Tin tức - Sự kiện

Tưng bừng khai mạc lễ hội truyền thống mùa thu Kiếp Bạc – Côn Sơn năm 2010

Cập nhật: 23/09/2010 13:10:31
Số lần đọc: 2327
Sáng 23/9 (16/8 âm lịch), tại khu di tích Kiếp Bạc (Chí Linh), tỉnh Hải Dương long trọng tổ chức khai mạc lễ hội truyền thống mùa thu Kiếp Bạc – Côn Sơn năm 2010.

Lễ hội truyền thống mùa thu Kiếp Bạc – Côn Sơn năm 2010 nhằm tưởng niệm 710 năm (1300 - 2010) ngày mất của Hương Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn; 568 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi. Đặc biệt, lễ hội năm nay là hoạt động văn hoá tiêu biểu của tỉnh ta dâng lên Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và là năm tổng kết đề án nâng cấp lễ hội Kiếp Bạc - Côn Sơn (giai đoạn 2006 – 2010) thành lễ hội cấp quốc gia.

Mở màn là lễ rước lễ phẩm của hai làng Vạn Yên và Dược Sơn (xã Hưng Đạo); màn múa lân, rồng và trống hội đặc sắc do nhân dân huyện Gia Lộc biểu diễn cùng màn trống hội hào hùng của các nghệ sỹ Nhà hát Chèo Hải Dương.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Thị Bích Liên, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội Kiếp Bạc – Côn Sơn đọc diễn văn khai mạc lễ hội nêu bật công lao to lớn của Anh hùng dân tộc Hương Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, người có công lao hiển hách trong ba lần đánh quân xâm lược Nguyên Mông. Trong cuộc chiến lần thứ nhất (1258), Trần Hưng Đạo được giao quyền tiết chế, chỉ huy các tướng bảo vệ biên giới. Cuộc kháng chiến lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1288), ông được vua Trần phong chức Quốc Công Tiết chế, tổng chỉ huy quân đội. Tháng 8 - 1284, ông tổ chức duyệt binh lớn ở Đông Bộ Đầu, sau đó cử quân sỹ đi trấn thủ các vùng Bình Than, Chi Lăng, Phú Thọ… rồi về lập đại bản doanh, xây dựng phòng tuyến chống giặc ở Vạn Kiếp. Tại đây, ông xây dựng hệ thống căn cứ quân sự liên hoàn. Với tài thao lược, Quốc Công Tiết Chế viết Hịch tướng sỹ nhằm kịp thời động viên tinh thần chiến đấu của binh sĩ, góp phần lập những chiến công vang dội ở Hàm Tử, Chương Dương, Vạn Kiếp… và cuối cùng là trận Bạch Đằng lừng lẫy, đánh bại hoàn toàn quân xâm lược. Kháng chiến chống quân Nguyên Mông thắng lợi, Hưng Đạo Đại Vương cùng phu nhân về sống những năm tháng cuối đời thanh bình tại tư dinh Vạn Kiếp. Sau khi ông mất, với công lao to lớn đối với đất nước, triều đình nhà Trần tôn phong ông là Thái sư Thượng phụ, Thượng Quốc công, Nhân Vũ Đức Hưng Đạo Đại vương và lập đền thờ ông ngay trên nền vương phủ gọi là đền Kiếp Bạc.


Hằng năm, nhiều hoạt động lễ hội được nhân dân trong tỉnh, du khách thập phương hết lòng ủng hộ. Vị thế của lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc ngày được nâng cao, các giá trị văn hoá truyền thống được kế thừa, nhiều hoạt động văn hoá mới được bổ sung,  góp phần xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ngay sau lễ khai mac, trên sông Lục Đầu diễn ra lễ hội quân với sự tham gia của hai đoàn thuyền thôn Quần Mục (Hải Phòng) và xã Kênh Giang (Chí Linh) cùng đông đảo du khách thập phương. Tiếng trống, chiêng, tiếng hò reo của nhân dân đã tạo nên không khí tưng bừng cho lễ hội.

Ngày 24 và 25/9 (17 và 18/8 âm lịch), lễ hội tiếp tục diễn ra các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao đặc sắc. Trong đó có lễ cầu an, thả hoa đăng trên sông Lục Đầu, liên hoan diễn xướng hầu thánh, giải bơi thuyền chải…

Nguồn: Báo Hải Dương

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT