Non nước Việt Nam

Bạc Liêu: Đề nghị công nhận múa Rom vong là di sản văn hóa quốc gia

Cập nhật: 05/08/2020 08:36:05
Số lần đọc: 721
Rom vong là điệu múa dân gian được đồng bào Khmer vô cùng yêu thích. Từ rất lâu đời, Rom vong đã trở thành loại hình nghệ thuật không thể thiếu ở các buổi sinh hoạt văn hóa, lễ hội của đồng bào phum sóc, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh.

Tiết mục biểu diễn múa Rom vong tại chùa Xiêm Cán (TP. Bạc Liêu). Ảnh: C.T

“Món ăn tinh thần” độc đáo

Ở Bạc Liêu, Rom vong được gìn giữ, bảo tồn tại các chùa Khmer, đặc biệt là chùa Xiêm Cán thực hiện rất hiệu quả việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Rom vong nói riêng và nhiều loại hình nghệ thuật dân gian khác của đồng bào dân tộc Khmer nói chung.

Rom vong (còn gọi là múa Lâm thôn) là múa vòng tròn theo nhịp trống, từng cặp đôi trai gái vừa múa vừa quay lại nhìn mặt nhau thật tình tứ, thể hiện sự quấn quýt. Trong các cuộc vui, khi tiếng nhạc trỗi lên, người con trai thường chủ động mời bạn gái cùng múa, có khi không phải là bạn gái mà chỉ là đối tượng múa, thường gọi là cặp múa. Các động tác nữ thường dịu dàng, nhẹ nhàng, kín đáo. Còn các chàng trai với động tác múa khỏe, hai tay luôn luôn dang rộng hơn để vừa múa vừa che chắn, âu yếm bảo vệ người nữ. Vì thế, Rom vong đã được sử dụng như phương tiện thể hiện sắc thái văn hóa trong giao tiếp, giao lưu và phát triển văn hóa - nghệ thuật (VH-NT) với các dân tộc anh em trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam: thân thiết, quấn quýt, hòa quyện, đoàn kết, ấm áp nghĩa tình.

Do Rom vong là một loại hoạt động nghệ thuật dễ tổ chức, ít tốn kém, không cần kịch bản hay đội ngũ diễn viên chuyên nghiệp và nhạc cụ chuyên dụng, nên ngày càng đi sâu vào lòng người mộ điệu, phát triển mạnh mẽ theo thời gian và trở thành một môn nghệ thuật truyền thống. Về nhạc cụ, người Khmer thường dùng trống Rom vong và gáo, hiện nay họ còn sử dụng các nhạc cụ hiện đại để hòa âm phối khí để sinh động và hứng khởi hơn.

Công nhận để bảo vệ, phát huy giá trị

Theo đánh giá của Sở VH-TT-TT&DL dưới góc độ chuyên môn, nghệ thuật Rom vong đạt các tiêu chí quy định về việc xác định vai trò của di sản văn hóa phi vật thể đối với đời sống cộng đồng. Về giá trị lịch sử, đây là điệu múa đã ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào Khmer qua nhiều thế hệ. Về giá trị văn hóa, Rom vong thể hiện khát vọng vươn tới các giá trị chân - thiện - mỹ của đồng bào dân tộc Khmer. Do hình thành trong lao động, sản xuất nông nghiệp và gần gũi với tất cả giai tầng trong xã hội nên Rom vong gần gũi với đồng bào Khmer, kể cả người Kinh và người Hoa cùng cộng cư với người Khmer cũng biết múa Rom vong.

Bạc Liêu hiện có 22 chùa Khmer và hàng trăm thiết chế văn hóa đan xen trong cộng đồng dân cư, Rom vong hiện diện ở những nơi đó và ở rộng khắp mọi ngõ ngách của cộng đồng Khmer, sức sống cũng như sự tồn tại của Rom vong rất mạnh mẽ. Trao đổi với trụ trì các chùa, đặc biệt là nghệ nhân ưu tú Danh Xà Rậm - một trong những người nghiên cứu và bảo tồn VH-NT đồng bào dân tộc Khmer - chúng tôi ghi nhận mong ước lớn nhất của họ là có điều kiện để mở lớp truyền dạy, đảm bảo đúng với nguyên bản gốc của điệu múa, đồng thời thường xuyên tổ chức giao lưu, biểu diễn và có được nơi biểu diễn tại địa phương nhằm tạo được điểm vui chơi, sinh hoạt văn hóa - văn nghệ của đồng bào dân tộc tại địa phương.

Năm 2018, Sở VH-TT-TT&DL phối hợp với Công ty Sài Gòn phim thực hiện phim tư liệu đối với nghệ thuật múa Rom vong trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Điều đó cho thấy đã có sự quan tâm, bảo tồn loại hình nghệ thuật này. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân như kinh phí đầu tư, nguồn lực về nhân sự… nên Rom vong chưa được quan tâm đúng mức. Múa Rom vong không tạo ra thu nhập ổn định cho nghệ nhân, kinh phí đầu tư duy trì truyền dạy, tổ chức các buổi thực hành, thi diễn hầu như không có đã làm mai một loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Từ thực trạng đó, thiết nghĩ cần có chế độ hỗ trợ nghệ nhân mở lớp truyền dạy tại cộng đồng địa phương, ưu tiên tại các chùa Khmer trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ trang thiết bị, đạo cụ để các chùa tổ chức truyền dạy và thực hành; giải quyết dạy nghề, tạo công ăn việc làm cho nghệ nhân đang gìn giữ, bảo tồn nghệ thuật múa Rom vong; thành lập các câu lạc bộ, xây dựng chương trình biểu diễn kết nối các tua du lịch để phục vụ khách tham quan tại các điểm đến.

Rom vong là một di sản quý trong kho tàng VH-NT truyền thống của đồng bào Khmer nhưng lại đang có nguy cơ mai một. Để bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật này, ngoài việc kêu gọi sự chung tay góp sức của cộng đồng, cần có sự quan tâm đúng mức của các cơ quan hữu quan. Việc đề nghị Bộ VH-TT&DL công nhận đây là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ tạo ra cơ sở pháp lý và hội đủ các điều kiện để bảo tồn một loại hình nghệ thuật độc đáo.

Cẩm Thúy

 

 

Nguồn: baobaclieu.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT