Tin tức - Sự kiện

Hà Nội 'chặn đường' du khách

Cập nhật: 04/02/2010 09:25:54
Số lần đọc: 2554
Quyết định của UBND TP Hà Nội công bố ngày 19/1/2010 đã khiến các doanh nghiệp (DN) lữ hành choáng váng: Cấm xe trên 25 chỗ lưu thông trên 50 tuyến phố chính ở Hà Nội!

Ai cũng biết Tết Nguyên đán là mùa cao điểm không chỉ của du khách quốc tế mà cả khách nội địa. Hơn nữa, Hà Nội còn đóng vai trò trung tâm để từ đây du khách tỏa đi khắp các địa danh ở miền Bắc. Vậy mà không hiểu vì sao Hà Nội lại quyết định... chặn đường du khách.

“Chặn mọi nẻo đường”

Liên ngành giao thông vận tải và công an Hà Nội đã thống nhất phương án cấm xe khách, xe tải trên 50 tuyến phố Hà Nội từ ngày 6/2 đến 28/2 (tức từ 23 tháng chạp tới 15 tháng giêng) để hạn chế ùn tắc giao thông.

Theo đó, xe tải từ 1 tấn và xe khách từ 25 chỗ trở lên (trừ xe buýt, xe có phù hiệu ưu tiên) bị cấm hoạt động từ 6 - 22 giờ hằng ngày trên các tuyến phố chính từ vành đai II trở vào trung tâm như Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Tràng Thi, Tràng Tiền, Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Lương Văn Can, Hàng Gai, Hàng Bông, Phùng Hưng, Lò Đúc, Phố Huế, Hàng Bài, Lê Duẩn, Giải Phóng, Bạch Mai, Trương Định, Đại La, Đại Cồ Việt, Bà Triệu, Nguyễn Trãi, Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng...

Điều này đồng nghĩa với việc du khách quốc tế bị “chặn mọi nẻo đường” ra vào TP Hà Nội, nơi vừa được nhiều trang mạng du lịch quốc tế uy tín xếp vào nhóm những địa điểm du khách nên tới trong năm 2010, nhờ các sự kiện của Đại lễ 1.000 năm Thăng Long.

Ông Phạm Xuân Du, Giám đốc Công ty du lịch Xuân Nam (TP.HCM), hết sức bức xúc: “Đối tác của chúng tôi ở nước ngoài mấy ngày nay phản ứng rất dữ. Họ hỏi tại sao không báo thông tin sớm để họ hủy tour tới Việt Nam luôn! Chương trình tham quan mà nhiêu khê như vậy chắc chắn khách sẽ phàn nàn, không chỉ các DN lữ hành bị ảnh hưởng mà cả hình ảnh du lịch Việt Nam?”.

Ở các nước, xe chở khách du lịch thường được gắn biển ưu tiên ra vào một số tuyến đường có điểm tham quan. Trong trường hợp cấm xe của Hà Nội, xe khách từ 25 chỗ trở lên bao gồm cả xe du lịch chở du khách. Theo ông Nguyễn Kiên Cường, Giám đốc Công ty du lịch Tuấn Minh (Hà Nội), thiệt hại mà các hãng lữ hành gánh chịu là không hề nhỏ: “Chẳng hạn xe 45 chỗ chở du khách từ sân bay Nội Bài về Hà Nội phải qua Gia Lâm, dừng ở đó, chia nhỏ ra làm 4 chuyến xe 16 chỗ, thêm 1 xe tải nhẹ chở hành lý, để trung chuyển khách vào khách sạn ở trung tâm. Ngược lại cũng vậy, khi du khách di chuyển từ trung tâm đi các tỉnh, cũng sẽ phải có xe trung chuyển ra bên ngoài. Còn di chuyển để tham quan các tuyến điểm trong nội ô như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Một Cột, hồ Gươm, phố cổ... lại càng phức tạp hơn. Chi phí phát sinh đối với DN thì có thể cố gắng được, nhưng mất mát uy tín lại không thể nói hết”.

Khác gì đóng cửa các điểm tham quan?

Hiện nay các DN lữ hành đang chạy đôn chạy đáo để tìm kiếm nguồn xe dưới 25 chỗ để trung chuyển khách ra vào trung tâm Hà Nội. Khó nỗi, các loại xe cỡ này lại rất hiếm trong những ngày Tết, hơn nữa giá bị đẩy lên cao gấp hai, gấp ba lần. Những công ty vận tải chuyên cho thuê xe du lịch hạng sang thường không đầu tư xe nhỏ, nên không thể đáp ứng. “Nếu có thuê được ở bên ngoài, thì là những xe kém chất lượng. Du khách sẽ lập tức phản ứng. Các hợp đồng đã ký kết với đối tác nước ngoài từ nhiều tháng qua, đùng một cái cấm xe ở Hà Nội, chi phí phát sinh biết tính vào đâu?”, Giám đốc một DN than thở.

Phát sinh tiếp theo là, khi phân khách ra làm những xe nhỏ khác nhau tham quan Hà Nội, sẽ cần một lượng hướng dẫn viên đủ đảm bảo để quản lý và thuyết minh cho du khách ở từng tuyến điểm và trên đường đi. Ông Du cho biết, du khách quốc tế vẫn còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng kinh tế, nên khi tới một nước nào đó họ hạn chế di chuyển để có giá tour hợp lý. Trong khi đó, chi phí vận chuyển ở Việt Nam luôn chiếm tỷ lệ cao trong cấu thành của giá tour. Khách quốc tế cũng là đối tượng đề cao chất lượng dịch vụ du lịch. Cho nên, với việc trung chuyển xe cộ như thế này và hướng dẫn viên không đảm bảo sẽ khiến khách “một đi không trở lại”. Đó là chưa tính họ sẽ truyền miệng với nhau về một điểm đến không mấy thân thiện.

Hầu hết DN cho rằng, nếu xác định phải cấm xe du lịch lưu thông ở một số tuyến phố vào dịp Tết, cơ quan quản lý cần phải thông báo sớm để họ có phương án xử lý. Bà Lê Giang, Giám đốc Chi nhánh Công ty du lịch Bến Thành tại Hà Nội, cho hay các DN đã phản ánh vấn đề này với Tổng cục Du lịch và Sở VH,TT&DL Hà Nội, nhưng chưa có phản hồi nào. “Cấm là bất cập! Có thể cấm xe du lịch ở các tuyến phố chính vào giờ cao điểm, nhưng cấm từ sáng đến khuya thì vô lý”, bà Giang nói thêm. “Nhưng quan điểm của tôi là, xe du lịch cần được ưu tiên. Ngành du lịch Hà Nội nên bàn với ngành giao thông vận tải và công an làm sao cho xe du lịch được ra vào các điểm tham quan trong TP, gắn biển xe chở khách du lịch chẳng hạn. Nếu cấm như thế này, khác gì đóng cửa các điểm tham quan”, ông Cường phát biểu.

Ngành du lịch kiến nghị

Trả lời Thanh Niên, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết: “Ngày 2/2, tôi đã ký văn bản trình Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Trần Chiến Thắng để Bộ có công văn chính thức đề nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội xem xét, sớm giải quyết vấn đề này. Quyết định gây cản trở cho ngành du lịch, DN du lịch bức xúc. Phản ứng của du khách và DN đang rất mạnh mẽ”.

Theo ông Tuấn, UBND TP Hà Nội có thể có những lý do để cấm xe, nhưng trước khi ban hành nên tham vấn ý kiến của cơ quan chuyên môn liên quan, đặc biệt là đối với du lịch. “Còn nếu UBND TP Hà Nội không xem xét giải quyết, chúng tôi sẽ kiến nghị lên Ban chỉ đạo Nhà nước về Du lịch và Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân - Trưởng ban chỉ đạo để xem xét có ý kiến chỉ đạo”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Nguồn: Báo Thanh Niên

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT