Hoạt động của ngành

Hà Giang: Bảo tồn kiến trúc nghệ thuật trên Cao nguyên đá

Cập nhật: 25/09/2020 08:38:53
Số lần đọc: 803
Dinh thự nhà Vương, Phố cổ Đồng Văn, các làng văn hóa du lịch cộng đồng… với kiểu kiến trúc nhà trình tường, mái ngói âm dương, hàng rào đá… phản ánh nét tinh tế, độc đáo trong đời sống văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số trên Công viên địa chất toàn cầu UNESCO - Cao nguyên đá Đồng Văn (Cao nguyên đá Đồng Văn) đang trở thành điểm nhấn thu hút khách du lịch.


Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông xã Pả Vi (Mèo Vạc). Ảnh: KIM TIẾN

Giá trị còn mãi với thời gian

Những ai từng đặt chân lên Cao nguyên đá Đồng Văn, chắc chắn không thể bỏ qua cơ hội chiêm ngưỡng Dinh thự nhà Vương, thuộc xã Sà Phìn (Đồng Văn). Dinh thự được xây dựng từ năm 1919, là nơi ở của ông Vương Chính Đức, một Thổ ty giàu có trên vùng Cao nguyên đá được người Mông tôn sùng làm vua, cai quản 4 huyện vùng cao: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Ngôi biệt thự không chỉ đảm bảo các yếu tố về phong thủy, phòng thủ kiên cố mà đặc biệt có lối kiến trúc nghệ thuật độc đáo, là sự pha trộn giữa kiến trúc của Pháp, Trung Quốc và của người Mông. Các chi tiết trong dinh thự được chạm trổ tinh xảo, cầu kỳ vừa thể hiện uy quyền của bậc đế vương, vừa thể hiện tâm hồn thưởng thức nghệ thuật của chủ nhà. Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc độc đáo, năm 1993, Dinh thự nhà Vương được Bộ VHTT&DL xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Điểm du lịch nổi tiếng tiếp theo mang lối kiến trúc nghệ thuật độc đáo trên Cao nguyên đá là Phố cổ Đồng Văn. Hơn 40 ngôi nhà ở Phố cổ Đồng Văn có tuổi đời trên 100 năm. Lối kiến trúc nhà ở nơi đây mang nét văn hóa đặc trưng của đồng bào người Mông, người Tày và người Hoa với những ngôi nhà cột gỗ hai tầng, lợp mái ngói âm dương, tường trình đất; các vì kèo, cột gỗ được làm bằng gỗ nghiến, thông đá chạm trổ cầu kỳ. Năm 2009, Phố cổ Đồng Văn được Bộ VHTT&DL xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.

Lên với Cao nguyên đá, điểm đặc biệt dễ nhận thấy nhất ở vùng đất có trên 80% dân số là đồng bào dân tộc Mông sinh sống chính là lối kiến trúc nhà trình tường. Nhà trình tường nhằm chống lại nhiệt độ lạnh giá của mùa Đông và giữ cho không gian  mát mẻ vào mùa Hè. Những bức tường nhà được đắp thủ công hoàn toàn bằng đất sét; được lèn bằng phẳng, chắc chắn. Nhà có thiết kế 3 gian, 2 cửa và có một hoặc hai trái, có gác để chứa lương thực. Bao quanh ngôi nhà là hàng rào đá; đây là lối kiến trúc vô cùng độc đáo của người Mông. Để bảo vệ ngôi nhà, người Mông tỉ mẩn, sáng tạo, khéo léo, tinh tế xếp thủ công những viên đá thành hàng rào; không có xi măng và cát nhưng hiên ngang trở thành lũy chắn che chở cho ngôi nhà; người Mông chọn những viên đá có góc cạnh, đặt cạnh nhau thật vừa vặn để những viên đá tự bám vào nhau vững chắc; thời gian hoàn thành một hàng rào đá có thể mất vài tháng, cũng có khi đến cả năm. Có những hàng rào đá được xếp rộng trên 1 m, cao gần 2 m, đá được xếp to ở phần chân và nhỏ dần về phía trên. Nhà trình tường và hàng rào đá trở thành một kiến trúc tổng thể thống nhất, phản ánh rõ nét sự tinh tế, độc đáo trong đời sống người dân nơi đây.


Mái ngói âm dương, kiến trúc độc đáo của Dinh thự nhà Vương. Ảnh: BIỆN LUÂN

Bảo tồn gắn với phát triển du lịch

Những năm qua, tỉnh tập trung nguồn lực, đầu tư phát triển mạnh mẽ du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó Cao nguyên đá Đồng Văn được ví như khối nam châm khổng lồ thu hút khách du lịch với hơn 1 triệu lượt  mỗi năm. Cùng với sự bào mòn của thời gian, sự phát triển KT – XH và thực hiện xây dựng Nông thôn mới khiến nhiều nét kiến trúc văn hóa, đặc biệt là kiến trúc nhà ở trên Cao nguyên đá bị ảnh hưởng. Một số ngôi nhà đã thay mái ngói âm dương bằng tấm lợp phi - pờ - rô – xi - măng hay lợp tôn xanh, đỏ cả góc núi; những hàng rào bằng bê tông cát sỏi len lỏi giữa rừng đá xám thay cho hàng rào đá; tường nhà được xây bằng vật liệu xây dựng thay thế nhà trình tường; một số ngôi nhà được xây dựng theo lối kiến trúc khác lạ...

Để đảm bảo phát triển kinh tế gắn với bảo tồn giá trị văn hóa; tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành đẩy mạnh thực hiện các giải pháp bảo tồn di sản, trong đó yêu cầu xây dựng quy ước quản lý các công trình nhà ở, nhà văn hóa gắn với kiến trúc truyền thống; xây dựng các làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với xây dựng NTM. Đến nay, tỉnh đã đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động hiệu quả Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi, xã Pả Vi (Mèo Vạc) để lưu giữ đầy đủ nét văn hóa độc đáo trong đời sống của người Mông, trong đó có kiến trúc về nhà ở. Một số làng văn hóa du lịch cộng đồng khác đang hoạt động hiệu quả như: Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn); Lũng Cẩm Trên, xã Sủng Là (Đồng Văn); Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ). Mới đây khu du lịch H’Mông Village tại xã Đông Hà (Quản Bạ) được xây dựng và đưa vào hoạt động với lối kiến trúc trình tường của người Mông. Hằng năm, công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử nhà Vương, Phố cổ Đồng Văn đều phải giữ nguyên nét kiến trúc độc đáo vốn có. Đặc biệt, thời gian qua, tỉnh đã thực hiện chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo và hộ nghèo ở các xã biên giới. Để giữ được kiến trúc của mẫu nhà truyền thống, các ngành chuyên môn đã rà soát, lấy ý kiến và đề xuất những mẫu nhà phù hợp với phong tục, truyền thống các dân tộc và được các địa phương triển khai đồng bộ.

Phát triển gắn với bảo tồn luôn là bài toán khó. Để Cao nguyên đá Đồng văn văn tiếp tục giữ vững danh hiệu Công viên Địa chất toàn cầu trong những nhiệm kỳ tiếp theo, cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành và xã hội trong công tác bảo tồn giá trị di sản.

Bài, ảnh: AN GIANG

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục