Tin tức - Sự kiện

Du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn của Sa Pa

Cập nhật: 21/01/2010 09:01:52
Số lần đọc: 1837
Năm 2009 doanh thu từ khu vực du lịch - dịch vụ đạt 245 tỷ đồng bằng 111% kế hoạch, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập của huyện và dần trở thành ngành kinh tế chủ lực của Sa Pa.

Tiềm năng du lịch đa dạng

 

Ông Hoàng Mạnh Dũng, trưởng phòng Văn hóa & Thông tin huyện Sa Pa cho biết: Trước đây Sa Pa mới chỉ được biết đến là nơi có khí hậu mát mẻ trên dãy núi Hoàng Liên Sơn. Ngày nay tiềm năng du lịch của Sa Pa đã được phát hiện và khai thác khá đa dạng, từ du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch văn hóa cộng đồng đến du lịch hội thảo - hội nghị. Ngoài thị trấn Sa Pa còn có 6 xã có tiềm năng phát triển du lịch làng bản, du lịch cộng đồng là Tả Phìn, San Xả Hồ, Tả Van, Bản Hồ, Nậm Cang, Nậm Sài. Nơi đây còn lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc bản địa mà rất nhiều du khách có nhu cầu khám phá, nếu biết khai thác sẽ là nguồn lợi không nhỏ đối với Sa Pa. Sa Pa được xác định là một trong 16 khu du lịch trọng điểm quốc gia, nằm trong không gian tiểu vùng du lịch miền núi Tây Bắc.

 

Những cách làm năng động, sáng tạo...

 

Để phát triển du lịch bền vững, Đảng bộ và chính quyền huyện đã thảo luận và thông qua chương trình phát triển du lịch bền vững giai đoạn 2006 – 2010 với nhiều dự án cụ thể. Trên cơ sở đó, năm 2009 Phòng Văn hoá và Thông tin Du lịch huyện đã tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện nhiều nội dung hoạt động lớn nhằm thu hút khách đến với Sa Pa như: Tổ chức “Chương trình du lịch về cội nguồn 2009”, “Tuần văn hoá du lịch Sa Pa 2009”, “Chương trình khám phá Fanxipăng”, “Triển lãm ảnh Sa Pa – Văn hoá ruộng bậc thang”.

 

Trong những ngày đầu năm 2009, từ huyện đến xã đồng loạt tổ chức nhiều hoạt động văn hoá dân gian truyền thống, vừa động viên bà con các dân tộc hăng hái thi đua lao động sản xuất, vừa thu hút khách thập phương đến với Sa Pa, như: Hội xòe của dân tộc Tày tại xã Thanh Phú; Hội hát Then tại xã Bản Hồ; Hội hát giao duyên của dân tộc Dao tại xã Tả Phìn; Hội Gầu Táo của dân tộc Mông tại xã San Xả Hồ; Hội xuống đồng của dân tộc Dáy tại xã Tả Van…

 

Để tạo điều kiện thuận lợi và thu hút khách tham quan du lịch, huyện đã hoàn thiện các biển thông tin chỉ dẫn tuyến, điểm du lịch trên địa bàn toàn huyện; nâng cấp điểm du lịch Thác Bạc, hang động Tả Phìn, chợ văn hóa Tả Phìn; tổ chức hội nghị các nhà đầu tư du lịch trên địa bàn; triển khai Thông tư số 88, 89 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về kinh doanh lưu trú và lữ hành; tổ chức hội thảo về quản lý tuyến, tua du lịch, tổ chức chợ đêm trên địa bàn thị trấn Sa Pa và chợ văn hoá du lịch Tả Phìn; tổ chức hội thảo phát triển du lịch; hướng dẫn 2 ban quản lý du lịch cộng đồng tại xã Tả Van và xã Bản Hồ, nâng cao năng lực du lịch cộng đồng tại xã Nậm Sài; mở 2 lớp nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch cho người dân tộc thiểu số tại thị trấn Sa Pa và xã Nậm Cang; khuyến khích tổ chức và cá nhân xây dựng cơ sở lưu trú cả chuyên nghiệp và tại gia đình cư dân.

 

...để đưa du lịch xứng với tiềm năng

 

Với những việc làm thiết thực đó, trong những năm qua, ngành kinh tế du lịch của Sa Pa tăng trưởng không ngừng. Năm 2000, Sa Pa mới có 42 cơ sở lưu trú (khách sạn và nhà nghỉ), đến hết 2009 đã có 141 cơ sở lưu trú với 2.128 phòng, 3.988 giường, ngoài ra còn có 83 cơ sở lưu trú tại gia đình cư dân ở các xã Bản Hồ, Tả Van, Thanh Phú, San Xả Hồ, Tả Phìn… trong đó có hàng chục khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 2 - 4 sao tại thị trấn Sa Pa.

 

Phương tiện vận chuyển hành khách đến Sa Pa tăng nhanh. Năm 2000 có khoảng 10 đầu xe thì nay có hàng trăm xe tắc xi, xe con chở khách 7 – 24 chỗ ngồi đến xe cao cấp có giường nằm chạy tuyến Sa Pa – Hà Nội và ngược lại, rất thuận tiện cho khách đến với Sa Pa.

 

Huyện quan tâm đúng mức việc thành lập các công ty, chi nhánh du lịch để tổ chức và quản lý các hoạt động du lịch có hiệu quả. Năm 2000 Công ty du lịch tỉnh quản lý trực tiếp các hoạt động du lịch của Sa Pa thì nay đã có 18 công ty, chi nhánh, văn phòng đại diện đủ điều kiện kinh doanh lữ hành, trong đó có một đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế, 17 đơn vị kinh doanh lữ hành nội địa. Đã có 240 hướng dẫn viên, trong đó 95 hướng dẫn viên là người dân tộc thiểu số được bồi dưỡng nghiệp vụ.

 

Số lao động làm việc trong các cơ sở lưu trú tăng nhanh, năm 2001 có 364 người, năm 2005 là 700 người, năm 2009 có hàng nghìn người, những người lao động trong các cơ sở lưu trú du du lịch đều có thu nhập khá.

 

Năm 2009 đã có 405.000 lượt khách đến Sa Pa, tăng 21% so với 2008, bằng 90% kế hoạch đề ra; khách đi thăm quan ở các làng bản có 10.408 đoàn với 50.629 lượt khách. Đây là một kênh tạo ra việc làm và thu nhập cho nông dân ở các xã phát triển du lịch làng bản, du lịch cộng đồng.

 

Năm 2010 được dự báo là năm phục hồi của nền kinh tế trong nước và thế giới. Đây cũng là cơ hội để Sa Pa tiếp tục đẩy mạnh, khai thác có hiệu quả kinh tế du lịch. Nắm bắt cơ hội, huyện đã đề ra những giải pháp lớn như: Tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực du lịch, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; thu hút vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch; chú trọng phát triển du lịch làng bản, du lịch cộng đồng; mở hội thảo phát triển du lịch bền vững tại huyện, mở lớp đào tạo du lịch cộng đồng cho cơ sở…

 

Hy vọng 2010 sẽ là năm gặt hái những thành công lớn đối với du lịch Sa Pa.

Nguồn: CTV

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT