Non nước Việt Nam

Đôi nét về đền Đôi Cô (Tuyên Quang)

Cập nhật: 04/08/2009 09:08:42
Số lần đọc: 2649
Đền Đôi Cô, thuộc phường Nông Tiến (thị xã Tuyên Quang) thờ phụng và ngưỡng vọng cô đôi Thượng Ngàn và cô bơ Thoải Cung (con của Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải Cung).

Đền được dựng trên một gò đất cao bên dòng sông Lô. Bên phải đền là cầu Nông Tiến bắc qua sông Lô. Trước đây đền chỉ có một cung nhỏ rộng chừng 10m² và rất ít người biết đến. Năm 1990, bà Quân Thị Hoa, tổ 10, phường Nông Tiến đã xin phép tu sửa và mở rộng ngôi đền. Toàn bộ kinh phí xây dựng đền là tiền công đức của khách thập phương. Anh Nguyễn Nam Sơn, chủ khách sạn Nam Hải (Hà Nội) đã công đức 70 triệu đồng tu sửa đền Đôi Cô.

 

Đền hiện có 3 gian, ứng với 3 cung. Cung chính thờ Tam tòa Thánh Mẫu và Đôi Cô. Bộ tượng Tam toà Thánh Mẫu được đặt trong khám thờ bằng gỗ sơn son thếp vàng. Khám thờ chính giữa đặt linh tượng Mẫu Thượng Thiên - là vị Mẫu cao nhất trong Tam toà Thánh Mẫu, cũng là nơi cao nhất trong di tích. Khám thờ bên phải là Mẫu Thoải và khám thờ bên trái là Mẫu Thượng Ngàn. Bộ tượng Đôi Cô được đặt trong khám thờ bằng gỗ sơn son thếp vàng, ngay bên dưới khám thờ Tam tòa Thánh Mẫu. Cung bên trái thờ Bà Chúa Sơn trang. Theo truyền thuyết dân gian thì sắc đẹp và đức tài của Bà Chúa Sơn trang được Thượng đế phong cho là Nữ chúa rừng xanh. Trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Bà Chúa Sơn trang đã giúp triều Lý, Trần đánh thắng giặc, bảo vệ bờ cõi. Từ đó, nhân dân khắp nơi đã lập nhiều miếu, đình, đền thờ phụng Bà. Cung bên phải thờ đức Thánh Trần - Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, người hai lần có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông.

 

Ngoài ngôi đền chính ra, đền Đôi Cô còn có các đơn nguyên kiến trúc khác như am thờ Sơn thần (thần núi) và am thờ các cô. Quan Sơn thần là người trông coi vùng núi quanh khu vực đền, ngài được coi là thổ công của đền. Lầu thờ các cô là ba vị cô nương: Cô Chín, cô Bơ, cô Bảy. Ba cô là thị tỳ của Thánh Mẫu.


Trong năm, đền Đôi Cô có các ngày Lễ: Lễ Thượng nguyên (10-1 âm lịch) là ngày lễ giải hạn cho nhân dân, đồng thời cũng là ngày làm lễ xuống đồng, bắt đầu một mùa màng mới. Hội Phủ Giầy (2-3 âm lịch) là lễ rước Mẫu; Lễ vào hè (4-4 âm lịch); Lễ ra hè, nhập thu (24-6 âm lịch); Lễ tất niên (10-12 âm lịch); Lễ cầu mưa (từ 8-4 đến 10-4 âm lịch) là ngày lễ cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi. Lễ hội đền Đôi Cô đã trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh của người dân phường Nông Tiến nói riêng và thị xã Tuyên Quang nói chung, thu hút sự tham gia của khách thập phương.

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT