Tin tức - Sự kiện

Thổ cẩm người Thái (Hòa Bình) – Cần được giữ gìn và phát triển

Cập nhật: 25/12/2009 08:12:55
Số lần đọc: 2166
Thổ cẩm của người Thái ở huyện Mai Châu là nét văn hoá truyền thống có từ lâu đời. Những tấm chăn, thảm vải, bộ trang phục mang nét đặc trưng riêng và trở thành một kho tàng văn hóa trong mỗi gia đình người Thái. Tuy nhiên, “kho tàng” này đang có chiều hướng bị mai một do ảnh hưởng của thương mại hóa.

Đã từ lâu, hình ảnh của các cô gái Thái xinh đẹp miệt mài bên khung cửi, dịu dàng trong lách cách tiếng thoi đưa, rộn rã vui tai khiến du khách trong và ngoài nước mê mẩn tâm hồn. Hình ảnh đó cũng đã trở thành biểu tượng văn hoá sống động của vùng đất du lịch Mai Châu.

 

Để dệt được một tấm vải thổ cẩm đúng quy trình, người thợ phải dùng những nguyên liệu tự mình tạo nên từ trồng dâu, nuôi tằm và cây bông. Với hai nguyên liệu chính này, họ dệt thành những tấm vải với những hoa văn hết sức đa dạng, phong phú.

 

Không những vậy, sản phẩm thổ cẩm còn thể hiện cả tính cách và tuổi tác con người. Với những cô gái Thái đang yêu thì không thể giấu nổi tình cảm của mình bằng những gam màu sáng chủ đạo. Còn những người phụ nữ lớn tuổi thì thiên về những gam màu trầm, mát dịu về những đường nét rắn rỏi mang đậm suy tư.

 

Nhưng nói đến hồn cốt của thổ cẩm nơi đây phải nói đến cách nhuộm vải truyền thống của người Thái. Họ nhuộm bằng màu mực của các loại cây rừng với nhiều loại sắc màu khác nhau. Những đường nét, màu sắc hoa văn thể hiện trên trang phục đều mang ý nghĩa khác nhau theo quan niệm của người Thái.

 

Màu đen biểu hiện cho đất đai, cho sự nảy mầm từ mặt đất. Màu xanh biểu hiện cho màu da trời. Màu đỏ biểu hiện cho màu của lửa, của máu, tượng trưng cho sức sống, sự vươn lên, niềm đam mê, tình yêu và khát vọng. Màu vàng biểu hiện cho ánh sáng mặt trời, sự kết hợp hài hòa giữa con người và tự nhiên…

 

Đến với những bản người Thái ở huyện Mai Châu, nhiều mặt hàng thổ cẩm rực rỡ sắc màu, đa dạng về mẫu mã, chủng loại được bày bán các lối đi, dưới chân cầu thang nhà sàn. Nhưng trên thực tế, hầu hết thổ cẩm được bày bán hiện nay tại các điểm du lịch nơi đây không còn giữ được bản chất thuần túy của nó. Theo ông Hà Công Tím, Trưởng bản Lác, những sản phẩm thổ cẩm được bầy bán cho khách du lịch hiện nay đa phần đều là nguyên liệu pha li nông được nhập từ dưới xuôi lên. Việc trồng bông dệt vải ở Mai Châu giờ rất hiếm thấy, lại càng khó tìm hơn việc bà con sử dụng cách nhuộm màu truyền thống .

 

Theo người dân cho biết, trước đây, để dệt một tấm thổ cẩm, người ta phải mất nhiều tháng trồng bông, trồng dâu rồi sau nhiều công đoạn mới xe được sợi vải để dệt nên tấm thổ cẩm truyền thống. Do mất nhiều thời gian như vậy, nên hiện nay, mọi người hầu như không trồng bông, trồng dâu để dệt vải nữa. Những tấm vải thổ cẩm truyền thống của các dân tộc Mai Châu đa phần được dệt từ những sợi tổng hợp qua xử lý mang từ dưới xuôi lên. Đây chính là nguyên nhân làm cho dệt thổ cẩm ở Mai Châu trở nên mai một, không giữ được hồn cốt như vốn có.

 

Qua trao đổi với những nghệ nhân, cái khó và cũng là trăn trở cho nghề dệt thổ cẩm Mai Châu chính là cơ chế thị trường đã tác động tiêu cực đến nhiều nghề truyền thống. Đó chính là công lao động, một sản phẩm thổ cẩm thực chất của người Thái làm ra có giá cao hơn rất nhiều so với mẫu mã cùng loại nhưng mang từ dưới xuôi lên. Lợi nhuận từ mặt hàng “giả Thái” này khá cao nên đại đa phần người bán hàng không đề cao giá trị của thổ cẩm chính thống đối với du khách.

 

Mặt khác, cũng theo ông Hà Công Tím, do quỹ đất trồng cây bông, cây dâu, nuôi tằm ở Mai Châu quá chật hẹp, không đủ đáp ứng nguyên liệu. Chính vì vậy, người dân Mai Châu cũng phải về tận Thanh hoá, Sơn La để tìm mua nguyên liệu. Đây cũng là trăn trở rất lớn đối với người dân có tâm huyết với việc gìn giữ và phát triển nghề thổ cẩm của người Thái Mai Châu.

 

Ngoài ra, điều quan trọng nhất là cách nhuộm màu từ cây rừng cho sợi thổ cẩm Thái Mai Châu cũng đang dần bị quên lãng. Cả bản Lác hiện nay cũng chỉ còn từ 2 đến 3 người biết nhuộm màu nhưng tuổi cũng đã khá cao. Trong khi đó, nhuộm màu cho thổ cẩm là một bí quyết gia truyền, nhưng hiện nay tầng lớp trẻ cũng chẳng mấy quan tâm đến. Theo ông Tím, sự mai một của một nghề dệt truyền thống của đồng bào dân tộc Thái ở Mai Châu hiện giờ đã đến lúc báo động. Cho dù có một số dựa án khôi phục nghề dệt đã được triển khai nhưng thực sự chưa tìm được hướng giải quyết tận gốc rễ vấn đề này.

Nguồn: Báo Hoà Bình

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT