Hoạt động của ngành

Du lịch sinh thái gắn với bảo tồn đa dạng sinh học

Cập nhật: 18/10/2021 05:07:37
Số lần đọc: 608
Hoạt động du lịch sinh thái (DLST) ở nước ta không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội, mà còn đóng góp vào mục tiêu bảo tồn môi trường tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học (ÐDSH) và các giá trị văn hóa bản địa ở nhiều địa phương.  


Khu vực thác Khuổi Nhi (huyện Lâm Bình) là một địa điểm du lịch thu hút du khách tại tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Quế Anh

Hiện DLST đang thu hút sự quan tâm của du khách, bởi đây là loại hình du lịch thiên nhiên, hỗ trợ cho các mục tiêu bảo tồn môi trường tự nhiên, các giá trị văn hóa bản địa, phát triển cộng đồng; đem lại những nguồn lợi kinh tế. Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên DLST rất đa dạng và phong phú, với tài nguyên địa chất, địa hình, khí hậu, thủy văn và hệ động, thực vật đặc hữu; là nơi cư trú của khoảng 21 nghìn loài thực vật, gần 12 nghìn loại động vật, trong đó có nhiều loài đặc hữu, nhiều loài được đưa vào Sách đỏ của thế giới.

Ðến nay, nước ta có 173 khu bảo tồn thiên nhiên, với tổng diện tích hơn 2,5 triệu ha, gồm: 33 vườn quốc gia; 66 khu dự trữ thiên nhiên; 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; 56 khu bảo vệ cảnh quan. Việt Nam được xếp hạng thứ 16 trên thế giới về mức độ đa dạng của tài nguyên sinh vật, là một trong 10 trung tâm đa sinh học phong phú nhất thế giới và được ưu tiên cho bảo tồn toàn cầu…

Ở Việt Nam, DLST mới thật sự phát triển từ những năm 90 của thế kỷ 20, với các hình thức như: Du lịch tham quan, nghiên cứu ở một số khu vườn quốc gia; du lịch thám hiểm, nghiên cứu vùng núi cao; du lịch lặn biển; thám hiểm hang động; tham quan miệt vườn, sông nước đồng bằng sông Cửu Long... Phát triển DLST không chỉ nâng cao các giá trị tự nhiên, sinh thái; mà còn góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, gìn giữ các giá trị văn hóa bản địa, nâng cao nhận thức của du khách trong nước và nước ngoài về trách nhiệm và ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên.

Khu du lịch sinh thái động Thiên Ðường (Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình). Ảnh: Nguyễn Duy

Tuy nhiên, sự phát triển DLST "nóng" đã tác động tiêu cực đến các hệ sinh thái tự nhiên như: Phá hủy rạn san hô, thay đổi mục đích sử dụng đất gây suy giảm diện tích rừng, chia cắt sinh cảnh…, ảnh hưởng các loài thực vật, làm mất nơi sinh sống, kiếm ăn cũng như ảnh hưởng quá trình sinh sản của các loài động vật. Một số người dân địa phương khai thác trái phép các loài động, thực vật đặc hữu tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn, đe dọa tuyệt chủng loài.

Việc thiếu kiểm soát đối với phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch, khai thác quá mức tài nguyên tác động tiêu cực đến ÐDSH; quan hệ liên ngành trong quản lý môi trường, bảo tồn ÐDSH còn thiếu chặt chẽ; phát triển du lịch theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường vẫn đang đứng trước nhiều thách thức. Nhiều khu du lịch sinh thái chưa có quy hoạch phát triển; chưa có quy định, quy chế quản lý tốt cho nên có nhiều hoạt động du lịch xâm hại đến tài nguyên, nhất là cộng đồng địa phương chưa được coi trọng, chưa được hưởng lợi ích trực tiếp từ loại hình du lịch này.

Ðáng chú ý, Ngân hàng Thế giới ước tính, mỗi năm Việt Nam mất đi ít nhất khoảng gần 70 triệu USD thu nhập từ ngành du lịch do ô nhiễm môi trường, rác thải nhựa, túi ni-lông đe dọa các loại động vật biển; nước thải tại không ít cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch không được xử lý xả thẳng ra môi trường.

Ðể phát triển DLST gắn với công tác bảo tồn ÐDSH, các bộ, ngành có liên quan cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách, lồng ghép các yêu cầu về bảo tồn ÐDSH cho các đối tượng tham gia hoạt động du lịch và giám sát chặt chẽ việc thực hiện; tăng cường công tác giáo dục bảo tồn, nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị của ÐDSH; mở rộng phát triển du lịch ra vùng đệm của các vườn quốc gia và khu bảo tồn nhằm giảm tác động tiêu cực đến hệ sinh thái và ÐDSH vùng lõi.

Mặt khác, để DLST thật sự đóng góp hiệu quả vào công tác bảo vệ môi trường, thì một yếu tố quan trọng là sự hưởng ứng và tham gia của cộng đồng người dân địa phương. Vì vậy, cần gắn kết phát triển DLST với sự phát triển của cộng đồng dân cư, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương làm DLST tại chỗ... 

Khánh Huy

Nguồn: Báo Nhân dân

Cùng chuyên mục