Non nước Việt Nam

Di tích Ban Thường trực Quốc hội tại Tuyên Quang

Cập nhật: 31/08/2023 11:34:02
Số lần đọc: 715
Thôn Chi Liền (nay là thôn Đồng Mà) xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang là nơi ở, làm việc của Ban Thường trực Quốc hội trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, từ cuối năm 1952 đến cuối năm 1954. Khu di tích là nơi gắn với quá trình hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam, nơi ghi dấu những ngày tháng hoạt động gian khổ và những chiến công vẻ vang của cán bộ, nhân viên Ban Thường trực Quốc hội trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm Nhà lưu niệm Khu di tích Ban Thường trực Quốc hội (tháng 1/2023).

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Ban Thường trực Quốc hội chuyển đến ở và làm việc tại thôn Niếng, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương. Cuối năm 1949, Ban Thường trực Quốc hội chuyển đến ở và làm việc tại thôn Yên Thượng, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Cuối năm 1950, Ban chuyển lên ở, làm việc tại làng Hương, xã Phúc Thịnh, huyện Chiêm Hóa.

Đến cuối năm 1952, Ban chuyển đến ở, làm việc tại thôn Chi Liền, xã Trung Yên. Thời kỳ này đồng chí Tôn Đức Thắng giữ chức Quyền trưởng Ban Thường trực Quốc hội, Phó Ban là linh mục Phạm Bá Trực. Cán bộ văn phòng có các ông: Y Ngông Niếc Đăm, Đặng Thư, Nguyễn Tấn Gi Trọng, Tôn Quang Phiệt...

Đồng chí Tôn Đức Thắng chủ trì một tổ công tác thảo luận về luật cải cách ruộng đất trong Hội nghị liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa I và Mặt trận Liên Việt tại xã Trung Yên, huyện Sơn Dương ngày 25/2/1952. (Ảnh tư liệu)

Tại Chi Liền trong điều kiện kháng chiến gian khổ, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Tôn Đức Thắng, Ban Thường trực Quốc hội đã hoạt động sôi nổi, tích cực, cùng Chính phủ quyết định những chính sách lớn và góp ý kiến với Chính phủ về các nghị quyết và các sắc lệnh, nghị định, thông tư chương trình công tác quan trọng, góp phần vào thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta.

Nhà bia Khu di tích Ban thường trực Quốc hội.

Theo tài liệu hiện lưu giữ ở Bảo tàng Tân Trào, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, Khu di tích Ban Thường trực Quốc hội có tổng diện tích hơn 2.000m2, gồm: Di tích hầm và lán an toàn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Nhà bia di tích và Nhà lưu niệm Ban Thường trực Quốc hội. Lán an toàn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng được dựng theo kiểu nhà sàn của đồng bào miền núi, gồm 2 gian, mái lợp lá cọ. Gian ngoài là nơi ở, làm việc và tiếp khách, gian trong là nơi nghỉ ngơi. Lán được dựng sát dòng sông Phó Đáy, dưới những tán cây cổ thụ rậm rạp để bảo đảm bí mật cũng như thuận tiện cho việc liên lạc giữa các cơ quan Trung ương, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sát lán ở là hầm an toàn. Hầm có hình chữ L, được đào sâu vào sườn núi Chi Liền khoảng 10m, đào sang ngang 10m, có hai cửa thông hai đầu. Hầm được ốp gỗ 3 mặt tẩm hắc ín chống mối mọt, các tấm gỗ được nối liền bằng đinh đỉa chắc chắn.

Hiện nay, tại nhà lưu niệm có 66 hiện vật, 255 ảnh tư liệu và nhiều tài liệu khoa học khác tái hiện lại quá trình hình thành và phát triển của Quốc hội và Ban trưng bày các hiện vật gắn với quá trình hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam từ năm 1945 đến nay. Đặc biệt, ngay chính gian giữa của Nhà lưu niệm là bức phù điêu với hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, thực hiện quyền công dân của mình.

Đoàn cán bộ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh Tuyên Quang dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại lán ở và làm việc trong Khu di tích Ban Thường trực Quốc hội nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888-20/8/2023).

Tháng 2/1953, đồng chí Tôn Đức Thắng chủ trì hội nghị liên tịch giữa Ủy ban Thường trực Quốc hội với Ủy ban Liên Việt toàn quốc mở rộng. Từ Chi Liền đồng chí Tôn Đức Thắng đã soạn thảo nội dung và chủ trì phiên họp Đại biểu Quốc hội khóa I, kỳ họp thứ ba tại Thác Dẫng, thôn Lập Binh, xã Bình Yên, huyện Sơn Dương từ ngày 1 đến 4/12/1953 bàn về cải cách ruộng đất.

Cuối tháng 7/1954, đồng chí Tôn Đức Thắng cùng với 2 cơ quan Quốc hội và Mặt trận Liên Việt rời thôn Chi Liền theo dòng sông Phó Đáy ra huyện Sơn Dương, qua đèo Khế sang Vai Cày, Đại Từ-Thái Nguyên về tiếp quản Thủ đô Hà Nội.

Năm 2000, di tích đã được Bộ Văn hóa, Thông tin xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia. Với giá trị to lớn về mặt lịch sử, Khu di tích là địa chỉ tham quan, về nguồn, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Hải Chung

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Ngày đăng 31/08/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT