Non nước Việt Nam

Văn Miếu Mao Ðiền (Hải Dương): Di tích lịch sử quốc gia

Cập nhật: 08/04/2010 13:59:13
Số lần đọc: 2793
Văn Miếu Mao Ðiền, được coi là Văn Miếu lớn thứ hai trong cả nước, được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia năm 1992 (Quyết định số 97/QÐ-VH). Mao Ðiền (theo chữ Hán là Ruộng lau), thuộc xã Cẩm Ðiền, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương, xưa gọi Xứ Ðông, là vùng đất cổ, nguồn gốc của nhiều dòng học nổi tiếng trong cả nước, vùng đất sớm phát triển ở đồng bằng sông Hồng.

Nho học Việt Nam từ năm 1075- 1919 có 185 khoa thi, lấy đỗ 2.898 tiến sĩ thì người trấn Hải Dương chiếm tới 637 vị; trong số 46 Trạng nguyên, Hải Dương chiếm 12 vị. Ðặc biệt có một làng như Mộ Trạch (xã Tân Hồng, huyện Bình Giang) có 39 vị tiến sĩ. Ðiều đó chứng tỏ vai trò to lớn của Văn Miếu, của trường thi trong việc phát triển giáo dục, kinh tế ở một vùng đất.

 

Văn Miếu trấn Hải Dương được xây dựng vào đầu triều Hậu Lê (Lê Lợi) ở thế kỷ XV, đầu tiên đặt tại xã Vĩnh Lợi, huyện Ðường An (nay là xã Vĩnh Tuy, huyện Bình Giang) sau mới chuyển về Mao Ðiền, là một công trình văn hóa uy nghi, đồ sộ. Phần chính gồm hai tòa nhà lớn bảy gian, mái cong vút, chạm rồng trổ phượng. Nhà trong là miếu thờ Khổng Tử và các bậc tiên hiền. Nhà ngoài là nơi tụ hội, lễ bái của các học quan, đường quan, văn nhân sĩ tử. Hai bên là hai dãy nhà Giải vũ năm gian đối diện nhau theo hướng đông- tây gọi là Ðông vu, Tây vu. Cùng đó là hai gác chuông ngân vang âm thanh cao sáng của khát vọng vươn lên, âm thanh thiêng liêng của chữ nghĩa thánh hiền; hai hồ nước soi ánh Thiên quang, đưa trời đất, hồn nước vào lòng người.

 

Vào thời nhà Mạc (đầu thế kỷ XVI), do Thăng Long bất ổn về chính trị, bốn khoa thi Hội đã được tổ chức ở Mao Ðiền. Khoa thi Ất Mùi 1535, Nguyễn Bỉnh Khiêm đỗ thủ khoa cả ba kỳ thi ở đây, chiếm vị Trạng nguyên. Trí tuệ, nhân cách của danh sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ giúp đời ngày ấy mà còn tỏa sáng muôn sau.

 

Văn Miếu Mao Ðiền tồn tại nguyên vẹn trong thời gian dài cho đến năm 1948, khi thực dân Pháp chiếm cứ, lấy nơi đây làm nơi giam cầm, xử bắn các chiến sĩ cách mạng và những người dân yêu nước.

 

Qua hai cuộc kháng chiến, công trình Văn Miếu Mao Ðiền bị hư hại nặng. Từ năm 1994 đến năm 2004 được tôn tạo lại khang trang và đẹp đẽ hơn xưa. Cây gạo già hàng trăm năm vẫn còn uy nghi soi bóng hồ. Hằng năm, theo truyền thống, cứ vào ngày "Ðinh" tháng Trọng Xuân (tháng 2 âm lịch) và Trọng Thu (tháng 8 âm lịch), lại tổ chức lễ tế và mở hội tại Mao Ðiền.

 

Ngoài Khổng Tử, Văn Miếu Mao Ðiền còn phối thờ Chu Văn An, Mạc Ðĩnh Chi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tuệ Tĩnh (đại danh y), Phạm Sư Mạnh, Vũ Hữu (nhà toán học lừng danh thời Lê) và Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ (tức nữ sĩ Ngọc Toàn, Bà chúa Sao Sa, nữ tiến sĩ duy nhất của Việt Nam dưới thời phong kiến).

 

Nguyễn Thị Duệ người làng Kiệt Ðặc, huyện Chí Linh (Hải Dương), vốn là người thông minh, nhan sắc. Cha mẹ bà vượt qua khuôn phép, cho bà đi học như con trai, từ chối những đám hỏi lúc 10 tuổi trở đi. Khoa thi tiến sĩ năm Giáp Ngọ 1594, khi vừa tròn 20 tuổi, bà giả trai lấy tên là Nguyễn Du để đi thi và đỗ đầu, sau này khi biết chuyện, Vua Mạc Kính Cung không những không trách tội, huyền vị mà còn khen ngợi, ban thưởng.

 

Năm 1625, quân Lê- Trịnh diệt Mạc, bà ẩn trong núi rừng Cao Bằng. Bị lính bắt được, bà cầm gươm nói "Các ngươi bắt được ta thì phải đưa ta đến nộp cho chúa của các ngươi. Nếu vô lễ, ta sẽ tự sát với lưỡi gươm này".

 

Nhà Lê trọng vì tài và nghĩa khí của bà, phong chức Cung trung giáo tập dạy học trong vương phủ. Bà còn là người dốc lòng khuyến học, khuyến tài trong muôn dân. Sách Công dư tiệp ký của Vũ Phương Ðề đánh giá bà là "Lễ sư thông tuệ, nhất kính chiếu tam vương" (Người thầy thông tuệ, tấm gương sáng chiếu suốt ba vua). Còn dân gian tôn bà là "Nghiêu, Thuấn trong phái nữ, thần tiên ở trên đời".

Nguồn: website Nhân dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT