Non nước Việt Nam

Qua ải Chi Lăng, Lạng Sơn

Cập nhật: 03/06/2010 16:12:30
Số lần đọc: 2276
Khu di tích lịch sử Chi Lăng (huyện Chi Lăng), nằm ở phía nam tỉnh Lạng Sơn. Toàn bộ ải Chi Lăng như một thung lũng nhỏ, hình bầu dục dài khoảng bốn ki-lô-mét, chỗ rộng nhất ở giữa khoảng một ki-lô-mét theo hướng đông tây. Phía tây có dãy núi đá vôi Cai Kinh dựng đứng và phía đông có dãy núi Bảo Ðài, Thái Hòa trùng trùng, điệp điệp.

Lòng ải đã hẹp lại có năm ngọn núi đá nhỏ gồm: Hàm Quỷ, Nà Nông, Nà Sản, Kỳ Lân và Mã Yên. Hai phía bắc và nam, mạch núi khép lại, tạo thành hai cửa ải hiểm trở. Ở giữa có dòng sông Thương chảy qua, ruộng vườn tươi tốt, xóm làng trù phú.

 

Nếu đi từ Hà Nội lên Lạng Sơn theo quốc lộ 1A khoảng 100 km ta sẽ đến cầu Sông Hóa đó là nơi bắt đầu khu di tích. Ở đây có Thành Cai Kinh, Cầu Quan Âm, núi Tay Ngai là những di tích chống thực dân Pháp của cuộc khởi nghĩa do Hoàng Ðình Kinh, một thủ lĩnh người dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên ở huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn), đã lãnh đạo nhân dân đứng lên chống thực dân Pháp, trong những ngày đầu đặt chân lên Lạng Sơn. Tiếp theo, ngược lên phía bắc là khu Ðồng Bành, hậu cứ của tất cả các trận trong lòng ải Chi Lăng. Trong lịch sử có các địa danh như: Núi Bàn Cờ, Ngõ Thề, Thành Kho, Ðền Quan Nàng, đầm lầy Mã Yên, Cửa Quỷ, Núi Quỷ, Quán Thanh, núi Mã Yên...

 

Ngược dòng lịch sử, Chi Lăng luôn gắn liền với sự nghiệp dựng nước và giữ nước, với những chiến công rực rỡ của dân tộc. Từ khi nước Văn Lang ra đời và đặc biệt khi Ðại Việt trở thành quốc gia độc lập, tự chủ, tự cường, Lạng Sơn trở thành địa đầu Tổ quốc. Ðịa thế hiểm yếu nơi đây đã được người xưa ghi lại: "Hàng nghìn ngọn núi la liệt, hàng nghìn khe suối quanh vòng, khí núi độc, đường đất hiểm trở, đi lại khó khăn...".

 

Với chiều dày lịch sử, Chi Lăng trở thành một khu di tích rộng lớn, một di sản văn hóa vô giá về sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Khu di tích này bao gồm 52 điểm, trải dài theo thung lũng, dọc con sông Thương, nằm trên địa bàn hai xã Chi Lăng và Quang Lang. Những di tích này không còn nguyên vẹn, nhưng đã được đầu tư, xây dựng các bia chiến thắng, khu tượng đài chiến thắng Chi Lăng.

 

Ngoài giá trị về lịch sử, Chi Lăng còn có những di tích ghi đậm dấu ấn của nền văn hóa Bắc Sơn, Mai Pha, như: hang Nà Nông, Lạng Lắc, Lai Ta, Bằng Mạc... Còn đó những mảnh tước, rìu đá, mảnh gốm... minh chứng cho những giai đoạn sơ sử, tiền sử của người Việt cổ xưa có giá trị về nghiên cứu khoa học. Trên mảnh đất này còn có nhiều danh lam thắng cảnh như: Hang Gió, núi Bàn Cờ... Ðể bảo tồn và phục vụ công tác giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau, từ năm 1962, khu di tích Chi Lăng đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích quốc gia.

Nguồn: website Nhân dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT