Tin tức - Sự kiện

Giao lưu âm nhạc truyền thống Việt Nam-Thụy Điển

Cập nhật: 30/10/2009 15:39:11
Số lần đọc: 2451
Chương trình giao lưu âm nhạc truyền thống Việt Nam-Thụy Điển sẽ diễn ra từ 6-8/11/2009 tại Hà Nội do Viện âm nhạc thuộc Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam tổ chức.

Các nghệ sỹ Thụy Điển, các nghệ sỹ của Học Viện âm nhạc quốc gia Việt Nam và nghệ nhân dân gian các dân tộc của Việt Nam sẽ cùng biểu diễn trong chương trình này. Đây là hoạt động thiết thực nhằm giới thiệu, quảng bá các nền văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam.

Tối ngày 6/11/2009 sẽ diễn ra chương trình hòa nhạc giao lưu giữa nghệ sỹ Thụy Điển, nghệ sỹ Việt Nam và nghệ nhân tài tử Ca Mau tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình gồm có các tiết mục hòa tấu cồng chiêng, kèn kvôh của dân tộc Xơ đăng, độc tấu nhạc cụ đinh puốt của dân tộc Ê đê, múa xòe khăn của dân tộc Thái, sáo Mông, đàn trưng - đinh pâng của dân tộc Gia rai, đàn goong của dân tộc Ba na, kèn sanarai, trống ghi năng của dân tộc Chăm... cùng với các tiết mục vọng cổ, hát then, đàn tính, ca trù.

Ngày 7-8/11/2009, chương trình sẽ diễn ra trên 4 sân khấu tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam với chương trình nghệ thuật dân gian đặc sắc của các vùng miền khác nhau.

Tại cuộc họp báo giới thiệu chương trình diễn ra ngày 30/10/2009 tại Hà Nội, Ban  tổ chức cho biết chương trình giao lưu âm nhạc Việt Nam-Thụy Điển lần này được tổ chức theo hình thức không gian mở, với những hòa tấu, độc tấu và cả biến tấu ngẫu hứng giữa các nhóm nhạc sẽ tạo nên những tiết mục thú vị, đồng thời giúp người diễn, khán giả giao lưu cởi mở hơn.

Chương trình này là một phần thành quả của dự án "Hỗ trợ văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững do Quỹ Sida" (Thụy Điển) hỗ trợ Viện Âm nhạc thực hiện trong 5 năm qua. Dự án này hướng tới mục đích bảo tồn, phát huy, phát triển hiệu quả nền văn hóa nghệ thuật truyền thống các dân tộc.

Trong 5 năm (2005-2009), Viện Âm nhạc đã thực hiện dự án tại 18 tỉnh, thành phố với các hoạt động chủ yếu là khảo sát, sưu tầm, thu thanh, ghi hình các loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của các dân tộc ở địa phương đồng thời tập huấn nâng cao nghiệp vụ sưu tầm, điền dã cho cán bộ địa phương.

Trên cơ sở khảo sát, sưu tầm, Viện sản xuất chương trình chọn lọc các tiết mục đặc sắc nhất nhằm truyền bá rộng rãi tinh hoa nghệ thuật truyền thống Việt Nam đến khán giả. Phần đặc biệt nhất của dự án là đã tổ chức được các lớp truyền dạy nghệ thuật dân gian truyền thống cho thế hệ trẻ...

Nguồn: website Vietnamplus

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT