vừa bùng phát trở lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động du lịch trong cả nước.

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến tâm huyết, thiết thực đã được các đại biểu đưa ra thảo luận, tập trung vào các vấn đề: tháo gỡ những vướng mắc trong giải quyết việc hoãn, hủy chương trình, dịch vụ du lịch đã đặt cọc; cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng của dịch; và phương hướng phục hồi trong giai đoạn tới.

Sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng hoãn, hủy, đổi chương trình du lịch

Theo thống kê sơ bộ từ các địa phương, doanh nghiệp, khi dịch Covid-19 quay lại, đến nay đã có hàng chục nghìn khách du lịch hoãn, hủy tour du lịch. Đơn cử, một số trung tâm như Hà Nội có khoảng 32.000 khách hủy tour nội địa; TP. Hồ Chí Minh có trên 35.000 chương trình du lịch bao gồm tour trọn gói, tour tự chọn, dịch vụ (khách sạn, vé máy bay, điểm tham quan…) đã bị huỷ. Dự kiến, trong tháng 8/2020 tỷ lệ hủy phòng khách sạn sẽ trên 90%.

Đối với các doanh nghiệp lữ hành, vướng mắc lớn nhất hiện nay là tình trạng khách hủy tour yêu cầu hoàn tiền, trong khi doanh nghiệp lữ hành là đơn vị trung gian, kết nối giữa khách du lịch và nhà cung ứng dịch vụ, đã sử dụng tiền của khách hàng để đặt cọc các dịch vụ tại điểm đến. Áp lực từ cả hai phía khiến các doanh nghiệp lữ hành đang gặp rất nhiều khó khăn khi xử lý yêu cầu của khách.

Đáng mừng là qua ý kiến của các tập đoàn đầu tư cung ứng dịch vụ, các hãng hàng không cho thấy sự sẵn sàng chia sẻ, hợp tác để giải quyết vấn đề.

Bà Trần Thị Nguyện - Giám đốc Kinh doanh Sun Group cho biết các các cơ sở kinh doanh dịch vụ của Sun Group tại Đà Nẵng đã đóng cửa theo chỉ đạo của chính quyền thành phố để cùng nhau chống dịch. Tuy nhiên, Sun Group vẫn có những chính sách hỗ trợ khách du lịch và doanh nghiệp lữ hành trong việc hoàn tiền và gia hạn vé tham quan.

Bà Trần Thị Nguyện - Giám đốc Kinh doanh Sun Group

Những khách sạn do trực tiếp Sun Group quản lý sẽ thuyết phục khách hàng không hủy và giữ nguyên giá trị booking, nhưng nếu khách hàng không thay đổi thì Sun Group sẵn sàng hoàn tiền. Đối với những khách sạn Sun Group thuê quản lý thì tôn trọng các tập đoàn quản lý và phối hợp vận động để họ sẵn sàng chia sẻ và đồng hành với khách hàng.

Đại diện Sun Group cũng cho rằng mặc dù dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra nhưng các doanh nghiệp vẫn nên tiếp tục duy trì hoạt động bằng những kế hoạch bảo tồn, bảo trì, làm mới khu tham quan, khu vui chơi giải trí, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới để khi khách quay trở lại sẽ thấy điểm du lịch mới trong mắt du khách; đồng thời, đề xuất Tổng cục Du lịch và các sở, ban ngành tiếp tục nghiên cứu xây dựng chương trình kích cầu du lịch lần hai ở quy mô quốc gia để triển khai khi dịch bệnh được kiểm soát.

Bà Lê Thúy Hà - Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Flamingo cho biết Flamingo đã đưa ra các chính sách kịp thời ổn định tâm lý khách hàng, có những khu villa biệt lập để khách sử dụng vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng và đảm bảo an toàn, phù hợp cho các đối tượng khách gia đình, đơn vị có sự kiện nhỏ. Flamingo đồng hành cùng các doanh nghiệp lữ hành và dịch vụ có chương trình bảo lưu cho khách hàng sử dụng các dịch vụ lên tới 1 năm, với giá trị không thay đổi.

Về phía các hãng hàng không, đại diện Vietnam Airlines, bà Nguyễn Hồng Nga cho biết khi dịch bệnh Covid-19 quay lại, Vietnam Airlines đã nhanh chóng có chính sách với đại lý, khách lẻ trong hệ thống, cho phép đổi vé, đổi hành trình tùy từng loại vé. Vietnam Airlines cho phép tiền cọc được bảo lưu đến hết tháng 6/2021; với vé hoàn lại cũng đưa ra voucher để mua các chương trình mới.

Bà Nga mong muốn Vietnam Airlines sẽ cùng các doanh nghiệp du lịch trao đổi để tháo gỡ tìm phương án tốt nhất trong quá trình xử lý; đồng thời, đề nghị truyền thông để khách hàng yên tâm, không ồ ạt hủy vé.

Bà Nguyễn Hồng Nga - đại diện Vietnam Airlines

Đại diện Vietnam Airlines cũng cho biết sau khi dịch bệnh được kiểm soát, hãng sẽ tiếp tục có chương trình kích cầu. Vì vậy, hãng đề nghị Tổng cục Du lịch giúp định hướng xây dựng chương trình, kịch bản phù hợp trong thời gian tới.

Ông Đinh Việt Phương, Phó Tổng giám đốc Vietjet Air cho biết sau khi giãn cách xã hội được gỡ bỏ, hàng không nội địa của hãng đã vượt cùng kỳ năm 2019 khoảng 30%. Nhưng khi dịch Covid -19 bùng phát lần 2 thì ngay trong tuần đầu tiên Vietjet Air đã sụt giảm 70%.

Về việc hỗ trợ các hãng lữ hành hoàn, hủy chuyến, ông Phương khẳng định Vietjet Air đảm bảo quyền lợi cho các hãng lữ hành bảo lưu trong 180 ngày và nghiên cứu để kéo dài thời gian hơn nữa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp lữ hành hoạt động.

Ông Đinh Việt Phương - Phó Tổng giám đốc Vietjet Air

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng qua đợt kích cầu vừa rồi các doanh nghiệp, khách sạn đã giảm giá dịch vụ rất nhiều, nguồn thu mới chỉ đủ khởi động và nuôi dưỡng lại một phần bộ máy, chứ có lợi nhuận. Do đó, rất cần có sự chia sẻ cảm thông từ cả 2 phía, người đi du lịch và người làm du lịch. Các doanh nghiệp dịch vụ du lịch cần tăng cường hợp tác hỗ trợ lẫn nhau trong giai đoạn khó khăn này, tăng cường truyền thông cho khách du lịch thấu hiểu và thông cảm, chia sẻ. Đồng thời các doanh nghiệp cần cam kết rõ ràng thời gian hoàn, hủy, đảm bảo lợi ích cho khách.

Tại hội nghị, đại diện cơ quan quản lý du lịch các địa phương cũng bày tỏ sự ủng hộ, nhất trí và cam kết sẽ phối hợp với các hiệp hội du lịch vận động các đơn vị cung ứng dịch vụ chia sẻ tổn thất, thiệt hại, giải quyết hài hòa quyền lợi trong việc huỷ, hoãn, hoàn tiền với các doanh nghiệp lữ hành, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thanh toán với khách hàng.

Cần kịp thời có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tồn tại và phục hồi

Các ý kiến đều phản ánh một thực tế rằng qua 2 đợt dịch Covid-19, các doanh nghiệp dịch vụ du lịch đang cạn kiệt dần “nội lực”. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm hoạt động với công suất rất thấp, nguồn tài chính khó khăn, buộc phải cho lao động làm việc luân phiên, nghỉ không lương hoặc chấm dứt hợp đồng, có nhiều lao động thôi việc chuyển sang ngành khác, nhất là lao động chất lượng cao.

Theo bà Huỳnh Phan Phương Hòa, Phó Tổng giám đốc Vietravel, doanh nghiệp du lịch cần nhất lúc này là được hỗ trợ vốn để tồn tại bởi doanh nghiệp rất khó tiếp cận được các nguồn vốn vay. Cùng với đó cần có chính sách giảm lãi suất vay, giảm thuế cho các doanh nghiệp. Hiện nay, công ty đang gặp rất nhiều khó khăn do lượng khách hủy tour rất lớn, 60 - 80% nhân sự của công ty hiện đang nghỉ không lương.

Ông Lại Duy Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ du lịch TST Tourist chia sẻ, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, không chỉ các doanh nghiệp lữ hành bị ảnh hưởng, sự sụt giảm nguồn khách cũng khiến các dịch vụ đi kèm phục vụ du lịch như dịch vụ lưu trú, ăn uống, khu vui chơi, giải trí, mua sắm... gặp nhiều khó khăn. TST Tourist đề xuất có chính sách hỗ trợ giảm thuế cho doanh nghiệp; cần có gói hỗ trợ cho hướng dẫn viên du lịch vì hiện nay 80 - 90% nguồn nhân lực này đang bị nghỉ làm bởi dịch bệnh.

Từ điểm cầu Đà Nẵng - điểm đến đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng - Chủ tịch Công ty CP Vietnam Travelmart đề xuất giảm thuế VAT cho các doanh nghiệp du lịch đến năm 2021; kéo dài chính sách giảm các chi phí điện, nước, viễn thông… đến hết năm 2020; tiếp tục có chính sách giảm lãi suất cho vay, hoãn nợ cho doanh nghiệp du lịch; làm sao để các gói cứu trợ tới được doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch...

Trước tình hình khó khăn chung do dịch bệnh, bà Lê Thuý Hà, Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Flamingo cho rằng cần làm thế nào để được hỗ trợ vượt qua khó khăn cho ngành Du lịch nói chung và ngành khách sạn nói riêng, ưu tiên hàng đầu là đảm bảo nhân lực ngành một cách tối đa. Bà Hà đề xuất giảm tiền điện, tiền thuê đất, để các khách sạn, cơ sở lưu trú duy trì ổn định nguồn nhân lực và đảm bảo cảnh quan môi trường để khi dịch lắng xuống có thể đón khách ngay.

Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là liên quan đến vấn đề tài chính. Để giải quyết khó khăn này trong khi chờ tiếp cận các gói hỗ trợ giảm thuế, giảm lãi suất, cho vay lãi suất thấp... của Nhà nước, trước mắt cần đề xuất về giảm tiền điện, nước, thuê đất... cho doanh nghiệp du lịch.


Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam

Đồng quan điểm, ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội đề nghị tiếp tục kiến nghị các cấp có thẩm quyền ban hành biểu giá điện đối với các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, từ mức giá kinh doanh xuống bằng mức giá sản xuất; đề  nghị Tổng cục Du lịch có ý kiến với Ngân hàng Nhà nước xem xét có gói hỗ trợ tín dụng các đơn vị, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng được vay lãi suất ưu đãi bằng lãi suất tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước để hoạt động kinh doanh du lịch. Kiến nghị Chính phủ, các Bộ ngành xem xét có giải pháp giãn thuế, giãn thời hạn thực hiện nghĩa vụ thuế, cho phép doanh nghiệp chậm nộp thuế. 

Ông Tán Văn Vương - Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, hiện nay doanh nghiệp Đà Nẵng đang gặp rất nhiều khó khăn vì dịch bệnh Covid-19. Đà Nẵng đề xuất Chính phủ xem xét hỗ trợ thuế đất cho các khách sạn, cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng để tháo gỡ bớt khó khăn; kiến nghị giảm phí đường bộ cho các doanh nghiệp vận chuyển. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng mong muốn Tổng cục Du lịch có định hướng chính sách hình thành các sản phẩm mới trong đó có kinh tế ban đêm để chuẩn bị các điều kiện sớm phục hồi sau dịch.

Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Tổng cục Du lịch cần triển khai giải pháp kích cầu du lịch với các sản phẩm đa dạng sau khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh. Thực hiện chiến dịch truyền thông điểm đến an toàn thống nhất trong cả nước bằng nhiều hình thức khác nhau.

Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực hàng không, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam nhấn mạnh trong bối cảnh đại dịch, vấn đề quan trọng nhất là tạo dựng niềm tin với khách hàng. Cần có thông tin kịp thời, chính xác để khách hàng thấu hiểu và yên tâm không hủy tour hoàn tiền. Ông khẳng định du lịch và hàng không là hai ngành luôn song hành với nhau, hỗ trợ sự phát triển của nhau, không thể thiếu bên nào, trong những thời điểm khó khăn như hiện nay càng cần tăng cường sự phối hợp, chia sẻ để cùng vượt qua và phục hồi giai đoạn tới.

Đánh giá cao tất cả các ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu tham dự hội nghị, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết Tổng cục Du lịch sẽ tổng hợp các ý kiến, tiếp tục tham mưu cho Bộ VHTTDL kiến nghị, đề xuất Chính phủ xem xét cho phép triển khai và áp dụng các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân kinh doanh du lịch theo nội dung các văn bản đã trình Chính phủ. Trong đó, Tổng cục sẽ tập trung đề xuất chính sách hỗ trợ, điều kiện cho doanh nghiệp du lịch duy trì hoạt động, vượt qua khó khăn trước mắt để ổn định các hoạt động du lịch về lâu dài như cho vay lãi suất ưu đãi để trả lương nhân viên; gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm thuế VAT; cho phép áp dụng chính sách giảm giá điện bán lẻ cho ngành sản xuất đối với các cơ sở lưu trú du lịch, giảm tiền điện cho các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch được dùng để cách ly bệnh nhân nhiễm Covid-19 đến hết năm 2020.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh phát biểu kết luận Hội nghị

Về phương hướng thời gian tới, Tổng cục trưởng cho biết Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp du lịch, hàng không xây dựng chương trình kích cầu du lịch để sẵn sàng triển khai ngay khi điều kiện cho phép.

Tổng cục trưởng nhấn mạnh, du lịch là một ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, sự suy yếu hoặc đứt gãy bất kỳ mắt xích nào trong chuỗi giá trị du lịch đều ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chung của Ngành. Hợp tác, cộng sinh, chia sẻ là yếu tố căn bản để ngành du lịch tháo gỡ khó khăn, hướng đến phục hồi trong thời gian tới./.

Trung tâm Thông tin du lịch

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT