Non nước Việt Nam

Nghi lễ chém trâu trong lễ hội Đền Chín gian (Nghệ An)

Cập nhật: 25/03/2010 15:03:22
Số lần đọc: 2122
Không như lễ đâm trâu của đồng bào Tây Nguyên, Lễ chém trâu trong lễ hội Đền Chín gian (huyện Quế Phong, Nghệ An) được tổ chức đơn giản hơn, nhưng có ý nghĩa riêng của nó.

Đền Chín gian là một ngôi đền lớn của đồng bào Thái khu vực Tây Bắc Nghệ An, được xây dựng vào đầu thế kỷ XIV trên núi Pù Chò Nhàng thuộc bản Khoẳng, cách vị trí Đền hiện nay 5 km về phía Tây. Đền thờ Trời (Thẻn Phà) Màng Xỉ Đả (con gái Trời ) và Tạo Ló Ý (người có công lập bản lập mường).


Hàng năm đền có hai kỳ tế lễ, vào dịp tháng Hai đầu năm âm lịch và tháng Tám vào dịp Pò Hàu Cắm. Trong các kỳ tế lễ, những nghi lễ tâm linh được tổ chức hết sức trang nghiêm. Mở đầu là lễ chém trâu (Phắn quái) - một nghi lễ quan trọng được tổ chức vào buổi sáng sớm ngày đầu tiên của Lễ hội, ngay trước sân đền.


Không như lễ đâm trâu của đồng bào Tây Nguyên, lễ chém trâu trong lễ hội Đền Chín Gian được tổ chức đơn giản hơn.  Theo thông lệ, mỗi mường góp một con trâu. Con trâu dùng trong Lễ chém trâu là trâu mộng đưa từ Mường Tôn (mường chủ trong chín mường tại đây) :

 

Bưởn xì Tạo háy nẹp

Bưởn pẹt Tạo phắn quái .


Dịch nghĩa:Tháng Tư Tạo gong trâu nấu rượu

                Tháng Tám Tạo giết trâu tế lễ.

 

 Vào lễ, người chủ lễ (mo cả) mặc trang phục lễ (Xựa tẩy) làm lễ tắm trâu ngay tại bến nước dưới chân núi Pù Quái trước sự chứng kiến của mọi người. Sau khi tắm xong, con trâu hiến tế được đưa lên sân đền với một lễ rước trang nghiêm. Ông mo cả trong trang phục đại tế (Xựa tẩy) đi ba vòng quanh con trâu đã được buộc chặt vào chiếc cọc gỗ, vừa đi vừa đọc bài xến bằng tiếng dân tộc Thái mang nội dung cầu cho “Chín mường mười bản” yên lành. Theo sau là những người có chức vị trong xã hội ở các mường.


Sau đó, chủ lễ dùng chiếc rìu sắc bổ thẳng vào đốt xương cổ nơi tiếp giáp với xương sọ trâu. Trâu  ngã xuống mới chọc tiết. Thịt trâu làm xong, nấu chín trong những chiếc vạc lớn chia đều thành chín phần để làm lễ tế tại chín gian trong đền cùng với  9 chum rượu cần được tiếp bằng nước sông múc từ bến Tà Tạo chân núi Pù Quái, đưa lên bằng ống nứa.


Sau khi lễ tế trâu xong, mọi nghi thức tế lễ khác mới bắt đầu. Theo quan niệm, con trâu mộng được hiến tế nếu gục xuống chỉ sau một nhát bổ, năm đó xem như mọi việc đều tốt lành, vạn vật sinh sôi, mùa màng no đủ, người người khoẻ mạnh...

Nguồn: Báo Nghệ An

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT