Non nước Việt Nam

Đón Tết cổ truyền Sa-uôn-kô Kha-muôn với đồng bào dân tộc Tà Mun (Tây Ninh)

Cập nhật: 21/10/2009 09:40:12
Số lần đọc: 2671
Nhân dịp Tết cổ truyền Sa-uôn-kô Kha-muôn của đồng bào dân tộc Tà Mun, sáng 19/10/2009, ông Phan Văn Thái - Phó Chủ tịch UB. MTTQVN tỉnh Tây Ninh cùng đại diện các ban, ngành đã đến thăm và cùng đón Tết với bà con Tà Mun ở hai xã Tân Bình và Thạnh Tân.

Tại lễ đón Tết cổ truyền này, UB. MTTQVN tỉnh Tây Ninh đã tặng quà cho đồng bào Tà Mun. Nhân dịp này, UBND thị xã cùng các ban, ngành, đoàn thể cũng gởi tặng nhiều phần quà cho bà con đón Tết.
Tết Sa-uôn-kô Kha-môn, tết cổ truyền của dân tộc Tà Mun hay còn gọi là Lễ cúng cơm mới, diễn ra vào cuối tháng tám, đầu tháng chín âm lịch. Tục này có nhiều nét giống với Tết Nguyên đán, tết cổ truyền của dân tộc Việt diễn ra vào thời điểm sau khi thu hoạch vụ lúa mùa. Bà con dân tộc Tà-mun thuở còn sống du canh, du cư có 2 loại giống lúa hết sức độc đáo tên gọi T’rô và Sau-sơ-ra. Đây là các giống lúa rẫy, nay đã mất giống, có thời gian sinh trưởng từ đầu mùa mưa đến cuối tháng tám âm lịch thì chín rộ. Độc đáo ở chỗ là khi lúa mới chín vàng mơ, bà con đã kéo nhau ra rẫy để thu hoạch, bởi nếu để lúa chín tới thóc sẽ rụng hết. Họ đeo gùi trên lưng, dùng tay tuốt từng bông lúa bỏ vào gùi, mang về nhà chứa vào củi, vào bồ. Một nét độc đáo khác là khi nấu cơm, họ mang lúa ra luộc cho chín rồi mới mang ra phơi cho khô, sau đó mới dùng chày giả thành gạo, cơm mới dẻo và ngon. Sau khi thu hoạch xong, họ tổ chức cúng thần linh đã phù hộ cho mưa thuận gió hoà để họ được một mùa vụ bội thu gọi là lễ rước nước. Bởi họ quan niệm nhờ nước trời mưa lúa mới sinh trưởng tốt tươi. Họ dùng chính lúa mới thu hoạch làm lễ cúng nên còn gọi là lễ cúng cơm mới. Theo tập tục, mọi người cùng mặc áo váy mới, cùng đóng góp lúa nếp, heo, gà, vịt … cho làng để tổ chức cúng ông bà chung vào đêm cuối tháng tám, sau đó mới trở về nhà cúng rước ông bà riêng của từng nhà. Các ngày mùng một, mùng hai, mùng ba tháng chín âm lịch, sáng sớm họ cúng ông bà rồi mới đi chúc thọ lẫn nhau, rồi cùng nhảy múa, ca hát... Phụ nữ thì sặc sỡ trong các bộ áo váy, trẻ con thì xúng xính áo quần đủ kiểu dáng riêng của dân tộc, đàn ông cũng đóng khố, áo cộc tay nhiều màu sắc. Riêng trong lễ hội cúng cơm mới, sáng sớm ngày cuối tháng tám, bà con tập trung tại nhà già làng cùng kết các cành cây trái và những nhánh hoa tươi do chính họ trồng trong vườn nhà thành một cây hoa trái lớn. Hai cô gái mặc áo váy mới, sặc sỡ cùng khiêng cây hoa trái đi trước, mọi người vừa mang lễ vật, vừa múa hát kéo thành đoàn đi phía sau, gọi là lễ rước bóng, đến cây cổ thụ lớn nhất trong làng bày ra cúng. Tập tục này phát xuất từ quan niệm tổ tiên, ông bà sau khi chết đi không ở trong nhà mà ở lẫn khuất trên những tàng cây cổ thụ để trông nom vườn tược, hoa màu giúp con cháu, nên họ tổ chức cúng ông bà dưới bóng cây cổ thụ lớn nhất trong làng. Sau khi già làng làm các thủ tục cúng vái, mọi người cùng xúm quanh dưới bóng cây tiếp tục múa hát cho đến nửa đêm dưới ánh lửa bập bùng. Ngày nay hai tập tục này cũng không được bà con giữ lại. Hiện nay việc bảo tồn truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc Tà Mun đang hết sức cấp thiết và rất cần sự quan tâm của các ban ngành cơ sở tỉnh Tây Ninh.

Nguồn: Website Tây Ninh

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT