Tin tức - Sự kiện

Hát xoan – Di sản văn hoá cần bảo tồn

Cập nhật: 18/01/2010 08:01:11
Số lần đọc: 1720
Hát xoan là một loại dân ca độc đáo, tồn tại lâu đời của tỉnh Phú Thọ, nằm trong kho tàng văn học dân gian giàu có của Việt Nam.

Tại Phú Thọ, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức hội thảo khoa học quốc tế về “Hát xoan Phú Thọ”. Tới dự hội thảo có ông Trần Chiến Thắng- Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; ông Nguyễn Doãn Khánh- Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ cùng gần 50 nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong nước và quốc tế.

 

Phú Thọ là vùng đất gốc, nơi phát tích hát Xoan. Nơi đây vẫn còn lại  4 phường Xoan của 2 xã Kim Đức, Phượng Lâu thuộc thành phố Việt Trì. Hát Xoan là loại hình dân ca nghi lễ phong tục, ca hát tế thần tại cửa Đình láng gắn với lễ tế Thành hoàng. Đây không chỉ là ca hát dân gian, là thanh nhạc mà còn là một hình thức nghệ thuật diễn xướng, có hát đi đôi với múa và đậm yếu tố sân khấu dân gian.

 

Theo ông Đỗ Doãn Khánh, chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, việc tổ chức hội thảo quốc tế về hoát xoan lần này có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng và người dân trong việc gìn giữ không gian văn hoá hát xoan truyền thống. Ông Đỗ Doãn Khánh cho biết: “Đây là sự kiện văn hoá có ý nghĩa quan trọng trong lộ trình tôn vinh văn hoá phi vật thể hát xoan Phú Thọ. Đây cũng là bước xác định cho việc hoàn chỉnh hồ sơ trình UNESCO công nhận hát xoan Phú Thọ trở thành di sản văn hoá cần được bảo vệ khẩn cấp. Nghệ thuật âm nhạc cũng như trang phục của hát xoan rất độc đáo, cùng với các loại hình phi vật thể khác đã tạo nên không gian văn hoá xoan độc đáo. Thông qua hội thảo này nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng nhằm bảo vệ không gian văn hoá phi vật thể nói chung và không gian văn hoá xoan nói riêng”.

 

Một đặc điểm tạo nên sự khác biệt của hát Xoan trong đình đám lễ hội là toàn bộ các dân ca nghi lễ miền Bắc đều chỉ hát ở đình làng mình. Các nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng hiện nay có từ 18 đến 21 ngôi đình còn lưu giữ lại hoạt động hát xoan truyền thống. Có nhiều điểm tương đồng giữa hát xoan với ca trù, hát đúm, si… thông qua cách gọi những người, trang phục và nhạc cụ đi kèm. Tiến sĩ Lê Văn Toàn, Viện trưởng Viện âm nhạc Việt Nam cho rằng việc nghiên cứu sâu hơn về hát xoan đưa ra những biện pháp bảo vệ kịp thời là việc làm cần thiết và cần nhận được sự quan tâm đồng bộ: “Khi mục tiêu hát xoan trình UNESCO đang được thực hiện thì việc này cần sự quan tâm của nhà nước, các nhà khoa học trong và ngoài nước dành cho hát xoan Phú Thọ, một trong loại hình âm nhạc cổ, trở thành di sản văn hoá cần được bảo vệ khẩn cấp với tinh thần đồng thuận cao nhất của cộng đồng xã hội”.

 

Các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước cũng nêu ra thực trạng về những nghệ nhân có khả năng truyền khẩu lại hát xoan nay đều đã cao tuổi, việc mai một nghệ thuật này là điều hoàn toàn có thể xảy ra nếu chúng ta không có những biện pháp bảo vệ kịp thời.

 

Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đánh giá rất cao những nỗ lực mà tỉnh Phú Thọ nói chung và ngành văn hoá địa phương nói riêng trong việc bảo tồn văn hoá hát xoan truyền thống như ý kiến của Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, ông Trần Chiến Thắng: “Kết quả của công việc này đã góp phần làm cho quần chúng nhân dân và cộng đồng hiểu rõ hơn về loại hình hát xoan và thấy nó xứng đáng trở thành di sản của nhân loại, với tinh thần trách nhiệm hi vọng chúng ta sẽ làm được điều đó”.

 

Trên con đường xây dựng và phát huy một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, chúng ta luôn tìm cách tiến hành đồng bộ các nhiệm vụ bảo tồn, phát huy và phát triển nền tảng và những yếu tố tinh tuý của văn hoá truyền thống dân tộc, đồng thời biết cách tuyên truyền, quảng bá những giá trị đó cho đồng bào trong nước và quốc tế. UNESCO đã công nhận không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên, nhã nhạc cung đình Huế, quan họ Bắc Ninh và ca trù là di sản văn hoá phi vật thể. Đó không đơn thuần là vấn đề ngoại giao mà là sự thừa nhận những giá trị văn hoá truyền thống của Việt Nam trên trường quốc tế. Việc tôn vinh hát xoan và đưa hồ sơ hát xoan thành di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ cũng là hướng tới mục tiêu đó./.

Nguồn: VOV

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT