Non nước Việt Nam

Bảo tồn và phát huy giá trị di tích nhà Trần tại Đông Triều (Quảng Ninh)

Cập nhật: 14/05/2020 14:23:55
Số lần đọc: 1034
TX Đông Triều chứa đựng rất nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể liên quan đến đời nhà Trần. Hiện nay, ngoài 14 điểm di tích đã nằm trong Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều và đã được xếp hạng cấp Quốc gia, Đông Triều còn hàng chục di tích nhà Trần lớn nhỏ khác, trong đó có những di tích mang giá trị lớn. 


Chùa Trung Tiết mới được trùng tu với kiến trúc đẹp.

Theo thống kê của TX Đông Triều, các di tích gần đây được xác định thuộc thời Trần, có liên hệ mật thiết với Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều là Đá Chồng, Ba Bậc, dốc Đô Kiệu, am Mộc Cảo, phủ Am Trà, Thông Đàn… Trong đó riêng am Mộc Cảo mới được làm rõ giá trị năm 2016 cho thấy đây là am thất có kiến trúc độc đáo, được bà Từ Hoàng Thái hậu dựng lên để kề cận lăng mộ vua Trần Anh Tông và tu thiền cho đến lúc bà qua đời. Am Mộc Cảo cũng đã được các đời sau gìn giữ và chỉ mai một từ thế kỷ XX trở lại đây.

Trong số các di tích này, một số đã được TX Đông Triều phối hợp với các đơn vị chức năng nghiên cứu khoa học, khai quật khảo cổ, điều tra… để làm rõ giá trị đồng thời lên phương án đưa vào quy hoạch trùng tu tôn tạo. Mới đây nhất là di tích Đá Chồng, Ba Bậc đã được xây dựng dự án trùng tu tôn tạo và trình UBND TX Đông Triều phê duyệt đầu tư; 3 di tích am Mộc Cảo, phủ Am Trà và dốc Đô Kiệu đang được đơn vị chuyên môn lên ý tưởng bổ sung danh mục đầu tư tôn tạo khi có nguồn vốn.


Tổng thể di tích chùa Quỳnh Lâm hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Trưởng BQL Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều, cho biết: Ngoài Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều, hiện chúng tôi đang gặp khó trong công tác đầu tư, tôn tạo. Ngoài việc các di tích này không nằm trong danh mục được bố trí vốn ngân sách theo Quyết định 307/QĐ-TTg còn khó huy động vốn xã hội hóa, nhất là về thủ tục đầu tư. Hiện nay chúng tôi chưa biết phải xử lý theo hướng di tích mới, di tích nằm trong danh mục kiểm kê di tích của tỉnh hay di tích có liên quan mật thiết với Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều đã được nhà nước xếp hạng. 

Mặc dù gần đây TX Đông Triều dành sự quan tâm nhất định cho các di tích Đá Chồng, Ba Bậc, dốc Đô Kiệu, am Mộc Cảo, phủ Am Trà, Thông Đàn… tuy nhiên do các di tích này chưa nằm trong di tích Quốc gia Đặc biệt Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều nên khó tranh thủ được các nguồn vốn đầu tư của trung ương, ngành văn hóa và của tỉnh. Thực tế Quyết định 307/QĐ-TTg về quy hoạch tổng thể di tích nhà Trần quy định rõ chỉ dành cho 14 điểm di tích được công nhận di tích Quốc gia Đặc biệt. Từ nguồn vốn này cộng thêm huy động xã hội hóa, 14 điểm di tích thuộc Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều liên tục được quan tâm, trùng tu, tôn tạo. Trong đó gần đây nhất là chùa Quỳnh Lâm đã được đầu tư với giá trị nhiều tỷ đồng.


Tòa đại điện chùa Quỳnh Lâm. Ảnh Sư ông Thích thanh Bính (chùa Quỳnh Lâm)

Một số di tích liên quan khác, như: Đình chùa Triều Khê, chùa Bình Lục, chùa Bắc Mã, chùa Yên Đức, chùa Non Đông… cũng cần được quan tâm hơn để phát huy giá trị một cách đồng bộ và hiệu quả. Riêng chùa Non Đông hiện còn lưu giữ tấm bia quý được hình thành năm 1322, là một trong 2 tấm bia nhà Trần tiêu biểu nhất của tỉnh Quảng Ninh. Các di tích này phần lớn đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh hoặc quốc gia, nên theo giới chuyên môn, nếu các di tích này được kết nối, đưa vào hệ thống và nằm trong nhóm các di tích nhà Trần thì việc phát huy giá trị sẽ hiệu quả hơn nhiều.

Những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể nhà Trần tại đất Đông Triều mà chúng ta biết hiện nay có thể mới chỉ là một phần trong kho giá trị văn hóa mà cha ông để lại trên mảnh đất Đông Triều. Chính bởi vậy các cơ quan chuyên môn, TX Đông Triều cũng cần tính đến hướng liên kết các di tích lại với nhau, đề xuất bổ sung các di tích giá trị vào Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều, qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các di tích tốt hơn.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT