Non nước Việt Nam

Độc đáo Lễ hội cầu Ngư truyền thống Đà Nẵng năm 2023

Cập nhật: 10/02/2023 15:32:14
Số lần đọc: 558
Sau thời gian hơn 3 năm tạm dừng tổ chức do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, sáng nay (10/2), Ủy ban nhân dân quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng long trọng tổ chức Lễ hội Cầu ngư truyền thống năm 2023.

Khai mạc Lễ hội cầu ngư truyền thống quận Thanh Khê, sáng 10/2.

Lễ hội Cầu ngư là một trong những lễ hội truyền thống lâu đời, là sản phẩm đặc trưng của cộng đồng cư dân vùng biển Trung Bộ và Nam Bộ Việt Nam.

Lễ hội Cầu ngư gắn với tín ngưỡng thờ cúng Thần Nam Hải, lấy hình tượng cá Ông - vị thần biển hộ mệnh của ngư dân. Đối với đời sống cộng đồng miền biển, Lễ hội Cầu ngư là lễ trọng lớn nhất trong năm, vừa cầu mù-cầu ngư, tế ngư thần, bày tỏ khát vọng một năm “Trời yên biển lặng, thuận buồm xuôi gió, tôm cá đầy khoang”.

Lãnh đạo địa phương dâng hương.

Tại thành phố Đà Nẵng, Lễ hội Cầu ngư đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2016.

Lễ hội truyền thống quận Thanh Khê diễn ra trong ba ngày tại khu vực bãi biển đường Nguyễn Tất Thành thuộc địa bàn phường Thanh Khê Đông và Xuân Hà.

Sáng nay (10/2) là phần chính của Lễ hội với nghi Lễ nghinh thần và khai mạc Lễ hội cầu ngư truyền thống quận theo đúng phong tục, tập quán của cha ông để lại.

Các bậc lão thành với phần nghi lễ tôn nghiêm nhất của lễ hội.

Phần hội được tổ chức đan xen nhiều hoạt động mang đậm tính dân gian của làng chài như: đan lưới, gánh cá, ngoáy thúng, hát tuồng, hô hội bài chòi… ; những môn thể thao vận động trên biển: biểu diễn dù lượn, mô-tô lướt sóng,...

Ngoài ra, Ban Tổ chức tổ chức các gian trưng bày như: mô hình, hình ảnh với chủ đề “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, gian hàng trưng bày sản phẩm thủy hải sản và các sản phẩm chế biến từ thủy hải sản của nhân dân 3 phường ven biển, các gian hàng trưng bày sản phẩm đặc trưng của 10 phường trên địa bàn quận.

Tuổi trẻ quận Thanh Khê tìm hiểu về chủ quyền biển đảo Việt Nam tại Lễ hội.

Phát biểu khai mạc lễ hội, ông Nguyễn Hữu Công, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Thanh Khê, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội cho biết: “Việc bảo tồn và phát huy lễ hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần bảo tồn các giá trị vốn có như giá trị tâm linh, tín ngưỡng, văn hóa, nghệ thuật…, đồng thời đề cao giá trị kết nối cộng đồng trong đời sống hiện đại, tạo điểm hẹn văn hóa đặc sắc cho du khách muốn tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương".

"Sau lễ hội cầu ngư này, những chiếc thuyền sẽ hanh thông vượt sóng, những mẻ cá bội thu sẽ nườm nượp đổ về, một năm mưa thuận gió hòa, đời sống nhân dân được bình yên, no ấm... Lễ hội là bằng chứng vật chất, tinh thần xác thực về ứng xử với biển đảo của người dân Thanh Khê từ bao đời nay, khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển”, ông Công nhấn mạnh.

Các hoạt động sôi nổi diễn ra trên biển.

Quận Thanh Khê có chiều dài bờ biển hơn 4,3km, đời sống người dân gắn liền nền kinh tế biển lâu đời. Năm 2006, nhằm phát huy hoạt động lễ hội đúng hướng, lành mạnh, vừa văn minh, vừa bảo tồn bản sắc văn hoá địa phương, Ủy ban nhân dân quận và các phường ven biển Thanh Khê Tây, Thanh Khê Đông, Xuân Hà đã nâng tầm tổ chức lễ hội Cầu ngư lên cấp quận với quy mô, hình thức và nhiều hoạt động phong phú.

Tin, ảnh: Anh Đào

 

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Ngày đăng 10/02/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT