Non nước Việt Nam

Di tích thờ cúng Hùng Vương và các vị tướng lĩnh vùng Đất Tổ

Cập nhật: 14/04/2021 09:28:55
Số lần đọc: 1015
Theo số liệu thống kê của Bộ VHTT&DL, hiện nay trong cả nước có 1.417 di tích thờ Hùng Vương và vợ con, tướng lĩnh thuộc thời đại Hùng Vương. Riêng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 345 di tích gắn liền với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, trong đó có 249 di tích đang thờ tự (quan trọng nhất là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng, 37 di tích Quốc gia, 135 di tích cấp tỉnh)...

Phú Thọ là tâm điểm của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với những hoạt động lễ - hội tại các di tích thờ Hùng Vương trên núi Hùng, thu hút hàng triệu đồng bào tham gia. Ngoài Phú Thọ, các địa phương có điểm thờ Hùng Vương như: Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn, Thừa Thiên Huế, thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang... đều tổ chức Lễ Giỗ Tổ vào ngày mùng 10 tháng Ba âm lịch hằng năm tri ân công lao dựng nước của các Vua Hùng. 

Đối với tỉnh Phú Thọ, từ năm 2014, cùng thời điểm tỉnh thay mặt đồng bào cả nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng ngày mùng 10 tháng 3 tại Điện Kính thiên trên đỉnh Nghĩa Lĩnh, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, các địa phương có di tích thờ cúng Hùng Vương, các tướng lĩnh thời đại Hùng Vương cũng đồng loạt làm lễ dâng hương, tri ân công đức các bậc tiền nhân.

Với 5 điểm di tích lịch sử thờ Vua Hùng và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương: Đình Hội xã Tuy Lộc, đình Hội thôn Tăng Xá, Đình Thượng, Đình Hạ thôn Thủy Trầm và Đền Mẫu Thanh Lương, từ nhiều năm nay việc tổ chức lễ dâng hương được UBND xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê chỉ đạo tổ chức rất trang trọng.

Ông Tạ Đức Thắng-Chủ tịch UBND xã cho biết: Để chuẩn bị cho lễ dâng hương, Ban quản lý di tích cùng hội viên các đoàn thể trong xã vệ sinh môi trường, cảnh quan, khuôn viên các di tích; treo băng rôn, cờ hội, cờ hồng, vệ sinh đường làng ngõ xóm sạch đẹp; tập luyện các tổ nghi thức tế lễ truyền thống với tinh thần trách nhiệm cao. 

Ông Nguyễn Công Ba - Trưởng tiểu ban quản lý di tích cho biết: Đình là nơi thừ tự Vua Hùng Vương thứ 17, hiện còn giữ được 10 sắc phong. Ngày 7 tháng Giêng là lễ hội chính của làng. Dân làng rước kiệu xuống sông lấy nước, cứ ba năm một lần thì là chính khóa, tổ chức rước Vua đi vòng quanh làng sau đó mới rước nước để tắm Vua. Còn vào dịp Giỗ Tổ hàng năm thì thường tổ chức các hoạt động kéo co, đánh tổ tôm điếm, cờ tiếng, tối mùng 7 tháng 3 âm lịch biểu diễn văn nghệ. Đúng ngày 10 sẽ tổ chức dâng hương với đội tế lễ khoảng 30 cụ trong đó có đội nữ tấu nhạc. Hoạt động tế lễ được giữ theo đúng truyền thống.

Nằm ở thôn Thủy Trầm, xã Tuy Lộc là Đình Thượng và Đình Hạ, nơi thờ các con của Vua Hùng Vương thứ 17. Lễ hội Đình Hạ được tổ chức vào ngày 11, 12/12 âm lịch và đình Thượng vào ngày 15, 16/1 âm lịch với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc. Đúng ngày 10/3 âm lịch tại các đình, nhân dân trong khu cũng tổ chức dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng.

Huyện Thanh Thủy hiện có hơn 20 đình, đền và di tích thờ vọng các Vua Hùng cùng các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương. Trước ngày tổ chức Lễ dâng hương, tại các nơi thờ các di tích thờ Hùng Vương và danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương được nhân dân quét dọn, chỉnh trang khuôn viên, lau dọn ban thờ để tổ chức lễ dâng hương và chuẩn bị lễ vật gồm: 18 chiếc bánh chưng bọc lá dong tươi, lạt giang nhuộm hồng; 18 chiếc bánh giầy dán chữ Phúc màu đỏ, hương hoa, trầu, cau, mâm ngũ quả thành kính dâng lên Vua Hùng và các vị danh nhân danh tướng thời Hùng Vương.

Gắn liền với thời đại Hùng Vương dựng nước và giữ nước, Đền Lăng Sương, xã Đồng Trung được biết đến là ngôi đền duy nhất hiện nay thờ cả gia đình Đức Thánh Tản Viên Sơn - vị Thánh đứng đầu “tứ bất tử” trong tín ngưỡng dân gian thờ thần của người Việt và cũng là nơi đầu tiên thờ thánh Tản Viên, trên chính nơi Ngài sinh ra và lớn lên.

Sau này khi thành tài, là bộ tướng, là phò mã, chính Tản Viên Sơn đã khuyên Vua Hùng thứ 18 nhường ngôi cho Thục Phán để giữ tình đoàn kết, tránh nội chiến kéo dài không cần thiết rồi về núi Tản sống với vợ là Công chúa Ngọc Hoa.

Với những công lao to lớn của Ngài, nhân dân đã lập đền thờ, quanh năm hương khói tri ân công đức. Hàng năm, cứ đến ngày 10/3, Ban quản lý Di tích Đền Lăng Sương cùng với Đảng ủy, UBND, các đoàn thể và nhân dân trong xã tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng. 

Các di tích thờ tự các Vua Hùng trên địa bàn tỉnh là bằng chứng sinh động và đầy sức thuyết phục về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên quê hương Đất Tổ. Trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử dựng nước và giữ nước, các di tích, địa điểm thờ tự vẫn còn tồn tại với thời gian như khẳng định giá trị tâm linh bền vững trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Việt.

Thu Hà

 

Nguồn: Báo Phú Thọ

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT