Hoạt động của ngành

Bắc Ninh: Triển lãm, trưng bày Bảo vật quốc gia Mộc bản chùa Bổ Đà

Cập nhật: 30/01/2020 08:35:51
Số lần đọc: 839
Ngày 29/1 (mùng 5 Tết Nguyên đán Canh Tý 2020), tại chùa Bổ Đà, Ủy ban Nhân dân huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang tổ chức Lễ khai mạc triển lãm, trưng bày Mộc bản chùa Bổ Đà và công bố quyết định của Ủy ban Nhân dân tỉnh công nhận điểm du lịch chùa Bổ Đà.


Cắt băng khai mạc triển lãm, trưng bày “Mộc bản chùa Bổ Đà.” (Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN)

Trưng bày, giới thiệu Bảo vật Quốc gia Mộc bản chùa Bổ Đà là một hoạt động trong khuôn khổ Tuần Văn hóa-Du lịch tỉnh Bắc Giang năm 2020 và chuỗi hoạt động kỷ niệm 300 năm xây dựng Tùng Lâm Bổ Đà (1720-2020); 200 năm thành lập huyện Việt Yên (1820-2020).

Hoạt động này nhằm lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng những giá trị đặc sắc của bộ Mộc bản cũng như những tinh hoa trong nghệ thuật điêu khắc thời xa xưa.

Đồng thời góp phần đưa hình ảnh địa danh Chốn tổ Bổ Đà đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước; tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân biết được và cảm thấy tự hào, từ đó nâng cao ý thức trong việc giữ gìn, bảo vệ Bảo vật Quốc gia Mộc bản chùa Bổ Đà.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Việt Yên Nguyễn Đại Lượng nhấn mạnh: Chùa Bổ Đà là danh lam cổ tự nổi tiếng của vùng Kinh Bắc xưa, nơi tu luyện và đào tạo tăng đồ của Thiền phái Lâm Tế và bảo lưu giá trị kiến trúc truyền thống độc đáo của người Việt.

Ngôi chùa tọa lạc trên vùng đất linh thiêng thuộc dãy Bổ Đà gắn liền với truyền thuyết người tiều phu đốn củi và Phật Bà Quan Âm Bồ Tát ứng hiện cứu đời.

Chùa gồm các đơn nguyên kiến trúc chính: chùa Tứ Ân, am Tam Đức, chùa Cao, vườn Tháp, Ao Miếu và khu vườn Tháp. Trong đó, khu vườn Tháp có hơn 100 ngôi tháp Phật - nơi tàng lưu xá lị của trên 1.200 tăng ni thuộc thiền phái Lâm Tế, được xác nhận là vườn Tháp lớn nhất Việt Nam.

Đặc biệt hiện nay, chùa Bổ Đà lưu giữ gần 2.000 ván Mộc bản, do các vị thiền sư phái Lâm Tế tổ chức san khắc ở thời Lê niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786) và nhiều đời cao tăng sau này, gồm các kinh điển đại thừa, từ văn bản Hán kinh Phật đến các văn bản chữ Nôm.

Tiêu biểu có các bộ kinh: Lăng Nghiêm Chính Mạch, Yết Ma Hội Bản, Nam Hải Ký Quy, Uy nghi quốc âm.

Những ván kinh khổ lớn ở đây còn in, khắc các sớ, điệp dùng vào việc tiến hành các nghi lễ trong nhà chùa…

Trên những tấm mộc bản đó, người xưa đã để lại dấu ấn qua nội dung, đường nét, họa tiết, hình khối điêu luyện và tinh xảo, phản ánh những tư tưởng, triết lý sâu xa của đạo Phật nói chung và dòng thiền Lâm Tế nói riêng, nổi bật là hình khắc Đức Phật Tổ Như Lai, Phật Thích Ca tọa trên đài sen, Quan Âm Bồ Tát, các vị La Hán.

Năm 2018, Mộc bản chùa Bổ Đà được công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương trao quyết định công nhận điểm du lịch chùa Bổ Đà cho đại diện lãnh đạo huyện Việt Yên, chùa Bổ Đà.

Sau lễ khai mạc, các đại biểu và đông đảo du khách tham quan khu trưng bày Mộc bản và vãn cảnh chùa.

Một số hình ảnh về triển lãm:


Đông đảo du khách tham quan khu trưng bày Mộc bản chùa Bổ Đà. (Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN)


Các đại biểu và đông đảo du khách tham quan khu trưng bày Mộc bản chùa Bổ Đà. (Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN)


Đông đảo du khách tham quan khu trưng bày Mộc bản chùa Bổ Đà. (Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN)


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương (phải) trao quyết định công nhận điểm du lịch chùa Bổ Đà. (Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN)

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục