Hoạt động của ngành

Gia Lai: Khai mạc “Ngày hội Di sản văn hóa năm 2023”

Cập nhật: 23/10/2023 15:22:59
Số lần đọc: 547
Sáng 20/10, tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai đã diễn ra lễ khai mạc “Ngày hội Di sản văn hóa năm 2023” với sự tham gia của đại diện các sở, ngành, đơn vị cùng đông đảo nghệ nhân các loại hình văn hóa-nghệ thuật dân gian và du khách.


Chương trình nhằm hướng tới chào mừng 78 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/1945-23/11/2023), qua đó bảo tồn, quảng bá và phát huy những di sản văn hóa của các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng và của đất nước nói chung.

Phần trình diễn của đoàn nghệ nhân cồng chiêng Plei Ốp (TP. Pleiku) tại Ngày hội. Ảnh: Lam Nguyên

Phát biểu khai mạc, ông Lê Thanh Tuấn-Giám đốc Bảo tàng tỉnh khẳng định: “Đây là hoạt động thiết thực giúp nhận thức rõ hơn về ý nghĩa, giá trị của di sản văn hóa, từ đó có ý thức trong việc kế thừa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc Việt Nam. Chương trình được xây dựng theo hướng đổi mới, đa dạng và phong phú, kết hợp hoạt động trình diễn và trải nghiệm các hình thức nghệ thuật, các trò chơi dân gian, văn hóa ẩm thực... của các dân tộc nhằm phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của Nhân dân, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh về đất và người Gia Lai”.

Tại Ngày hội, Bảo tàng tỉnh đã tặng hoa và trao giấy chứng nhận cho các cá nhân, tập thể, đơn vị đã đồng hành phối hợp tổ chức “Ngày hội Di sản văn hóa năm 2023”; đồng thời tiếp nhận tượng chân dung cố họa sĩ Xu Man do nhà điêu khắc Nguyễn Vinh hiến tặng.

Ông Lê Thanh Tuấn-Giám đốc Bảo tàng tỉnh tiếp nhận tượng chân dung cố họa sĩ Xu Man do nhà điêu khắc Nguyễn Vinh hiến tặng. Ảnh: Lam Nguyên

Ngày hội Di sản văn hóa 2023 diễn ra từ ngày 20-10 đến 22-10 với các chương trình trình diễn văn hóa-nghệ thuật dân gian như: đờn ca tài tử Nam bộ; trình diễn múa rối của Nhà hát Múa rối cố đô Huế; diễn tấu cồng chiêng của dân tộc Jrai; múa khèn, thổi sáo của người Hmông; múa xòe của người Mường; hát then, đàn tính của đồng bào Tày, Nùng…

Du khách cũng sẽ được trải nghiệm các hoạt động đan lát, dệt thổ cẩm, mặc trang phục truyền thống các dân tộc, múa khèn, đánh quay, ném còn, nhảy sạp, nặn tò he… tại khu vực của các đoàn nghệ nhân; thưởng thức nghệ thuật trà đạo, thư pháp, bút lửa; tham gia các trò chơi dân gian và các gian hàng ẩm thực truyền thống.

Khách tham quan đến với triển lãm mỹ thuật “Về miền đất đỏ”. Ảnh: Lam Nguyên

Ngoài ra, du khách đến với chương trình còn có dịp tham quan 3 triển lãm tổ chức tại đây gồm: “Không gian Di sản văn hóa TP. Hồ Chí Minh” do Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh thực hiện với 120 hình ảnh, tài liệu và các màn hình tương tác để minh chứng cho quá trình hình thành và phát triển của thành phố mang tên Bác. Cùng lúc, triển lãm mỹ thuật “Về miền đất đỏ” của nhóm nữ họa sĩ Gia Lai trưng bày 39 tác phẩm trên các chất liệu phong phú, khắc họa vẻ đẹp của con người, vùng đất Tây Nguyên. Cuối cùng là triển lãm tem của Hội Tem tỉnh Gia Lai với khoảng 40 khung tem chủ đề các di sản văn hóa Việt Nam đã được phát hành tem bưu chính như: Vịnh Hạ Long, Vịnh Nha Trang, Di tích Mỹ Sơn, Nhã nhạc Cung đình Huế, Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Lam Nguyên

Nguồn: Báo Gia Lai - baogialai.com.vn - Đăng ngày 20/10/2023

Cùng chuyên mục