Hoạt động của ngành

Đào tạo nguồn lực cho công tác bảo tồn di tích ở Quảng Nam

Cập nhật: 30/05/2019 09:25:30
Số lần đọc: 1132
  Tỉnh Quảng Nam sở hữu hai di sản văn hóa thế giới, gồm Phố cổ Hội An và Mỹ Sơn cùng hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa các cấp.


Khu đền tháp Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Tỉnh chú trọng hợp tác quốc tế để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có trình độ trong công tác trùng tu và quản lý di tích nhằm chủ động trong việc bảo tồn, phát huy bền vững các giá trị của di sản.

Thực tế cho thấy giải pháp này vừa có giá trị thực tiễn, vừa tạo nguồn lực, góp phần đáng kể trong việc bảo tồn các giá trị cốt lõi của di sản.

Ông Phan Hộ, Trưởng ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, chia sẻ việc đảm bảo giá trị cốt lõi của di tích được xem là nguyên tắc cơ bản và xuyên suốt trong quá trình trùng tu các tháp, nhóm tháp thuộc quần thể Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn.

Tuy vậy, trong thời gian dài, việc trùng tu chủ yếu dựa vào đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật viên đến từ các quốc gia thông qua những dự án trùng tu, bảo tồn di sản. Do đó, yêu cầu cấp bách của tỉnh Quảng Nam là phải có đội ngũ nhân lực có trình độ, đảm bảo ứng cứu, bảo tồn di sản.

Đáp ứng đòi hỏi này, dự án Trung tâm đào tạo nghề trùng tu di tích và bảo tồn di tích văn hóa tại Quảng Nam ra đời nhằm đào tạo công nghệ khảo cổ học, phục chế hiện vật, trùng tu, quản lý kiến trúc.

Dự án do Đại sứ quán Italy, Cơ quan Hợp tác phát triển Italy (AICS), Trường Đại học Bách khoa Milan (Italy) phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân tỉnh, Trường Cao đẳng Công nghệ Quảng Nam triển khai từ năm 2017.

Sau 2 năm đào tạo theo phương thức "cầm tay chỉ việc" của các chuyên gia, đến nay Trung tâm Đào tạo nghề trùng tu di tích và bảo tồn di tích văn hóa tại Quảng Nam đã tổ chức được 3 lớp học, với 38 học viên là công nhân kỹ thuật, giảng viên ở lĩnh vực trùng tu, bảo tồn di sản, đáp ứng yêu cầu đặt ra, ông Phan Hộ cho biết thêm.

Là địa phương trực tiếp quản lý và hưởng lợi từ Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, ông Lê Trung Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, ghi nhận từ thực tiễn của công tác nghiên cứu, bảo tồn, khảo cổ và trùng tu suốt hơn 20 năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn được mở sang trang mới.

Thông qua dự án hợp tác, hỗ trợ của các quốc gia như Nhật Bản, Ấn Độ, Italy, Ba Lan... và sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, việc khai quật, bảo tồn, trùng tu trên cơ sở giữ nguyên giá trị cốt lõi của di sản đã giúp các tháp, nhóm tháp G, E7, K, L trong quần thể Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn lấy lại được gần như nguyên vẹn hình hài cổ xưa của mình.

Các chuyên gia đến từ nhiều nước trên thế giới không những giúp cứu vãn, phục hồi di sản một cách bền vững mà còn hỗ trợ đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật, giảng viên, công nhân lành nghề, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu khắt khe trong công tác bảo tồn, trùng tu di sản.

Tại hội thảo "Chiến lược đào tạo và nghiên cứu nhằm bảo tồn phức hợp khảo cổ Tiểu vùng sông Mekong” do Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam phối hợp với Đại sứ quán Italy tại Việt Nam tổ chức trong 2 ngày 27-28/5, ông Milano Alessandro, Đại sứ Italy tại Việt Nam nhấn mạnh từ Mỹ Sơn mở rộng ra tiểu vùng sông Mekong, dự án Trung tâm Đào tạo nghề trùng tu và bảo tồn di tích văn hóa giúp các địa phương có di sản nằm trong tiểu vùng có thêm kinh nghiệm về đào tạo, khảo cổ, trùng tu, nhất là đối với Quảng Nam - địa phương sở hữu 2 di sản văn hóa thế giới và nhiều di tích được xếp hạng.

Đây không chỉ là cơ hội để nhìn lại quá trình khảo cổ, trùng tu, đào tạo kỹ thuật viên mà còn giúp hệ thống lại những luận cứ, giải pháp khoa học phù hợp với điều kiện khí hậu đặc thù, tác động lớn đến các di tích văn hóa ở khu vực miền Trung và tỉnh Quảng Nam.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân kỳ vọng kinh nghiệm hàng chục năm khảo cổ, trùng tu di sản, đào tạo nghề trùng tu di tích được các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu áp dụng tại Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, góp phần đắc lực trong việc phục hồi nguyên gốc giá trị cổ xưa của di sản.

Ngoài ra, việc đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ có tay nghề cao còn tạo tiền đề vững chắc giúp tỉnh tích lũy kinh nghiệm trùng tu, chủ động hơn trong việc bảo tồn các di sản khác của tỉnh nói riêng và di sản trong Tiểu vùng sông Mekong nói chung./.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục