Non nước Việt Nam

Khu di tích lịch sử Thác Dẫng (Tuyên Quang)

Cập nhật: 12/08/2009 15:08:50
Số lần đọc: 2114
Khu di tích lịch sử Thác Dẫng nằm bên bờ trái sông Phó Đáy, thuộc thôn Lập Binh, xã Bình Yên (Sơn Dương). Nơi đây, trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược là địa điểm đóng trụ sở Chủ tịch phủ, Thủ tướng phủ.

Theo tài liệu được lưu giữ tại Bảo tàng Tân Trào - ATK, giữa năm 1948, Văn phòng Chủ tịch phủ chuyển từ thôn Cả (Hồng Thái), xã Tân Trào về xóm Thác Dẫng, xã Phượng Liễn, nay là thôn Lập Binh, xã Bình Yên. Đây là một khu đồi thấp và tương đối bằng phẳng, khuất dưới tán cổ thụ; xa đường cái lớn, nằm ngay bên bờ sông Phó Đáy, vì vậy bảo đảm được các yêu cầu bí mật, an toàn. Lập Binh còn nối liền với Tân Trào, Trung Yên, Minh Thanh, những xã có phong trào cách mạng phát triển mạnh nên vừa tiện đường đi lại, liên lạc với các cơ quan Trung ương trong vùng an toàn khu; đồng thời chỉ cách lán Hang Bòng hơn 500m đường chim bay, nơi Bác Hồ ở và làm việc. Dù trong thời kỳ này, do yêu cầu của công việc cơ quan phải di chuyển tới một vài địa điểm khác, nhưng đây là địa điểm ở lâu nhất của Văn phòng Chủ tịch phủ, Thủ tướng phủ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Cuối năm 1953, do điều kiện lãnh đạo kháng chiến, Bác Hồ và Trung ương Đảng di chuyển lên Kim Quan thì Văn phòng cũng được chuyển theo.

 

Khu Văn phòng Chủ tịch phủ ban đầu có bí danh là Trung đội 555, có thời kỳ gọi là Ban thông tin Tháng Tám, sau đổi thành Ban Kiểm lâm 13. Khi đồng chí Phạm Văn Đồng được Hội đồng Chính phủ cử giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng tối cao giúp việc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh thì hợp nhất Văn phòng Chủ tịch phủ với Văn phòng Hội đồng Quốc phòng tối cao (Tiểu đội Thanh Sơn) thành Văn phòng Thủ tướng phủ (bí danh là Ban Kiểm tra 12). Thời gian ở Lập Binh, Văn phòng có nhiều bộ phận: phòng bí thư, phòng nghiên cứu, phòng thư ký Hội đồng Chính phủ, hành chính, thống kê, mật mã, y tế, giao tế, vô tuyến, các ban huấn học, kinh tế. Năm 1949, còn có 3 văn phòng đóng tại đây, là Văn phòng Chủ tịch phủ - Thủ tướng phủ, Văn phòng của đồng chí Phạm Văn Đồng và Văn phòng của Ban Thanh tra Chính phủ. Từ năm 1950, cuộc kháng chiến của dân tộc ta giành nhiều thắng lợi trên mọi mặt trận chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, vì vậy đại bản doanh của Chính phủ được củng cố và mở rộng qui mô hơn. Thời điểm đông nhất số lượng cán bộ lên đến gần 100 người. Nhà ở tuy chỉ được làm bằng những vật liệu sẵn có trong vùng: tre, nứa, gỗ, lá, nhưng chắc chắn, khang trang. Tại đây đã diễn ra những phiên họp quan trọng của Hội đồng Chính phủ, Đảng đoàn, các kỳ họp của Trung ương... đề ra những kế hoạch cụ thể, những bước đi phù hợp với từng giai đoạn mang tính quyết định đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, mà đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược là chiến thắng Điện Biên Phủ. Đặc biệt, nơi đây còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức tiếp các đoàn khách quốc tế như đồng chí Xu-va-nu-vông; La Quí Ba, Trưởng đoàn cố vấn chính trị của Trung Quốc; Lê-ô-phi-ghe, đại diện Trung ương Đảng Cộng sản Pháp... Tháng 7 năm 1951, đồng chí Hồ Tùng Mậu, Trưởng ban Thanh tra Chính phủ hy sinh trên đường đi công tác, truy điệu đồng chí tại Lập Binh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc điếu văn, trong đó có đoạn: ".Mất chú, đồng bào mất đi một người lãnh đạo tận tụy, Chính phủ mất một người cán bộ lão luyện. Đoàn thể mất một đồng chí trung thành, và tôi mất đi một người anh em chí thiết. Mấy nguồn thương tiếc cộng lại trong một lòng tôi".


Khu di tích lịch sử Lập Binh hiện nay đang được phục dựng. Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Việt Thanh cho biết, nhằm phục hồi, bảo tồn khu di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến, UBND tỉnh đã quyết định phục dựng toàn bộ Khu di tích tại địa điểm cũ, qui hoạch (ban đầu) với tổng diện tích là 8,268 ha (hiện nay được điều chỉnh còn 7,422 ha). Các di tích được phục dựng gồm: Hội trường Chủ tịch phủ, Thủ tướng phủ; Nhà làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Nhà làm việc của đồng chí Phạm Văn Đồng; Nhà làm việc của cán bộ Văn phòng; Nhà khách quốc tế; đặt bia tổng thể Khu di tích và 12 bia ghi dấu sự kiện và các công trình phụ trợ; hệ thống đường nội bộ và trồng cây xanh để tạo cảnh quan như những ngày kháng chiến.


Đến tháng 8 này, đã có 5 công trình được hoàn thành gồm: Hội trường; Nhà làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Nhà làm việc của đồng chí Phạm Văn Đồng; Nhà làm việc của cán bộ Văn phòng; Nhà khách quốc tế và kè bờ sông Phó Đáy. Những công trình này được thiết kế, xây dựng với kích thước và kiểu dáng đúng như lịch sử. Trừ dui, mè và mái lá, các vật liệu khác để dựng nhà và bàn, ghế bên trong đều bằng bêtông giả tre như di tích gốc để bảo đảm độ bền. Tuy nhiên, việc xây dựng chưa bảo đảm tiến độ. Khi khởi công (lần 2) ngày 3-7-2008, thời gian thi công được ấn định là 200 ngày phải hoàn thành và bàn giao. Nhưng đến nay, ngoài 5 công trình như đã kể trên, còn rất nhiều hạng mục khác vẫn chưa được thi công.


Ông Nguyễn Sỹ Hùng, đại diện Công ty cổ phần Xây dựng công trình văn hóa (trụ sở tại Hà Nội - đơn vị thi công) cho biết, nguyên nhân chính là do không có mặt bằng xây dựng, nên hiện phải cho công nhân và cán bộ kỹ thuật nghỉ. Tìm hiểu vấn đề này được biết, trong qui hoạch có 40 hộ gia đình có quyền lợi liên quan: nhà, ruộng, hoa màu,... trong đó 18 hộ phải di chuyển. Dù các hộ gia đình này đã nhận tiền đền bù từ tháng 1-2008, nhưng không di dời để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công vì chưa được bố trí địa điểm tái định cư. Các hộ dân cũng khiếu nại giá tiền đền bù thấp và kiểm kê thiếu hoa màu trên đất nên chưa di dời.


Tại cuộc làm việc ngày 10-8, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Văn Chiến đã nghiêm khắc phê bình những thiếu sót của các cơ quan, đơn vị liên quan; đồng thời ra chủ trương tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, chậm nhất ngày 30-10 huyện Sơn Dương phải hoàn thành việc giải phóng mặt bằng; đến 30-12-2009, chủ đầu tư và đơn vị thi công phải hoàn thành việc xây dựng công trình.

Di tích Chủ tịch phủ - Thủ tướng phủ trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ở Tuyên Quang có ý nghĩa lớn với công tác nghiên cứu khoa học về lịch sử kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc; ý nghĩa lớn lao trong việc giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ sau. Sớm hoàn thành việc phục dựng khu di tích lịch sử Thác Dẫng không chỉ là phục hồi bảo tồn một di tích lịch sử cách mạng mà còn là đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân với các thế hệ đi trước; đồng thời đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân cả nước khi về tham quan quần thể di tích cách mạng Tân Trào - ATK. Bên cạnh đó, khi công trình hoàn thành sẽ tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở vùng căn cứ cách mạng này.

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT