Hoạt động của ngành

Hà Giang phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng trong liên kết vùng

Cập nhật: 22/08/2019 07:45:32
Số lần đọc: 1012
(TITC) - Trong 3 ngày từ 17-19/8/2019, Sở VHTTDL Hà Giang đã tổ chức đoàn famtrip khảo sát cho các Sở VHTTDL, Sở Du lịch, các Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch, các doanh nghiệp du lịch khảo sát một số điểm du lịch tại 3 huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì và Quang Bình, tỉnh Hà Giang.


Ông Trần Đức Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang phát biểu tại hội nghị

Đoàn đã đi khảo sát tại các điểm du lịch: khu du lịch sinh thái suối khoáng nóng thôn Nậm Choong, xã Quảng Nguyên, huyện Xí Mần; Làng văn hoá du lịch cộng đồng thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, Làng văn hoá du lịch cộng đồng thôn Chì, xã Xuân Giang, huyện Quang Bình; đoàn tham dự lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Quang Bình năm 2019 và lễ hội nhảy lửa của đồng bào dân tộc Pà Thẻn huyện Quang Bình.

Đây là dịp để Hà Giang giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc trưng của từng vùng đến với các thành viên trong đoàn khảo sát. Đồng thời cũng là cơ hội để các doanh nghiệp du lịch biết đến các sản phẩm du lịch đặc trưng tại mỗi điểm và cùng liên kết để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng của Hà Giang từ đó thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.

Trong khuôn khổ chương trình, chiều ngày 19/8 tại huyện Quang Bình Sở VHTTDL Hà Giang đã tổ chức Hội nghị “Phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng trong liên kết vùng”. Tham dự hội nghị có ông Trần Đức Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang; ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành; ông Nguyễn Hồng Hải - Giám đốc Sở VHTTDL Hà Giang, cùng lãnh đạo các huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì, Quang Bình thuộc tỉnh Hà Giang, các Sở VHTTDL, các Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch, các doanh nghiệp du lịch cùng các cơ quan thông tấn báo chí.


Toàn cảnh hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị ông Trần Đức Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết Hà Giang có vị trí thuận lợi là điểm cực Bắc của tổ quốc, là nơi giao thoa tiếp giáp giữa 2 vùng văn hóa Đông Bắc - Tây Bắc, đồng thời là điểm chung chuyển giữa cung đường du lịch Đông - Tây Bắc và tiếp giáp với tỉnh Vân Nam – Trung Quốc. Hà Giang từ lâu đã thu hút được sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước bởi sự phong phú và hấp dẫn của các nguồn tài nguyên du lịch. Là vùng đất có lịch sử văn hoá lâu đời, nơi hội tụ của 19 dân tộc với những đặc trưng riêng có như Mông, Dao, Pà Thẻn, Cờ Lao, Lô Lô, Bố Y, Phù Lá, Pu Péo… Cùng với đó là hệ thống di tích lịch sử, di sản văn hóa, danh thắng đã được xếp hạng, tiêu biểu là ruộng bậc thang Hoàng Su Phì và công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

Dựa trên những đặc điểm và lợi thế về tài nguyên du lịch đặc thù, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã xác định phát triển sản phẩm du lịch theo không gian vùng, dựa trên đặc điểm của địa phương là cơ sở vững chắc triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, Hà Giang còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý, xây dụng sản phảm du lịch đặc trưng trong liên kết vùng. Do đó, ông Trần Đức Quý mong muốn qua Hội nghị này là cơ hội không chỉ để các địa phương Quang Bình, Xín Mần, Hoàng Su Phì thuộc cụm không gian du lịch phía Tây Nam Hà Giang nói riêng mà còn cho cả các địa phương khác của tỉnh nói chung có những định hướng, quan điểm mới trong liên kết vùng, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, xúc tiến quảng bá, mời gọi các nhà tài trợ, nhà đầu tư khai thác sản phẩm du lịch Hà Giang.

Tại hội nghị, ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định, Hà Giang là địa phương có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, các huyện của Hà Giang có những sản phẩm du lịch đặc trưng riêng tạo nên sức hút cho du lịch Hà Giang phát triển. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch Hà Giang còn nhiều khó khăn như giao thông đi lại chưa thuận lợi, cơ sở hạ tầng du lịch chưa hấp dẫn, các sản phẩm du lịch chưa thật sự nổi bật dẫn đến khách du lịch đến với Hà Giang chưa cao, chi tiêu của khách du lịch còn thấp. 

Ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch mong muốn qua hội nghị, các đại biểu, các doanh nghiệp cùng bàn luận và đưa ra những giải pháp thiết thực, các doanh nghiệp đưa ra các sáng kiến để du khách đến với Hà Giang có những trải nghiệm khám phá thú vị, cũng như tạo ra nhiều hoạt động, dịch vụ phong phú cho chuyến đi của du khách. Từ đó xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng cho mỗi điểm đến của Hà Giang.


Ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, đa số các đại biểu đều cho rằng Hà Giang có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, người dân mộc mạc, thân thiện, cảnh sắc thiên nhiên hùng vỹ. Đặc biệt Hà Giang tại các làng văn hoá như: Làng văn hoá du lịch cộng đồng thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, Làng văn hoá du lịch cộng đồng thôn Chì, xã Xuân Giang, huyện Quang Bình vẫn còn lưu giữ không gian văn hoá mang đậm bản sắc dân tộc của người dân sinh sống. 

Tuy nhiên, hầu hết các đại biểu đều cho rằng để phát triển du lịch Hà Giang cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng cơ sở, giao thông đi lại thuận tiện hơn, đội ngũ nhân viên và người dân tham gia làm du lịch phải được đào tạo bài bản. Bên cạnh đó đẩy mạnh hợp tác, xúc tiến, quảng bá, cung cấp thông tin về sản phẩm đặc trưng của vùng tới các doanh nghiệp lữ hành để cùng xây dựng các sản phẩm mới, đa dạng phục vụ du khách. Ngoài ra, tăng cường công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá trong đồng bào dân tộc. Thường xuyên trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý với các tỉnh như Ninh Bình, Hà Nam, Lào Cai... để cùng nhau liên kết tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng nhằm thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước đến với Hà Giang.


Lễ ký kết hợp tác

Phát biểu bế mạc hội nghị, ông Trần Đức Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đánh giá cao chia sẻ, tư vấn, đóng góp những ý kiến từ các đại biểu, các chuyên gia và doanh nghiệp du lịch cho sự phát triển của du lịch Hà Giang nói chung và cụm du lịch phía Tây Nam tỉnh Hà Giang nói riêng. Đồng thời đã tập trung phân tích, thảo luận một số vấn đề trọng tâm như: Đánh giá tiềm năng thế mạnh phát triển du lịch tỉnh Hà Giang, thực trạng và giải pháp thúc đẩy du lịch Hà Giang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Trong khuôn khổ chương trình diễn ra lễ ký kết hợp tác của 3 Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Thái Nguyên, Lào Cai, Ninh Bình với 3 huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì và Quang Bình tỉnh Hà Giang.

Tin, ảnh: Hồng Thủy

Nguồn: TITC

Cùng chuyên mục