Tin tức - Sự kiện

Gia Lai sẵn sàng cho Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009

Cập nhật: 21/09/2009 14:30:49
Số lần đọc: 1445
Chưa đầy hai tháng nữa là Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009 tại Gia Lai sẽ chính thức diễn ra. Đến Gia Lai những ngày này, công tác chuẩn bị tổ chức Festival như biến mảnh đất nơi đây thành một “công trường” với không khí tấp nập, rộn ràng.

Lên khung cho ngày hội lớn

Một trong những công tác tổ chức đáng được nhìn nhận đầu tiên là việc thống nhất tên gọi cho ngày hội lớn của Cồng chiêng Tây Nguyên lần này. Sau nhiều lần “nâng lên đặt xuống” giữa nhiều tên gọi, sau khi tham khảo ý kiến, góp ý, tư vấn, hỗ trợ của nhiều ban ngành và các nhà nghiên cứu văn hóa... Festival đã có tên gọi chính thức là: “Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009 tại Gia Lai”. Với tên gọi đó, Ban tổ chức Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009 tại Gia Lai hy vọng sẽ có được sự đồng thuận, hưởng ứng tham gia Festival của 33 tỉnh, thành phố có cồng chiêng trên cả nước.

Bên cạnh đó, ngày 3/9/2009, UBND tỉnh Gia Lai cũng đã ban hành Kế hoạch tổng thể về Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009 tại Gia Lai. Theo đó, khác với kế hoạch được công bố trong cuộc họp báo được tổ chức tại Hà Nội và TP. HCM trước đó, dự kiến Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009 tại Gia Lai từ 12 đến 15/11/2009 sẽ có 15 hoạt động chính. Ngoài lễ Khai mạc và Bế mạc được tổ chức tại Quảng trường 17-3 TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, Festival còn có nhiều hoạt động đáng chú ý khác như: Trình diễn cồng chiêng từ 13 – 15/11/2009 tại Quảng trường 17-3, công viên Đồng Xanh...; Phục dựng Lễ đâm trâu mừng chiến thắng tại Khu du lịch sinh thái và lễ hội Về nguồn ngày 14/11/2009; Trình diễn chỉnh chiêng từ 14 – 15/11/2009 tại Công viên Diên Hồng; Triển lãm ảnh các học giả Pháp trước 1954 về “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên từ 5 – 15/11/2009 tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam – Hà Nội... Ông Phan Xuân Vũ - Giám đốc Sở VH, TT&DL tỉnh Gia Lai cho biết thêm, khung chương trình, hoạt động của Festival được lên kế hoạch một cách tổng thể từ rất sớm như vậy nhưng cũng không loại trừ khả năng sẽ có những chỉnh sửa, thay đổi nhất định cho đến cận kề ngày khai mạc Festival.

Những ghi nhận ban đầu

Mặc dù còn gần hai tháng nữa mới đến ngày chính thức khai mạc Festival nhưng từ lâu, công tác quảng bá, tuyên truyền cho Festival đã làm rộn ràng phố núi. Ngay trên phòng chờ sân bay, anh Nguyễn Thái Hòa – Giám đốc Công ty cảng hàng không Pleiku cho biết: “Bình thường, cảng hàng không Pleiku có thể tiếp nhận 300 khách/ 1 ngày. Dự kiến đến dịp Festival lượng khách sẽ tăng khoảng gấp đôi nên chúng tôi đã phải chuẩn bị phương án tiếp nhận các chuyến bay giãn ra, tránh dồn máy bay. Vì thế, ngay từ bây giờ cán bộ, công nhân viên của cảng hàng không Pleiku cũng phải được tuyên truyền, quảng bá để chuẩn bị tinh thần phục vụ Festival tốt nhất”. Được biết, để chuẩn bị cho Festival Tổng công ty Hàng không Việt Nam đang chuẩn bị đưa đường bay thẳng HN – Pleiku vào hoạt động. Một hệ thống đèn tín hiệu cho đường bay đã được lắp mới với tổng kinh phí đầu tư lên tới 17 tỉ đồng cũng sắp hoàn thiện, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trước 15/10/2009.

 

Phục dựng Lễ Pơthi (bỏ mả)


Theo ước tính của Ban tổ chức, lượng khách tới dự các hoạt động Festival sẽ khoảng 30.000 người. Hiện Công ty cổ phần Văn hóa – du lịch Gia Lai và Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch Gia Lai cũng đã chuẩn bị nhiều tour du lịch khác nhau như: tour Một thoáng Pleiku khám phá vẻ đẹp Biển Hồ, tham quan đồi chè Biển Hồ, chùa Bửu Minh, nhà lao Pleiku, Học viện bóng đá Arsenal JMG Hoàng Anh Gia Lai...; tour tham quan nhà máy thủy điện Ia Ly và tìm hiểu sự tích Vua Lửa; tour Du lịch về nguồn, tour Trekking...

Ông Phan Xuân Vũ cho biết, nếu khách du lịch không tăng đột biến thì với các khách sạn và nhà nghỉ hiện có ở tỉnh, huy động cả các nhà khách của các ban ngành trong tỉnh, Gia Lai hoàn toàn có thể đáp ứng lượng khách du lịch như dự tính.

Đáng ghi nhận là không khí hồ hởi, náo nức chuẩn bị Festival đã lan tỏa đến nhiều nơi trong tỉnh. Tại xã Ia Mơ nông – huyện Chư Păh, khi chúng tôi đến thăm Đội cồng chiêng dân tộc Gia rai làng Mơ rông Yố, cả đội đang ngồi quây quần bên nghệ nhân Rơ Chăm Vêk chỉnh chiêng để chuẩn bị cho Festival. Những chiếc chiêng quý nhất mà người dân nơi đây còn lưu giữ cũng được đem ra chỉnh lại để chuẩn bị cho ngày hội lớn của cồng chiêng Tây Nguyên. Trước nhà rông văn hóa của làng, các nam thanh nữ tú tập luyện khá say mê, hứng thú... Tất cả dường như đã sẵn sàng cho ngày hội lớn để cồng chiêng Tây Nguyên một lần nữa vọng vang đầy kiêu hãnh trong Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009 tại Gia Lai.

Nguồn: Báo VH

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT