Non nước Việt Nam

Đình làng Cao Trạch (Quảng Bình)

Cập nhật: 18/06/2020 07:43:25
Số lần đọc: 921
  Tọa lạc trên thửa đất rộng rãi, bằng phẳng, mặt hướng ra con sông Gianh, Đình làng Cao Trạch (thôn Cao Trạch, xã Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) là nơi để người dân trong thôn tưởng nhớ công đức các vị tiền hiền có công mở đất lập làng, cũng là nơi tổ chức hội làng cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đồng thời là nơi cố kết tình làng nghĩa xóm, khuyên nhủ con cháu chung sức bền lòng xây dựng cộng đồng cư dân đoàn kết cùng phát triển.

 


Đình làng Cao Trạch, nơi in đậm dấu ấn văn hóa, tâm linh của người dân Cao Trạch.

Còn in dấu xưa

Dân làng Cao Trạch đã lập nên ngôi đình của làng mình từ năm 1926. Đình làng Cao Trạch gồm có đình tiền, đình hậu và miếu thờ thần bên phải. Phía trước mặt đình là bức bình phong án ngữ, cùng hai trụ cổng cao vút. Trên hai trụ cổng có gắn các chữ Hán bằng sành sứ. Đình tiền gồm 3 gian rất to. Cột đình hai người ôm không xuể. Vì kèo, rường xà... trong đình tiền được thợ chạm khắc cực kỳ công phu, tinh xảo. Đình là nơi để họp làng, tổ chức các lễ hội làng, các sự kiện của làng.

Theo các bậc trưởng thượng thôn Cao Trạch, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, trước yêu cầu của lịch sử, đình tiền được sử dụng làm nơi huấn luyện quân đội, dân quân du kích, điều trị thương binh và bệnh binh. Ngoài ra, đình còn dùng cho việc tổ chức các cuộc họp của cán bộ cách mạng, chuẩn bị kế hoạch kháng chiến. Chuyển qua giai đoạn kháng chiến chống đế quốc Mỹ, công năng của đình tiền lúc này là kho chứa lương thực. Sau đó, đình tiền đã bị bom phá hủy, chỉ còn lại đình hậu, miếu thờ thần bên phải, hai trụ cổng và bức bình phong.

Đình hậu là một gian thờ khá rộng. Đình được chia ra làm ba nơi dùng để thờ tự. Ở chính giữa là nơi thờ hai vị thành hoàng làng. Phía bên phải thờ đức thánh mẫu, các chư tướng, chư binh bản bộ (những người đi lính cho quốc gia tử trận) và các anh hùng liệt sĩ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Phía bên trái thờ bản hộ canh nông và cấp chưởng bộ hạ quan làng (những người có nhiều cống hiến cho làng).

Cũng theo các bậc trưởng thượng thôn Cao Trạch, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong một năm, người dân làng Cao Trạch tổ chức lễ hội hai lần, vào rằm tháng Giêng và rằm tháng Bảy lịch âm tại Đình làng Cao Trạch. Lễ hội rằm tháng Giêng được dân làng tổ chức để tế thành hoàng làng và cầu yên. Lễ hội rằm tháng Bảy là lễ tế thần nông, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Mỗi kỳ tổ chức lễ hội, các vị chức sắc trong làng lại phân công cho dân làng chuẩn bị mâm cỗ cúng bái.

Tiếc là từ năm 1945, các lễ hội ở Đình làng Cao Trạch đã không còn được duy trì, mà nguyên nhân là do đình bị hư hỏng bởi chiến tranh và sự tàn phá của thời gian.

Nơi cố kết tình làng nghĩa xóm

Trải qua một thời gian dài vắng bóng trong đời sống tinh thần và tâm linh của người dân làng Cao Trạch, năm 2010, Đình làng Cao Trạch, cụ thể ở đây là đình hậu, đã được tôn tạo, tu sửa từ sự đóng góp của người dân địa phương. Năm 2014, lễ hội rằm tháng Giêng tại Đình làng Cao Trạch cũng được phục dựng.

Theo đó, vào ngày rằm tháng Giêng, ngay từ sáng sớm, người dân Cao Trạch ai nấy đều sửa soạn ăn mặc chỉnh tề, tấp nập kéo về ngôi đình làng để hòa mình vào không gian thành kính, linh thiêng của lễ hội cầu yên. Chủ của buổi tế lễ là vị thôn trưởng, bên cạnh là hai vị bồi tế đại diện cho hai dòng họ lớn trong thôn (họ Nguyễn và họ Trần) chịu trách nhiệm cúng tế. Người điều hành lễ tế là một vị cao tuổi có uy tín cao trong làng. Trước khi hành lễ, các vị chức sắc trong làng quỳ gối ở hai bên dãy chiếu trải bên ngoài gian giữa, ngay trước cửa chính của đình hậu, vì đình tiền không còn nữa. Trong trang phục uy nghi, áo dài chít khăn xếp, đầu đội mũ cánh chuồn, người điều hành lễ tiến về phía trước, trang trọng đánh một hồi trống báo hiệu với dân làng lễ đã bắt đầu. Tiếp đến, người điều hành lễ bái thiên địa, xin lập vò hương cúng tế, rồi dâng hương, dâng rượu, chắp tay lạy, khấn vái mời các vị thần, anh linh các bậc tiền nhân, các anh hùng liệt sĩ, cùng những người có công với nước, với làng về hưởng lễ. Sau đó, người điều hành lễ đọc sớ tế lễ, báo cáo với bản thổ thành hoàng làng, các vị mở đất lập làng, các vị khai sinh dòng họ về việc dân làng tổ chức lễ để tri ân các bậc tiền nhân, cầu khẩn đất trời phù hộ cho dân làng một năm bình an, mạnh khỏe, gặp nhiều may mắn, điều lành đưa lại, điều hại đẩy đi... Người dân ngồi xung quanh chăm chú theo dõi, lắng nghe người điều hành lễ cúng khấn. Sau phần hành lễ là đến phần tế lễ. Tại đây, 11 cô gái được chọn ra từ 11 tổ tự quản của làng, trong trang phục áo dài truyền thống, đội các mâm cỗ, lần lượt kính dâng lên những vị thần tối cao nơi đây, cầu cho một năm quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Mâm cỗ có xôi, thịt, bánh, hoa quả. Phần dâng lễ vật kết thúc, mọi người bắt đầu lần lượt lên dâng hương, mong ước sẽ gặp những điều tốt lành.

Cuối cùng là đến phần hội, với những hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hết sức sôi động, thu hút đông đảo người dân trong làng tham gia.

Thông qua các hoạt động lễ hội tại Đình làng Cao Trạch, tình làng nghĩa xóm của người dân Cao Trạch nhờ đó càng thêm gắn bó, khơi dậy tình yêu thương, tinh thần đoàn kết giữa các thành viên trong làng, cùng nhau xây dựng làng ngày càng phát triển./.

Nguồn: Báo Lâm Đồng

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT