Non nước Việt Nam

Đắk Lắk: Nét văn hóa Thái, Mường ở Dhung Knung

Cập nhật: 15/02/2023 10:47:07
Số lần đọc: 434
Hơn 30 năm rời quê hương Thanh Hóa vào xã Cư Pui (huyện Krông Bông, Đắk Lắk) sinh sống, những người Mường, người Thái ở thôn Dhung Knung vẫn giữ được nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Trang phục phụ nữ Thái, Mường lấp lánh khuy bạc đính trên áo cóm, hay chiếc khăn piêu điệu đàng; lễ hội rộn ràng những điệu múa quạt, nhảy sạp; ẩm thực truyền thống với những món đặc trưng như: gà xào măng chua, xôi màu, canh lá dáy... hòa quyện đã trở thành bản sắc văn hóa Thái, Mường trên vùng đất Tây Nguyên.

Nhiều làn điệu dân ca, dân vũ, các môn thể thao dân gian... phản ánh cuộc sống lao động, chinh phục tự nhiên và mong ước về cuộc sống hạnh phúc, no đủ trên quê hương mới được bà con lưu giữ, thể hiện qua mỗi dịp lễ, Tết, hội hè.

Bà Phạm Thị Mận, một cư dân có mặt từ những ngày đầu thành lập thôn chia sẻ rằng, nơi vùng đất mới, lưu giữ và duy trì nét văn hóa truyền thống giúp bà con vơi nỗi nhớ quê nhà, là động lực tinh thần cho mọi người trong lao động sản xuất.

Trẻ em trong thôn với những trang phục truyền thống.

Mỗi dịp có lễ hội ở địa phương, bà con trong thôn đều hào hứng tham gia. Nét đẹp văn hóa đặc trưng của Thái, Mường được người dân thể hiện trọn vẹn, là cả tâm huyết trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong dịp lễ kỷ niệm ngày thành lập thôn vừa qua, bà con hào hứng chuẩn bị trước cả tuần. Ban ngày các chị em lên nương rẫy, tìm lá tạo màu, hái măng, rau rừng; đàn ông được phân công lên rừng bẫy chuột trong hang đá, kiếm củi, lấy ống tre, xuống suối quăng chài bắt cá…

Tối đến, chị em lại tập trung luyện tập văn nghệ và chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu nấu ăn. Tất bật, vất vả nhưng ai cũng cảm thấy vui. Từ đó đã bồi đắp tâm hồn, khơi dậy tình yêu văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ và tạo sự gắn kết cộng đồng Mường, Thái trên quê hương mới. Hoạt động này không chỉ giúp con cháu hiểu và tiếp nối truyền thống mà còn làm ấm lòng những người con xa quê nơi đây.

“Sinh ra trên vùng đất mới này, mình chỉ được nghe qua lời kể của bố mẹ về văn hóa đặc sắc của người Thái. Nhân dịp này, hòa vào hoạt động cùng bà con thôn xóm, mình mới cảm nhận rõ hơn về không gian văn hóa dân tộc và thêm yêu quê hương, nguồn cội”, chị Vi Thị Hà (27 tuổi, người Thái) trải lòng.

Anh Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng thôn Dhung Knung cho hay, hiện thôn có 122 hộ dân, với 559 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Thái và Mường. Đời sống kinh tế ngày càng phát triển, người dân vẫn luôn có ý thức gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống, như mặc trang phục truyền thống vào các dịp cưới hỏi; tổ chức lễ mừng cơm mới, lễ cúng sức khỏe; nấu rượu cần, rượu cẩm vào các dịp lễ, Tết; nhắc nhở con cháu gìn giữ tiếng nói, chữ viết, các loại hình nghệ thuật đặc trưng của dân tộc mình.

Vui nhảy sạp trong ngày hội văn hóa truyền thống ở Dhung Knung.

Với sự động viên, quan tâm của chính quyền địa phương, người dân trong thôn rất tích cực tham gia các lễ hội, phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc. Nét văn hóa ấy đang được gìn giữ và bảo tồn, trở thành thói quen gắn liền với đời sống hằng ngày trên vùng đất mới.

Hoài Thương

 

Nguồn: Báo Đắk Lắk - baodaklak.vn - Ngày đăng 15/02/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT