Hoạt động của ngành

Bình Thuận: “Nhặt sạn” để du lịch phát triển bền vững

Cập nhật: 27/07/2023 10:24:12
Số lần đọc: 415
Trong ngành du lịch hiện nay có những “hạt sạn” như bán hàng hải sản cho du khách cân thiếu, rác thải từ khách du lịch gây mất mỹ quan, ngộ độc thực phẩm… Những “hạt sạn” ấy rất cần sự vào cuộc ở cấp quản lý nhà nước “can thiệp” tổ chức tuyên truyền và “dọn dẹp” bằng những chế tài thì ngành du lịch mới tốt hơn…


Vẫn còn bất cập…

Chị Nguyễn Thị Nga ở quận Ba Đình, Hà Nội vừa đưa gia đình đến Bình Thuận nghỉ dưỡng hè hơn 15 ngày. Chị kể: Ông xã tôi công tác ở thành phố Hồ Chí Minh nên hè này cả đại gia đình bên nội, bên ngoại và con cái gần 20 người vào nam du lịch. Ban đầu gia đình định đi Vũng Tàu nhưng ông xã bảo ở Bình Thuận có nhiều điểm du lịch phong phú hơn, nhất là từ trung tâm khu du lịch quốc gia Mũi Né có các điểm vệ tinh gần như Bàu Trắng, Novaworld Tiến Thành hoặc Kê Gà, chùa Tà Cú… 15 ngày gia đình tôi đi khá nhiều kể cả các điểm du lịch ở xa như bãi đá 7 màu Bình Thạnh (Tuy Phong) hay lên hồ thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi (Hàm Thuận Bắc), giáp với tỉnh Lâm Đồng đi du thuyền và cho mấy đứa nhỏ trải nghiệm hái trái cây chín trong rẫy nhà dân rất lý thú. Ở Phan Thiết, ngoài bờ biển đẹp, có đồi Hồng trượt cát rất đặc trưng ít bờ biển nào có được nên du khách rất thích. Tuy nhiên, du lịch Phan Thiết còn những hạn chế so với một số điểm du lịch ở các tỉnh, thành khác là rác thải ở bờ biển và một số điểm du lịch, khách du lịch còn thiếu ý thức sau khi ngồi chơi ăn uống theo nhóm khi ra về là thấy… rác ở lại. Điều đáng nói là rác của khách để lại đến mai vẫn còn nên nhìn khá nhếch nhác, tôi thấy ngành du lịch phải làm ngay để môi trường du lịch luôn sạch…Với anh Trần Quốc ở Đà Nẵng dẫn đối tác vào Phan Thiết đầu tư, anh và đối tác nghỉ dưỡng ở Mũi Né khá dài ngày, tắm biển và ăn hải sản tươi sống là sở thích của anh và đối tác. Thế nhưng với anh Quốc, Phan Thiết còn lỏng lẻo trong quản lý bờ biển. Ở Đà Nẵng và Nha Trang công tác quản lý bờ biển và cứu hộ đuối nước để đảm bảo tính mạng cho du khách rất tốt. Vì vậy tình trạng đuối nước ở 2 thành phố du lịch này rất ít. Còn ở Phan Thiết cứ 1 – 2 tháng là nghe có vụ đuối nước, nên công tác này phải tăng cường ngay để du khách yên tâm hơn…

Du khách đi du lịch, nhất là những người đã đi nhiều nơi sẽ có cái nhìn tổng quan các thế mạnh và những hạn chế của các điểm du lịch. Ở Phan Thiết thời gian qua, thành phố đã cải thiện môi trường đầu tư, triển khai hoàn thiện kết cấu hạ tầng về giao thông. Chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, tận dụng cơ hội từ tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đi vào hoạt động, các dự án du lịch tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, nâng cao chất lượng. Tham gia đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch thành phố, thu hút hượng khách lớn đến tham quan, nghỉ dưỡng, nhất là vào các ngày lễ, tết, cuối tuần. Công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, cứu hộ tại các bãi tắm, khu du lịch, quản lý giá cả, phòng chống dịch được tăng cường trong dịp lễ, tết, các ngày nghỉ cuối tuần. Tuy nhiên đâu đó vẫn còn những bất cập như bán hàng hải sản cho du khách cân thiếu, rác thải từ khách du lịch gây mất mỹ quan, ngộ độc thực phẩm, đuối nước… những “hạt sạn” này như “con sâu làm rầu nồi canh” của ngành du lịch.

Nhanh chóng “nhặt sạn”

Phan Thiết vừa tổ chức đánh giá hoạt động ngành du lịch 6 tháng đầu năm 2023, theo đó hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố vẫn còn những “hạt sạn” nhỏ nhưng tổng quan diễn ra khá tốt, lượng du khách đến Phan Thiết ngày càng tăng. Theo UBND thành phố Phan Thiết, tình trạng buôn bán hàng rong, chèo kéo du khách, buôn bán tăng giá vẫn còn. Vệ sinh môi trường một số nơi chưa tốt, tình trạng rác thải, nước thải tại các khu du lịch, bãi biển và các khu dân cư, các điểm sinh hoạt công cộng chưa được xử lý triệt để. Vệ sinh an toàn thực phẩm còn xảy ra ngộ độc thực phẩm. Tình trạng đuối nước tại các khu vực công cộng và resort vẫn còn diễn ra…

Ông Phan Nguyễn Hoàng Tân – Chủ tịch UBND thành phố Phan Thiết cho biết: Những “hạt sạn” nhỏ cần khắc phục để tiếp tục cải thiện môi trường du lịch thành phố, tập trung triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở du lịch, kinh doanh dịch vụ du lịch nhằm thu hút du khách, phát triển du lịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội thành phố. Để “nhặt sạn” được tốt Chủ tịch UBND thành phố đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các phường, xã triển khai thực hiện các nhiệm vụ như Phòng Văn hóa và Thông tin chủ động phối hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tiếp tục tham mưu UBND thành phố tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia năm 2023, Bình Thuận – Hội tụ xanh.

Vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa, thân thiện của người dân với du khách và trong hoạt động du lịch. Nghiên cứu phương thức để việc tuyên truyền đi vào thực chất, hướng đến “mỗi người dân là một đại sứ du lịch” thật sự, đưa hình ảnh con người, du lịch Phan Thiết trở thành điểm đến thân thiện, văn minh. Đồng thời, tham mưu UBND thành phố tổ chức triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng, đa dạng dịch vụ du lịch thu hút du khách trong nước cũng như du khách quốc tế quay trở lại Phan Thiết, nhất là phân khúc du khách nghỉ dưỡng cao cấp để giữ vững thương hiệu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Phan Thiết – Bình Thuận. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm soát, quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ tự phát hiện nay nhằm đảm bảo an toàn – sức khỏe cho du khách.

Phòng Kinh tế phối hợp với các phòng liên quan tham mưu đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP thành phố Phan Thiết đưa vào phục vụ du lịch cộng đồng. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động kinh doanh hàng hóa phục vụ khách du lịch như chất lượng hàng hóa, niêm yết giá, kiểm soát giá, cân gian, cân thiếu… để chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Phan Thiết, nhất là tại các địa bàn du lịch trọng điểm của thành phố. Phòng Quản lý đô thị làm việc với Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Bình Thuận nghiên cứu, thực hiện việc thu gom rác thải sinh hoạt, các cơ sở kinh doanh ăn uống hợp lý, đảm bảo vệ sinh môi trường. Tiếp tục bố trí thêm thùng rác tại các điểm du lịch, khu vực công cộng, bố trí thêm các điểm tập kết rác để thu gom rác hộ dân. Nghiên cứu, đề xuất giải pháp xử lý rác trên sông, rác biển hiệu quả hơn. Bổ sung khối lượng thu gom rác vào phát sinh dịch vụ công ích. Phòng Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trên lĩnh vực môi trường đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở du lịch thuộc thẩm quyền quản lý được phân cấp…

Phúc Thắng

Nguồn: Báo Bình Thuận - baobinhthuan.com.vn - Đăng ngày 27/07/2023

Cùng chuyên mục