Non nước Việt Nam

Giữ gìn và hướng nghiệp nghề truyền thống cho phụ nữ dân tộc H'mông

Cập nhật: 27/11/2023 10:58:20
Số lần đọc: 680
Dự án " Hướng nghiệp cho thiếu nữ vùng cao" của chị Nguyễn Thị Phương Mai đã và đang trong quá trình thực hiện cho thấy được sự thiết thực trong việc khuyến khích thế hệ trẻ bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống của người H'mông.

Hướng nghiệp từ nghề truyền thống

Cách trung tâm thị trấn Sapa khoảng 5km là bản Sín Chải với các hộ gia đình người dân tộc H'mông sinh sống. Chị Nguyễn Thị Phương Mai- người đã ở và quen với người dân ở đây hơn 10 năm cho biết phụ nữ trẻ trong bản chủ yếu làm nghề nông. Nếu không có điều kiện để tiếp tục học tập, họ sẽ phải kết hôn sớm và không có nghề nghiệp ổn định để nuôi sống bản thân hay gia đình.

Các cô gái từ bản Sín Chải học tại Hà Nội

Tại bản Sín Chải, trước đây tất cả các cô gái H'mông đều biết dệt vải lanh, nhuộm chàm hay vẽ sáp ong lên vải. Tuy nhiên thời gian gần đây các phụ nữ trẻ ở bản đang dần thờ ơ với nghề thủ công truyền thống này. Họ vẫn biết thêu thùa may vá để làm trang phục cho mình nhưng không phải ai cũng biết nhuộm chàm, dệt vải. Nghề nhuộm chàm có dấu hiệu bị mai một ở thế hệ trẻ trong bản do những trang phục, sản phẩm thủ công được làm từ vải chàm không còn được ứng dụng nhiều trong đời sống thường ngày. Trang phục truyền thống này chỉ được sử dụng ở các dịp lễ tết. Một số sản phẩm được bày bán ở các cửa hàng lưu niệm không có sự khác biệt và không mang lại giá trị cao. Nhận thấy được điều này, chị Mai quyết định thực hiện dự án "Hướng nghiệp cho thiếu nữ vùng cao". Theo chị, để bảo tồn một nghề truyền thống thì nghề đó phải "sống", tức là sản phẩm phải có tính ứng dụng cao, phải đi vào cuộc sống thường ngày. Muốn khuyến khích thế hệ trẻ học nghề truyền thống và giữ gìn thì phải cho họ thấy họ có thể sống được bằng nghề.

Dự án được thành lập với mong muốn giúp các phụ nữ trẻ ở bản có một cuộc sống tốt đẹp hơn, phát huy được giá trị bản thân, tự tin hơn và có tiếng nói trong gia đình, đầy lùi nạn tảo hôn và có một công việc ổn định. Theo đó, các phụ nữ trẻ ở bản Sín Chải sẽ được tiếp cận với những ý tưởng mới, những kỹ thuật, phương pháp mới để tạo ra những sản phẩm thủ công mang tính ứng dụng để đưa sản phẩm vào cuộc sống hiện nay.

Các phụ nữ trẻ ở bản Sín Chải sẽ được tiếp cận với những ý tưởng mới, những kỹ thuật, phương pháp mới để tạo ra những sản phẩm thủ công mang tính ứng dụng để đưa sản phẩm vào cuộc sống hàng ngày hiện nay

Hè vừa rồi, một nhóm sinh viên trường Thiết kế và thời trang London lên bản và một xưởng may ngắn ngày được tổ chức. Sùng Thị Lan, Châu Thị Bâu, Vàng Thị Ài và nhiều phụ nữ khác trong bản được tiếp cận với máy may và các kỹ thuật may hiện đại. Ngôi nhà gỗ nhỏ trên sườn núi trở thành một cái xưởng may đầy tiếng cười.

Ở giai đoạn đầu của dự án, với sự hỗ trợ của công ty Ford Việt Nam và trường Thiết kế và thời trang London, Bâu, Lan và Ài đã xuống Hà Nội một tháng để học cách làm mới những sản phẩm truyền thống bằng vải chàm từ các nhà thiết kế thời trang, thiết kế nội thất và giáo viên của trường. Vẫn là dệt vải, nhuộm chàm, thêu thùa hay vẽ sáp ong nhưng nay các cô gái sẽ được tiếp cận với những ý tưởng sáng tạo hơn và phương pháp để biến những ý tưởng đó thành sản phẩm.

Hứa hẹn nhiều tiềm năng

Tại triển lãm Khói xanh vừa được diễn ra tại Hà Nội đã thu hút sự chú ý của công chúng khi giữa Thủ đô được chứng kiến một số công đoạn nhuộm chàm, dệt vải của các cô gái dân tộc H'mông. Đây được coi như một sự kiện nhỏ để báo cáo kết quả chặng thứ nhất của một dự án dài hơi. Những sản phẩm đầu tiên của một tháng lao động miệt mài cho thấy tiềm năng của vải chàm cũng như tiềm năng của phụ nữ H'mông. Vải chàm nhuộm thủ công truyền thống có thể làm cho hết phai màu, có thể may thành những bộ trang phục rất thời trang, hay làm thành những món đồ dùng và đồ nội thất xinh xắn. Không chỉ là hy vọng về một công việc mới, đó còn là hy vọng về sự tự chủ hơn trong tài chính, là tiếng nói được lắng nghe trong gia đình.

Một số sản phẩm của Lan, Bâu, Ài được trưng bày tại triển lãm Khói xanh

Sau một tháng học hỏi và thực hành, Bâu, Lan và Ài đã tự tạo ra được những sản phẩm có tính ứng dụng và giá trị cao như các sản phẩm thời trang, quần áo, nội thất, phụ kiện. Chị Mai chia sẻ: "Mục đích của dự án là hướng đến việc dạy kỹ thuật để các bạn tự chủ trong việc làm và sáng tạo sản phẩm theo phong cách riêng của mình, tạo nên sự khác biệt trong sản phẩm".

Hiện tại, Bâu, Lan và Ài đã quay trở lại bản Sín Chải để thực hành và dạy lại những kiến thức, kỹ thuật đã học được cho các bạn khác. Không chỉ có các thiếu nữ, tại những lớp học cho người dân trên bản giờ đây còn có những người lớn tuổi.

Có thể thấy dự án có khả năng phát triển nghề thủ công này ở địa phương, tạo cơ hội việc làm cho các thiếu nữ vùng cao, góp phần giảm nghèo và làm giảm nạn tảo hôn ở khu vực. Không chỉ vậy, việc sáng tạo và đổi mới giúp nâng cao giá trị sản phẩm truyền thống làm từ vải chàm, tiếp cận được tới rộng rãi du khách để có thể bảo tồn nghề thủ công truyền thống. Dự án vẫn đang trong giai đoạn thực hiện và có tiềm năng để phát triển nghề dệt vải, nhuộm chàm vẽ sáp ong tại bản Sín Chải, thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm địa phương, tạo nên những giá trị khác biệt trong ứng dụng của đời sống đương đại.

Phạm Thanh Uyên

Nguồn: Báo Tổ quốc - toquoc.vn - Ngày đăng 24/11/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT