Non nước Việt Nam

Bảo tồn giá trị văn hóa: Cần khéo léo và hài hòa

Cập nhật: 21/05/2020 10:37:47
Số lần đọc: 822
Di sản văn hóa là những giá trị cốt lõi được tạo dựng, lưu giữ và trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, là nguồn lực, là sản nghiệp văn hóa của mỗi dân tộc. Vì thế, phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa là yêu cầu tất yếu.


Kiến trúc nhà sàn của dân tộc Thái được gìn giữ ở Pù Luông, Bá Thước - điểm nhấn trong việc kết hợp du lịch với bảo tồn văn hóa của địa phương.

Nguy cơ mai một

5 năm trở lại đây, nhiều bản làng người Thái, Mông tại xã Tam Chung (Mường Lát) như được khoác lên màu áo mới. Nhiều ngôi nhà thơm mùi gỗ mới hay đổ trần kiên cố cứ đua nhau mọc lên. Ông Lương Chí Hùng, Chủ tịch UBND xã Tam Chung, hồ hởi: “Người lao động trong xã đi đến các thành phố và khu công nghiệp làm việc. Tiền họ kiếm được trở thành nguồn thu nhập chính để chi tiêu sinh hoạt hằng ngày, mua sắm các vật dụng đắt tiền và xây nhà mới”.

Dẫu vậy, phát triển kinh tế theo hình thức này cũng đặt ra nhiều vấn đề nan giải đối với công tác giữ gìn bản sắc văn hóa của địa phương. Lứa tuổi thanh niên chư­a ý thức đầy đủ về nền văn hóa dân tộc của mình nên trong quá trình ly hương họ đã tiếp thu văn hóa bên ngoài, quay lưng lại với những sinh hoạt văn hóa dân tộc. Thực tế rất rõ ở xã Tam Chung, một số bản sắc văn hóa đang dần mai một, như nét kiến trúc nhà sàn của người Thái, lễ hội Xên Mường ở bản Cân, bản Tân Hương,... Thay vào đó, các loại hình dịch vụ từ cafe, karaoke, quán nhậu,... đang dần “nở rộ” phần nào làm “méo mó” nét thanh bình của mảnh đất miền biên viễn.

Thực trạng văn hóa ở xã Tam Chung cũng đang là bức tranh chung của nhiều địa phương trên địa bàn huyện Mường Lát. Theo thống kê, rà soát của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mường Lát, hiện nay trên địa bàn huyện có 2 di tích là đền Tư Mã Hai Đào (xã Tén Tằn) và địa danh đoàn quân Tây Tiến (xã Mường Lý); có khoảng 9 - 10 lễ hội, nghi lễ lớn nhỏ khác nhau cùng những làn điệu dân ca, dân vũ, trò vui diễn ra trong các lễ hội, ngày vui. Các nghi lễ trong đám cưới (dân tộc Dao), các trò chơi dân gian như: Tung còn, đánh quay (dân tộc Thái), ném pao, đánh cù (dân tộc Mông), các nghề truyền thống: nhuộm chàm, thêu, dệt thổ cẩm, nghề rèn, chế tác các loại nhạc cụ tuy vẫn tồn tại ở một số địa phương, gia đình, nhưng việc thực hiện chưa thường xuyên cần được quan tâm đầu tư để khôi phục lại. Bên cạnh đó còn có các lễ hội: Lễ Xên bản (dân tộc Khơ Mú); lễ hội tết, lễ cưới (dân tộc Mông); lễ hội Tén Tằn (dân tộc Thái, xã Tén Tằn), hiện gần như không còn.

Lý giải một phần nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, bà Trương Thị Huyên, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mường Lát, cho rằng: Công tác quản lý còn thiếu những giải pháp khả thi, chư­a có được những mô hình, những phương thức tổ chức sinh hoạt văn hóa thực sự hiệu quả ở cơ sở; các sinh hoạt lễ hội, văn nghệ dân gian nhiều lúc còn mang tính hình thức và việc biến nó thành những sinh hoạt bổ ích, lành mạnh có tính thường xuyên và tính xã hội còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong khâu tổ chức. Nguồn kinh phí, phương tiện, con người đầu tư, bố trí cho lĩnh vực này còn ít và khó khăn, đặc biệt là sự thiếu hụt lực lượng cán bộ làm công tác văn hóa là người các dân tộc thiểu số ở địa phương”.

Những giải pháp thiết thực

Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-HU ngày 23/12/2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc huyện Mường Lát, giai đoạn 2015 - 2020. Nhiều giải pháp đã được Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mường Lát đưa ra như sưu tầm, giữ gìn, khai thác và nâng cao các giá trị về phong tục, tập quán, nghệ thuật tạo hình, trang trí hoa văn trên các loại: trang phục, đồ dùng sinh hoạt, lao động, kiến trúc nhà ở và các công trình khác, giá trị nghệ thuật biểu diễn mang tính văn hóa bản sắc của các dân tộc thiểu số huyện Mường Lát. Nghiên cứu bảo tồn một số lễ thức tâm linh, tín ngưỡng của dân tộc Dao, Mông, Thái trong đó có trang phục thực hiện nghi lễ đặc sắc. Bảo tồn các trò chơi dân gian truyền thống và dàn dựng thành các tiết mục biểu diễn, giao lưu, phục vụ nhân dân và khách du lịch tại các lễ hội, hội thi, hội diễn, liên hoan... và bảo tồn “sống” bằng phương pháp trao truyền duy trì bền vững qua các thế hệ. Bảo tồn các điệu múa - trong đó có múa trả lễ, đáp lễ tổ tiên rất đặc sắc, múa xòe, múa nón, múa quạt, múa chuông, múa gậy, múa sanh tiền...), các làn điệu dân ca, hát ru, hát đối, hát giao duyên... Sau các năm triển khai thực hiện nghị quyết, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, các thiết chế văn hóa thông tin được cải thiện. Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở cơ sở phát triển. Các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc từng bước được chuyển biến.

Theo đó, đến thời điểm hiện tại, huyện Mường Lát đã xây dựng ở mỗi xã, thị trấn một đội văn nghệ chung cho các thành phần dân tộc; đồng thời mỗi bản, mỗi khu cũng có một đội văn nghệ mang bản sắc văn hóa dân tộc mình. Công tác bảo tồn các loại nhạc cụ, như: đàn sáo, khèn, trống chiêng được sưu tầm và dàn dựng; phát triển vốn dân ca, dân vũ: Khặp, hát giao duyên, múa xòe, múa sạp (dân tộc Thái), múa khèn, múa ô, múa sanh tiền (dân tộc Mông)... Các loại dụng cụ lao động sản xuất và các ngành nghề thủ công truyền thống, đồ dùng sinh hoạt, văn hóa ẩm thực và một số tín ngưỡng đặc sắc của các dân tộc được duy trì tốt. Công tác bảo tồn các lễ hội, trò chơi dân gian được duy trì trong những dịp lễ tết như: Lễ Xên Mường (dân tộc Mường), lễ cấp sắc (dân tộc Dao), lễ hội cầu mưa, mừng lúa mới, khua luống (dân tộc Thái),... trò chơi Tó lẹ, đẩy gậy, tung còn, kéo co... Trong năm 2019, huyện đã tham gia gian trưng bày các hiện vật “Xưa và nay” trong dịp kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa, được tỉnh đánh giá cao, đứng trong tốp 5 toàn tỉnh.

Gắn công tác bảo tồn bản sắc văn hóa với phát triển du lịch

Có lẽ trong tất cả những giải pháp để bảo tồn bản sắc văn hóa thì gắn công tác này với phát triển du lịch vẫn là cách làm hay và hiệu quả hơn cả. Thực tiễn đã chứng minh ở một số địa phương như: Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa,...

Nhiều năm qua, song song với việc phát triển kinh tế hiệu quả từ các nhóm ngành, nghề truyền thống: nông nghiệp, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp,... Huyện Lang Chánh đang từng bước đưa du lịch trở thành một “điểm nhấn” góp phần tạo nên một bức tranh kinh tế chung với đầy những “gam màu sáng”. Một con số ấn tượng, lượng khách du lịch đến với Lang Chánh trong những năm qua đạt cao, doanh thu từ du lịch ngày càng tăng, đời sống bà con từng bước được cải thiện, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển. Có được thành quả này là nhờ vào sự kết hợp khéo léo giữa phát triển du lịch gắn với công tác bảo tồn văn hóa của địa phương. Đó là việc phục dựng, bảo tồn nhiều di tích, di sản văn hóa phi vật thể như: Di tích lịch sử cách mạng nhà thờ Lê Lợi, bản Năng Cát, xã Trí Nang; đền thờ ông Lê Phúc Hoạch, làng Chiềng Khạt, xã Đồng Lương; các trò chơi, trò diễn dân gian: kéo co, đẩy gậy, mo Mường, cồng chiêng, khua luống, khèn bè, múa hát Chá Mùn, hát khặp Thái, hát xường, nhảy sạp, múa Pồn Pôông, múa xòe... Chính những nét đẹp văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc này khi kết hợp với các di tích, danh lam thắng cảnh của địa phương: Thác Hón Lối (xã Giao Thiện), thác Mây (xã Trí Nang), thác Chiềng Nang (xã Giao An), chùa Mèo (xã Quang Hiến)... đã tạo nên một quần thể du lịch đa dạng, hấp dẫn, đặc biệt, mang đến cho du khách một trải nghiệm thú vị, khó quên về một vùng đất địa linh nhân kiệt.

Cũng như huyện Lang Chánh, nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, huyện Bá Thước cũng gắn phát triển du lịch cộng đồng với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc đã và đang tạo đà cho sự phát triển ổn định, hiệu quả của ngành du lịch huyện. Bước đầu, huyện cho khôi phục nghề dệt thổ cẩm làng Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm, góp phần giải quyết việc làm cho gần 100 lao động, có thu nhập khoảng 2 triệu đồng/người/tháng; làng nghề thôn Tôm, xã Ban Công thu hút 40 lao động, thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, huyện cũng quan tâm tổ chức sưu tầm, khôi phục, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, những phong tục, tập quán đặc sắc của đồng bào Thái và xóa bỏ các hủ tục trong cưới xin, ma chay, lễ hội...; bảo tồn các thể loại thơ ca, tục ngữ, truyện dân gian, làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào dân tộc Mường, Thái... Theo thống kê, từ năm 2015 đến nay huyện Bá Thước đã đón khoảng 250.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, trong đó khách quốc tế chiếm 30%, tổng doanh thu ước đạt trên 200 tỷ đồng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Văn hóa không đứng ngoài phát triển. Nó nằm bên trong, là nhân tố nội sinh, vừa là mục tiêu, vừa là động lực và hệ điều hành phát triển”. Mỗi dân tộc đều có tinh hoa riêng, bản sắc riêng cần phải được gìn giữ. Trong quá trình phát triển và hội nhập, những giá trị văn hóa ngàn đời đó đứng trước nhiều sức ép, nhiều thách thức vì vậy càng cần phải được cộng đồng chung tay gìn giữ. Không chỉ là với những di sản văn hóa đã được công nhận, mà còn là cả những tập tục đẹp trong cuộc sống hàng ngày./.

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT