Tin tức - Sự kiện

Chuyên gia nói gì về du lịch ĐBSCL?

Cập nhật: 19/10/2023 11:58:47
Số lần đọc: 663
Đồng bằng sông Cửu Long vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, giàu truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc, trong quy hoạch phát triển vùng Thủ tướng Chính phủ đã xác định, đến năm 2050, đây là nơi đáng sống, là điểm đến hấp dẫn của du khách và nhà đầu tư. Vậy giữa khai thác tiềm năng, phát triển bền vững gắn với du lịch ra sao?


Khai thác được tiềm năng của du lịch sẽ góp phần giúp kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL phát triển bền vững. (Trong ảnh: Một góc Bến Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) - Ảnh: Trung Quân

Khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch phong cách “Anh hai Nam Bộ”

Tiến sĩ Lê Thanh Hòa, Trưởng khoa Đô thị học, Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: ĐBSCL chiếm 19% dân số cả nước, đến năm 2020 đóng góp khoảng 12% GDP của cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 56 triệu đồng, bằng 69% so với trung bình cả nước (81,6 triệu đồng). Trải qua hơn 300 năm khai phá, ĐBSCL có nền văn hóa dân tộc phong phú, đa dạng, nổi bật là nền văn hóa sông nước, kiến trúc chùa chiền khác lạ, độc đáo từ nhiều nền mỹ thuật khác nhau trên thế giới. Hơn 300 làng nghề truyền thống và có khoảng 30 làng nghề hình thành hơn 100 năm.

Lấy ví dụ về hoạt động phát triển du lịch đặc thù cho ĐBSCL, TS. Bùi Thanh Thảo, Trưởng khoa Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Cần Thơ, góp ý: Cần có sự gắn kết với các hoạt động trải nghiệm vùng sông nước, miệt vườn và với giá trị văn hóa đặc trưng về sinh hoạt truyền thống, sinh kế của người dân như nghệ thuật đờn ca tài tử, văn hóa chợ nổi, lễ hội… Vùng ĐSBCL là nơi sinh sống của cộng đồng các dân tộc, chủ yếu là Kinh, Khmer Nam bộ, Hoa, Chăm với đặc trưng văn hóa đa dạng. Sự đa dạng này, tạo ra môi trường văn hóa thuận lợi cho phát triển du lịch và cung cấp nguồn lao động cho phát triển kinh tế…

Còn ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho rằng: Vùng ĐBSCL sở hữu tài nguyên du lịch tự nhiên khá đa dạng, phong phú, với 4 vùng sinh thái đặc trưng là: Khu vực ngập nước Đồng Tháp Mười; Khu vực ven biển hạ lưu sông Tiền, sông Hậu với hệ thống cồn, cù lao; Khu vực tứ giác Long Xuyên trù phú gồm: An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ; Khu vực bán đảo Cà Mau đặc sắc với rừng ngập mặn ven biển. Ngoài ra còn có tài nguyên du lịch biển, đảo, tài nguyên du lịch núi, rừng…

Tài nguyên du lịch tự nhiên nổi bật nhất tạo nên giá trị đặc thù, khác biệt của vùng ĐBSCL so với các vùng khác trong cả nước, là cảnh quan sông nước - miệt vườn gắn với hạ lưu sông Mekong với 9 nhánh cửa sông đổ ra biển và hệ thống kênh rạch chằng chịt, các cồn, cù lao, miệt vườn, đồng ruộng và vườn cây ăn trái tại các vùng ven sông, cù lao.

“Nét đặc trưng nổi trội của tài nguyên du lịch văn hóa vùng ĐBSCL là đặc tính văn hóa truyền thống, phong cách sống của người dân nơi đây, thể hiện ngắn gọn, giản dị là phong cách “Anh hai Nam Bộ”. Phong cách này, đã thấm đẫm cùng tinh thần “yêu quê, tín nghĩa, trọng tình” của Nhân dân ĐBSCL, thể hiện rõ nét qua nhiều giai đoạn trong lịch sử bảo vệ và xây dựng đất nước. Phong cách này, đã lan tỏa trong văn hóa truyền thống, sinh hoạt của cộng đồng dân cư trong vùng”, ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, chia sẻ thêm.

Du lịch Hậu Giang với thế mạnh về sông nước miệt vườn. Đồ họa Lý Anh Lam

Nhiều thách thức để du lịch phát triển xứng tầm

Mặc dù sở hữu tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, có nét đặc trưng riêng mà các khu vực khác không có, nhưng theo các chuyên gia du lịch vùng ĐBSCL chưa thực phát huy hết tiềm năng, thế mạnh vốn như: chưa có được định hướng phát triển bền vững tương xứng với tiềm năng văn hóa của vùng. Nguyên nhân trước hết là do quy hoạch chưa đồng bộ, chưa có “nhạc trưởng”, khiến sự đa dạng văn hóa chưa trở thành những thương hiệu đặc trưng, mà “mạnh ai nấy làm”. Các tỉnh, thành phố trong vùng còn bị trùng lặp nhau trong thiết kế văn hóa bản địa thành các sản phẩm du lịch, điều này, dẫn tới sự chi tiêu của du khách không được nhiều.

Tại một hội thao liên quan đến phát triển bền vững mới đây do Trường Đại học Cần Thơ tổ chức, ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, đánh giá: ĐBSCL vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh; các sản phẩm du lịch còn trùng lắp, chưa khai thác đặc trưng hay phát huy đặc thù riêng biệt. Đầu tư cho phát triển du lịch vùng còn khá khiêm tốn, các dự án đầu tư nhỏ lẻ thiếu trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả mang lại chưa cao. Liên kết, hợp tác phát triển du lịch còn hạn chế, còn thiếu cơ chế điều phối và phát huy vai trò đầu tàu trong liên kết, hợp tác phát triển du lịch.

Thực tế trong những năm gần đây, một số địa phương đã chú trọng hướng đến đặc trưng riêng trong sản phẩm du lịch như: Thành phố Cần Thơ với lễ hội bánh và trái cây Nam bộ; Đồng Tháp khai thác văn hóa ẩm thực với 200 món ăn từ sen; Hậu Giang với 200 món ăn từ các thát lát, khóm, cùng Festival Áo bà ba mang đậm dấu ấn riêng, Bạc Liêu với Lễ hội đờn ca tài tử; Vĩnh Long với homestay tiêu chuẩn ASEAN và di sản quần thể gốm Mang Thít… Tuy nhiên, việc khai thác các giá trị gia tăng của các sản phẩm du lịch chưa nhiều, nên cho đến nay lượng khách đến vùng chiếm gần 50% so với cả nước, nhưng tổng thu từ du lịch của vùng chưa tới 10% so với cả nước.

“Thời gian tới, muốn phát triển du lịch cần tập trung phát triển sản phẩm du lịch theo ba nhóm sản phẩm với thứ tự ưu tiên như sau: Sản phẩm du lịch đặc thù - du lịch trải nghiệm gắn với đời sống sông nước, miệt vườn; du lịch sinh thái; du lịch văn hóa gắn với các giá trị di sản và bản sắc văn hóa của đồng bào Nam bộ... Sản phẩm du lịch quan trọng: du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo; du lịch gắn với công nghiệp giải trí; du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn. Sản phẩm du lịch bổ trợ: du lịch cộng đồng, du lịch gắn với các lễ hội; du lịch ẩm thực; du lịch tìm hiểu các di tích lịch sử cách mạng, du lịch MICE (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, thảo luận, triển lãm, tổ chức sự kiện…)”, ông Thủy nhấn mạnh.

Các chuyên gia cũng nhận định, để bứt phá du lịch gắn với đặc trưng vùng thì yếu tố quyết định là sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của tỉnh, thành trong vùng; yếu tố tạo đột phá để phát triển du lịch là cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư để tạo sức bật phát triển du lịch, tạo sự lan tỏa để phát triển các ngành kinh tế khác và tạo sức hút để khách du lịch tăng chi tiêu, gia tăng hiệu quả phát triển kinh tế du lịch; yếu tố tạo hiệu ứng đồng bộ, hiệu quả đối với phát triển du lịch của cả vùng là cơ chế điều phối phát triển du lịch các địa phương trong vùng và liên kết hiệu quả với Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm điều phối khách du lịch lớn nhất cả nước!

Hậu Giang đang tập trung khai thác thế mạnh du lịch sông nước. Ảnh Lý Anh Lam

Mỹ Xuyên

Nguồn: Báo Hậu Giang - baohaugiang.com.vn - Đăng ngày 18/10/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT