Non nước Việt Nam

Đem sự giàu đẹp của văn hóa đến với mỗi người dân

Cập nhật: 28/08/2023 16:35:07
Số lần đọc: 500
Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, được thể hiện qua các văn bản từ Trung ương đến địa phương. Nhiều phong trào, mô hình điểm hạt nhân trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.


Nhiều không gian sinh hoạt văn hóa quan họ Bắc Ninh được phục hồi góp phần lan tỏa giá trị của di sản. Ảnh: Khiếu Minh

Làm cho văn hóa ngày càng thấm sâu, lan rộng

Theo số liệu của Bộ VHTTDL, tại nhiều địa phương, các phong trào xây dựng đời sống văn hóa, các mô hình điểm trong VHTTDL đã lan tỏa, tác động tích cực vào các mặt của đời sống xã hội, tạo ra nhiều đợt thi đua rộng khắp, từ gia đình, làng, xã đến các cấp, các ngành. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy; hương ước, quy ước của làng, xã được thực hiện nghiêm túc, xuất hiện những trưởng họ, trưởng tộc, già làng, trưởng bản, trưởng thôn gương mẫu đứng ra phát động xây dựng gia đình, dòng họ văn hóa.

Cũng theo thống kê của Bộ VHTTDL, hiện có 140 mô hình tiêu biểu, hoạt động hiệu quả trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở được triển khai ở các cấp, trong đó có thể kể đến như gương điển hình “Trưởng thôn thân thiện” trên địa bàn TP Hà Nội; mô hình “Câu lạc bộ bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái”; mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; mô hình “Câu lạc bộ tổ liên kết dệt thổ cẩm”, “Cồng chiêng cuối tuần - Thưởng thức và trải nghiệm” gắn với phát triển du lịch tỉnh Gia Lai; mô hình về đầu tư, xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở gắn với bảo tồn giá trị di sản “Đờn ca tài tử”…

Theo Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, hội nghị cán bộ văn hóa toàn quốc (diễn ra chiều 28/8 tại Hà Nội) chính là dịp để giới thiệu các mô hình xây dựng môi trường văn hóa tiêu biểu, cũng như trao đổi nghiệp vụ quản lý nhà nước về văn hóa, đề xuất các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa. Mỗi tấm gương được tôn vinh, mỗi mô hình được báo cáo đều là những hạt nhân tiêu biểu, có nhiều sáng tạo, cống hiến, đóng góp, được các cấp, các ngành ghi nhận. Những mô hình văn hóa sáng tạo không chỉ đóng góp phần quan trọng để xây dựng môi trường văn hóa cơ sở lành mạnh mà còn truyền cảm hứng tốt đẹp, tích cực đến mỗi cá nhân, tập thể, làm cho văn hóa ngày càng thấm sâu, lan rộng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho cộng đồng.

Thiết chế văn hóa gắn với bảo tồn di sản

“Sau khi dân ca quan họ Bắc Ninh được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều hoạt động nhằm đảm bảo thực hiện toàn diện nội dung cam kết với UNESCO. Bắc Ninh cũng đã ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là dân ca quan họ Bắc Ninh…”, ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Ninh, cho biết. Hiện, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng được 11 nhà chứa quan họ (nhà thực hành quan họ). Tất cả các nhà này đều đã vận hành và thu được kết quả tốt, phục vụ sinh hoạt gắn với loại hình dân ca quan họ của địa phương và là điểm đến, tham quan của khách du lịch.

Việc phục dựng nhà chứa quan họ tại các làng quan họ cổ theo nhiều chuyên gia văn hóa nhận định là một trong những bước đi quan trọng trong việc phục dựng lại không gian sinh hoạt văn hóa quan họ truyền thống, là cái nôi để bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Việc đầu tư xây dựng không chỉ tạo không gian sinh hoạt truyền thống của người quan họ mà các hoạt động giao lưu quan họ sẽ được triển khai thường xuyên hơn; thu hút nhiều đoàn khách du lịch và người yêu mến quan họ đến thưởng thức.

Tương tự, tại Hội An, nghệ thuật bài chòi sau nhiều thăng trầm nay đã trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, là điểm nhấn của “Đêm phố cổ”. Kể từ khi nghệ thuật bài chòi trở thành sản phẩm văn hóa - du lịch thì bài chòi được đầu tư viết kịch bản và dàn dựng bài bản hơn trước. Từ các hội bài chòi dân gian, Trung tâm văn hóa Hội An đã dàn dựng thành những tiết mục nghệ thuật hoàn chỉnh đúng phong cách “diễn xướng dân gian bài chòi”. Nhờ vậy, nghệ thuật bài chòi của Hội An được mời tham gia các chương trình liên hoan nghệ thuật dân ca, bài chòi cấp khu vực và toàn quốc… Nghệ thuật bài chòi trở thành sản phẩm “văn hóa ngoại giao”, phục vụ các hội nghị cấp cao quốc gia, quốc tế, cũng như đi lưu diễn tại nhiều nước.

Các mô hình phát triển câu lạc bộ bảo tồn và truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh; mô hình bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn tỉnh An Giang; ấp văn hóa kiểu mẫu ở Bến Tre… đã góp phần tiếp thêm sức mạnh, đem sự đa dạng, giàu đẹp của văn hóa đến với mỗi người dân.

Mai An

Nguồn: Báo SGGP - sggp.org.vn - Đăng ngày 28/8/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT