Hoạt động của ngành

An Giang thực hiện nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp du lịch phục hồi

Cập nhật: 28/05/2020 13:48:02
Số lần đọc: 782
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, hiện trên địa bàn tỉnh có 15 khu du lịch, điểm du lịch, điểm tham quan; 97 cơ sở lưu trú du lịch với gần 3.000 phòng; 22 công ty lữ hành, trong đó có 10 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế, 12 đơn vị kinh doanh lữ hành nội địa.

Đoàn khách du lịch nước ngoài tham quan vườn sinh thái Út Hùm, An Giang. (Nguồn: angiang.gov.vn)

Năm 2020 là năm với khởi đầu khó khăn của ngành du lịch nói chung do tác động của dịch COVID-19.

Ông Trương Bá Trạng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, cho biết ước tính trong năm tháng đầu năm nay, tổng lượng khách đến An Giang là 750.000 lượt người, giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó khách quốc tế giảm 70%. Các cơ sở lưu trú du lịch đạt chuẩn trên địa bàn tỉnh chỉ đón khoảng 20.000 lượt khách, giảm 37%; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 550 tỷ đồng, giảm 39%.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh gặp những khó khăn chung như lượng khách giảm dẫn đến doanh thu sụt giảm; tăng chi phí để phòng, chống dịch cho nhân viên và du khách; đảm bảo số lượng nhân sự cần thiết để duy trì hoạt động của doanh nghiệp; thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng...

Các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh bị khách hủy gần 7.000 phòng, đồng thời do lo ngại về tình hình lây nhiễm của dịch bệnh nên một số doanh nghiệp đã chủ động đóng cửa.

Tuy nhiên, dù gặp nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp du lịch đã có sự đồng thuận, chia sẻ khó khăn với các cấp, các ngành trong việc phòng, chống dịch COVID-19; tuân thủ và chấp hành nghiêm túc những hướng dẫn của Chính phủ, của tỉnh và của ngành du lịch, từ đó góp phần vào thành công chung trong việc phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Giám đốc Công ty Du lịch Việt Xanh An Giang, cho rằng nhiều doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn, hoạt động mang tính cầm chừng do tâm lý khách còn e dè và xem du lịch là nhu cầu không thiết yếu. Để các doanh nghiệp du lịch có thể bắt nhịp lại hoạt động kinh doanh, bà Linh kiến nghị, ngoài việc giảm lãi suất cho vay từ 0,5 đến 2%/năm đối với dư nợ cũ, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận gói tín dụng ưu đãi trong thời gian tới.

Từ ngày 27/4, các khu, điểm du lịch tại An Giang đã mở cửa phục vụ và đón khách du lịch tham quan trở lại, đồng thời đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang đã và đang tham mưu đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch phục hồi phát triển.

Trước mắt, ngành du lịch An Giang đề nghị ngành ngân hàng, điện lực có chính sách hỗ trợ lãi suất, giảm giá điện sử dụng cho các doanh nghiệp du lịch. Hiện đã có một số doanh nghiệp thụ hưởng chính sách giảm lãi suất từ các ngân hàng thương mại, giảm 10 % giá điện trong thời gian ba tháng (từ tháng 4/2020).

Ngành du lịch An Giang tiếp tục hỗ trợ xác nhận các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú du lịch được giảm giá điện theo hướng dẫn của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam; hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện Thông tư số 35/2020/TT-BTC ngày 5/5/2020 của Bộ Tài chính quy định mức thu, nộp phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch.

Bên cạnh đó, ngành du lịch tỉnh đẩy mạnh triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa và tổ chức các buổi tọa đàm để trao đổi, đối thoại lắng nghe các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp kinh doanh du lịch.

Ông Nguyễn Khánh Hiệp - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, cho biết về lâu dài, An Giang tập trung triển khai Chương trình kích cầu du lịch nội địa và quốc tế. Trong đó, vận động các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch như lưu trú, lữ hành và các khu, điểm du lịch tích cực tham gia chương trình; ưu tiên xây dựng chương trình kích cầu du lịch nội địa “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam.”

Ngành du lịch An Giang cũng tăng cường liên kết, hợp tác phát triển, quảng bá du lịch “An Giang-Cần Thơ-Kiên Giang” trong các sự kiện giới thiệu, quảng bá du lịch chung của ba tỉnh dựa vào tiềm năng, lợi thế của từng địa phương; liên kết kích cầu phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; triển khai hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh du lịch và cộng đồng địa phương trong tỉnh chủ động xây dựng các chương trình du lịch về An Giang từ nguồn xúc tiến quảng bá du lịch.

Thời gian tới, ngành du lịch An Giang đẩy mạnh thực hiện Chương trình quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch An Giang trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt tổ chức “Ngày hội An Giang” tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, mời các doanh nghiệp lữ hành nội địa và quốc tế tham gia sự kiện; tiếp tục nâng cấp hệ thống giao thông kết nối các khu, điểm du lịch trong tỉnh.

Tỉnh An Giang cũng tổ chức lại các sự kiện, lễ hội truyền thống ngay sau khi kết thúc dịch bệnh; có chính sách miễn, giảm phí tham quan tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh…/.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục