Tin tức - Sự kiện

Sẵn sàng cho Festival cồng chiêng quốc tế lần đầu được tổ chức tại Việt Nam

Cập nhật: 10/09/2009 08:09:35
Số lần đọc: 2009
Lần đầu tiên Festival cồng chiêng quốc tế được tổ chức tại Việt Nam, ngay sau khi UNESCO công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là Di sản văn hóa thế giới, nên Festival sẽ là sự kiện mang ý nghĩa chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của các tỉnh Tây Nguyên nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), NSND Lê Tiến Thọ, đã chính thức phê duyệt kịch bản lễ khai mạc và bế mạc Festival cồng chiêng quốc tế Gia Lai với tên gọi "Cồng chiêng Tây Nguyên và thông điệp đoàn kết các dân tộc".

 

Đây là lần đầu tiên Festival cồng chiêng quốc tế được tổ chức tại Việt Nam, ngay sau khi UNESCO công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là Di sản văn hóa thế giới, nên Festival sẽ là sự kiện mang ý nghĩa chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của các tỉnh Tây Nguyên nói riêng và của Việt Nam nói chung. NSND Lê Tiến Thọ sẽ là Tổng đạo diễn của chương trình và phần âm nhạc sẽ không thể thiếu đại diện tiêu biểu là nhạc sĩ Nguyễn Cường.

 

Đại diện Sở VH,TT&DL Gia Lai, đơn vị tổ chức lễ hội cho biết: Lễ khai mạc sẽ diễn ra vào 20h ngày 12/11/2009 và được Đài Truyền hình Việt Nam tường thuật trực tiếp. Lễ hội sẽ mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống với âm điệu chủ đạo là cồng chiêng Tây Nguyên, kết hợp với ca múa nhạc và những trang sử thi chứa đầy huyền thoại.

 

Mỗi tiết mục đều nhằm lột tả những dấu mốc đáng tự hào của đất và người Tây Nguyên. Festival cồng chiêng quốc tế lần đầu tổ chức tại Việt Nam sẽ hội tụ nhiều loại hình biểu diễn sân khấu cũng như có số lượng diễn viên đông đảo tham gia. Nhằm tạo một không gian hoành tráng và ấn tượng, chương trình sẽ mang đến các trang phục, vũ đạo mới mẻ, truyền thống nhưng cũng rất hiện đại, đồng thời với việc sử dụng các công nghệ cao về bắn pháo, sử dụng lửa và hỏa tiễn...

 

Lễ khai mạc chắc chắn sẽ sôi động với sự tham gia của hơn 1.000 diễn viên và âm thanh rộn ràng của trên 1.000 chiếc chiêng các loại, xếp thành vòng xếp "chiêng hoa" gồm 9 lớp. Những người con tài hoa của đại ngàn Tây Nguyên không thể vắng mặt trong lễ hội văn hóa lớn này.

 

Ca sĩ Y Moan xuất hiện ngay trong màn mở đầu với âm hưởng hùng tráng mà quyến rũ của ca khúc "Đến với cao nguyên" cùng với 450 diễn viên các dân tộc Eđê, Kho, Churu, Mnông, Xê-đăng, Rơmăm múa phụ họa, tạo nên hình ảnh rực rỡ, tượng trưng cho những thác nước, chùm pơlang đậm chất cao nguyên. Ca sĩ Siu Black sẽ xuất hiện một cách độc đáo trên chiếc xe ngựa để mang đến ca khúc "Đôi mắt Pleiku" nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Cường cùng trên 300 diễn viên múa phụ họa.

 

Một đặc trưng văn hóa Tây Nguyên còn là hình ảnh Già làng và nhà Rông cũng sẽ xuất hiện với tiếng tù và vang vọng, tiếng cồng chiêng rộn rã, báo hiệu ngày hội săn bắn, hái lượm tưng bừng.

 

Khán giả sẽ được thưởng thức những lễ hội cao nguyên đầy phóng khoáng của lễ hội đâm trâu, lễ hội đua voi, lễ mừng cơm mới, bên những vò rượu cần, giữa âm thanh đặc sắc của các bản tấu chiêng. Đặc biệt, 11 chú voi Tây Nguyên sẽ xuất hiện và chở các du khách trong nước và quốc tế giao lưu với khán giả. Cũng trong lễ khai mạc, các tiết mục cồng chiêng đặc sắc nhất của các buôn làng Tây Nguyên và của các nước tham dự lễ hội sẽ cùng góp mặt, tạo nên nét độc đáo có một không hai của Festival này.

 

Lễ bế mạc Festival cồng chiêng quốc tế cũng sẽ hoành tráng tương xứng lễ khai mạc với sự tham gia của khoảng 2.000 diễn viên trong các tiết mục mang tính nghệ thuật cao, khắc họa đậm nét về con người cũng như bản sắc văn hóa và thiên nhiên trong không gian văn hóa cồng chiêng.

 

Lễ bế mạc sẽ là đêm tụ hội của các ngôi sao ca nhạc, đặc biệt là những giọng hát bốc lửa trong nhạc rock Tây Nguyên. Các diễn viên múa chuyên nghiệp của Đoàn ca múa Đam San và TP HCM sẽ thể hiện những màn múa sôi động diễn tả sức sống đang căng tràn trên vùng đất bazan ngút ngàn nắng gió giữa những ca từ lãng mạn của "Vòng tay Đam San".

 

Cùng với những khúc biến tấu trong âm thanh, nét văn hóa độc đáo của người Tây Nguyên là trang phục rực rỡ, chiếc gùi trên lưng thiếu nữ cũng được xuất hiện trong đêm bế mạc. Các đoàn cồng chiêng của các quốc gia trong khu vực như Lào, Thái Lan, Malaysia vv… sẽ mang về đây một không gian lễ hội lớn với tiếng chiêng, chiêng đủ loại, đủ cỡ, từ những chiếc chiêng cổ nhất tới dàn cồng chiêng mới ra đời. Tất cả, tạo nên những giai điệu rộn rã trong mối đồng cảm thân ái và hữu nghị, khẳng định vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào Tây Nguyên.

 

Đại diện của Công ty Sơn Lâm, đơn vị tổ chức sự kiện quan trọng này cho biết: Với các đoàn cồng chiêng hùng hậu và đặc sắc, nhất là trong phần biểu diễn nghệ thuật đường phố sẽ huy động 1.300 nghệ nhân đến từ các tỉnh Tây Nguyên trình diễn, lễ bế mạc sẽ khép lại một kỳ Festival mang đậm văn hóa truyền thống, song sẽ mở ra một trang mới cho thương hiệu Festival cồng chiêng Tây Nguyên, mở ra một hành trình mới cho sức sống Tây Nguyên.

Nguồn: Cinet

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT