Non nước Việt Nam

Nấu cơm thi: Một văn hóa đặc sắc của cư dân lúa nước

Cập nhật: 27/08/2009 09:31:58
Số lần đọc: 3164
Với người Việt Nam từ ngàn xưa việc nấu cơm là việc thường ngày vừa quen thuộc, tự nhiên vừa vui tươi, hấp dẫn. Bà truyền cho mẹ, mẹ truyền cho con cái, với lời khuyên nhớ giữ lửa ấm trong nhà, nấu canh, thổi cơm sao cho ngon ngọt. Bởi vậy việc nấu nồi cơm ngon được người dân đặc biệt coi trọng. Người ta vẫn thường hay chê người phụ nữ vụng về để nhắc nhở mọi người:

Sượng bùi, nhão dẻo, khê thơm

Đố ai nấu được nồi cơm lắm mùi!

 

Tác giả của những nồi cơm ngon thường là những bà mẹ giàu kinh nghiệm hiểu được đặc tính của từng loại gạo mà ước lượng cho nước ít hay nhiều, khi nào đun lửa to, lửa nhỏ. Nồi cơm ngon bao giờ cũng được ngợi khen.

 

Do coi trọng cơm, ví cơm là “ngọc thực” nên từ ngàn xưa việc nấu cơm đã được tổ chức thành cuộc thi tài trước đông đảo công  chúng, trở thành hoạt động vui chơi chính của cư dân trồng lúa nước hết sức thú vị và hấp dẫn và cho đến ngày nay vẫn được duy trì.

 

Trò nấu cơm thi thường được tổ chức ở các lễ hội, trở thành khá phổ biến trong lễ hội ở nhiều làng quê Việt Nam, như là một màn trình diễn không thể thiếu được. Cuộc thi được thi theo đơn vị làng (nếu là xã tổ chức), theo đơn vị xã (nếu là tổng tổ chức). Hội nấu cơm thi của làng thường chia làm hai phe  (hai đội). Mỗi đội thường có 4 người: hai nam, hai nữ. Nam ăn mặc áo nâu quần thụng, nữ mặc áo yếm đào mớ ba mớ bảy. Trọng tài của cuộc thi thường là các bậc hương hào lý trưởng trong làng.

 

Trò vui thường diễn ra nơi sân đình của làng, hoặc trên một bãi đất rộng, người đến xem đứng vây quanh bốn mặt. Ở những làng có đầm nước rộng hoặc có sông ngòi thì cuộc thi được tổ chức một cách sáng tạo, người thi phải thổi cơm trên thuyền thúng, hay thuyền nan, họ nấu cơm trong một không gian vừa nhỏ, phải thật khéo để che gió thổi tứ bề, lại phải nhẹ nhàng để thuyền khỏi tròng trành, bập bềnh dễ đổ bếp, tắt lửa.

 

Để cuộc thi có kết quả tốt, trước khi bắt đầu mỗi đội được trọng tài cho khoảng 30 phút để chuẩn bị. Đội thi được nhận nồi, nhận gạo và một vò nước. Củi đun thường là một cây tre tươi hoặc một bó mía (loại mía cây trắng thân dài). Các thành viên lao vào chuẩn bị với một không khí háo hức, khẩn trương quyết tâm để giành phần thắng. Nữ thì vo gạo rửa nồi, lường nước cho vừa. Nam  chặt tre chẻ đóm (nếu là tre) hoặc  róc tấm nhai cho kỳ hết nước để lấy bã (nếu là mía):

 

- Vừa ăn vừa nấu mới hay

Thuở xưa nuôi mẹ nuôi thày làm sao.

- Vừa ăn vừa nấu mới tài

Tay chẻ tay nấu miệng nhai

                             nhồm nhoàm.

            (Ca dao)

    Hiệu lệnh cuộc thi thường dùng trống: Có ba lần điểm trống.

 

    Trống lệnh bắt đầu cuộc thi: Người dự thi được phép bắc bếp tra nồi, lựa hướng sắp đặt.

 

Trống báo giờ lên lửa: Lửa của cuộc thi không có sẵn mà người thi phải làm ra lửa. Mỗi đội dự thi được phát hai hòn đá cuội hoặc một mõ lửa gồm: diêm sinh, a giao (keo da trâu), than xoan, bùi nhùi bằng tinh tre khô, và cật lạt giang. Họ phải đánh đá hoặc kéo mõ lửa để có lửa. Đây là khâu gay cấn nhất của cuộc thi cũng bởi thế nó tạo nên tính hấp dẫn đua tranh quyết liệt. Làm ra lửa không phải là chuyện dễ. Phải dày dạn kinh nghiệm, lại phải khéo léo và có sức khỏe. Kéo mõ lửa phải liên tục, nhanh tay theo tốc độ tăng dần. Có lửa rồi lại phải lo che chắn giữ cho lửa khỏi tắt giữa bốn bề trống gió.

 

Việc đun lửa được phân công cho nhau rất nhịp nhàng. Đun lửa phải hai người vừa phân công nhau nhanh lại phải vừa hợp ý nhau phòng khi người này để lửa leo lắt thì người kia tiếp chất đốt ngay hoặc giúp thổi lửa hay che chắn gió. Họ thường dùng một ống nứa dài chừng 40 cm để thổi. Bây giờ người ta thổi bằng quạt tay hoặc quạt máy. Hai người còn lại một mang bì đeo bên ngườì còn một rút củi chuyên cho người đun.

 

Gặp buổi thi trời thuận, gió lặng thì dễ. Gặp buổi trời có gió mạnh, hay mưa phùn thì thật khốn khó, phải tìm cách đun cho chóng sôi, vừa phải che mưa chắn gió để lửa cháy đều.

 

Cuộc thi ngoài đòi hỏi nhanh, khéo, khỏe, hiểu ý nhau lại còn phải kiên nhẫn. Kiên trì lấy lửa, kiên nhẫn chờ, một chút nóng ruột không có lửa hoặc “tý toáy” mở vung sẽ làm mất hơi, cơm sống,  đội bạn sẽ có cơ vượt lên.

 

Trống báo giờ kết thúc: Các đội phải dừng tay, đội nào phạm quy sẽ bị loại. Một người đại diện trong đội mang nồi cơm lên ban giám khảo. Hội đồng chấm thi bắt đầu xem xét, nồi cơm nào sống, khê, nhão đều được nhanh chóng loại trước. Những nồi cơm chín dẻo thơm ngon được chấm bằng mắt, bằng tay, không được phép nếm. Hội đồng cho ý kiến và xếp giải.

 

Giải được trao trực tiếp cho đội thi và còn có giải thưởng cho làng đã có công chọn cử tạo mọi điều kiện  để có đội thi. Giải thưởng cuộc thi không lớn hầu như chỉ là mấy vuông lụa điều kèm theo mấy quan tiền. Nhưng đội nào được giải thì vinh dự lắm, được cả làng tung hô tán thưởng. Tất cả đều tin rằng làng mình được giải sẽ may mắn làm ăn suôn sẻ, phát đạt, thịnh vượng cả năm.

 

Để hội thi hấp dẫn và thêm phần gay cấn ban tổ chức thường có một đội thi không chính thức, đó là đội thi do các chú hề đảm nhiệm. Chú hề xuất hiện trong trang phục áo xanh đỏ, quần bó túm đầu trần, chân đất, mặt vẽ nhem nhuốc hoặc đeo mặt nạ, đi vắt vẻo, ngả nghiêng, chếnh choáng như người say. Một chú quảy trên vai đôi gánh, một đầu là bếp lo, một đầu là vò nước, một chú thì chở lửa đun lò nấu cơm. Các chú hề được tự do đi lại,  lúc đi sang phải lúc lại sang trái, lúc sà vào đội này, lúc tạt sang đội khác, trêu ghẹo, thúc giục thử thách thần kinh của những người dự thi.

 

Hội nấu cơm thi là tục lệ mang ý nghĩa sinh hoạt xã hội, là trò chơi dân gian truyền thống mang rõ tính đặc trưng của cư dân nền văn minh lúa nước. Thể hiện tinh thần quý trọng “hạt gạo - hạt ngọc” trọng nghề nông, trọng người nông. Nó biểu dương những con người có tài năng gia chánh trong cuộc sống hàng ngày. Nấu cơm thi, có tác dụng dạy bảo, khuyên con người khéo léo, cần cù siêng năng, sự sáng tạo và tinh thần kiên trì, tình làng nghĩa xóm gắn kết keo sơn. Đó là nét văn hóa đặc sắc trong ẩm thực của người Việt Nam.

 

Nguồn: website báo Thanh Hoa

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT