Hoạt động của ngành

Hà Nội sẽ có từ 5 đến 9 trung tâm thiết kế sáng tạo sản phẩm làng nghề

Cập nhật: 30/10/2023 09:22:13
Số lần đọc: 448
Đến cuối năm 2023, thành phố Hà Nội sẽ phát triển từ 5 đến 9 mô hình Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch.

Huyện Phú Xuyên trưng bày, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu của làng nghề truyền thống.

Thực hiện Kế hoạch số 49/KH-UBND ngày 10/2/2023 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về phát triển Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã trên địa bàn, Sở Công thương Hà Nội đang triển khai xây dựng, phát triển từ 5 đến 9 mô hình.

Cụ thể, các mô hình Trung tâm thiết kế sẽ có tại: xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm); xã Duyên Thái (huyện Thường Tín); xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên); xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ); xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì); xã Di Trạch (huyện Hoài Đức); xã Vân Hà (huyện Đông Anh); xã Hòa Lâm (huyện Ứng Hòa) và Làng nghề Dệt lụa tơ tằm Vạn Phú (quận Hà Đông).

Bên cạnh việc xây dựng và ban hành bộ tiêu chí đánh giá, hướng dẫn, phát triển mô hình, Sở Công thương Hà Nội đang tích cực phối hợp các huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền, giới thiệu các nội dung của Kế hoạch này để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn biết và đăng ký tham gia.

Các sản phẩm truyền thống của làng nghề sau khi được đầu tư khâu thiết kế đã tăng giá trị thẩm mỹ.

Mô hình Trung tâm thiết kế sáng tạo sẽ gồm các không gian như: Không gian trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm; Không gian giao dịch, hội thảo là khu vực tổ chức các hoạt động giao dịch, hội thảo nhóm chuyên đề thiết kế sáng tạo sản phẩm; Không gian trình diễn, trải nghiệm và thông tin các sản phẩm; Không gian chụp ảnh sản phẩm là nơi dàn dựng và chụp các mẫu sản phẩm bảo đảm tính thẩm mỹ cao…

Việc ra đời các trung tâm trên nhằm hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn, chủ thể sản xuất-kinh doanh làng nghề phát triển hoạt động thiết kế sáng tạo; giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch trải nghiệm, góp phần tái cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn trên địa bàn.

Mô hình cũng tạo môi trường liên kết giữa nghệ nhân, đội ngũ thiết kế trẻ với tinh thần khởi nghiệp; các viện nghiên cứu, trường đại học chuyên ngành, tổ chức quốc tế phát huy ưu thế văn hóa địa phương, khát vọng phát triển kinh tế của cộng đồng tại làng nghề truyền thống trên địa bàn các huyện, thị xã…

Qua đó, sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP, làng nghề, xây dựng chuỗi liên kết từ thiết kế sáng tạo, sản xuất chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các làng nghề gắn với hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn…

Nguyên Trang

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Ngày đăng 27/10/2023

Cùng chuyên mục