Non nước Việt Nam

Trúc Lâm Tịnh Viện (Nha Trang): Ðiểm du lịch văn hóa, tâm linh hấp dẫn

Cập nhật: 08/07/2009 13:29:04
Số lần đọc: 2010
Ðược khánh thành vào tháng 9/2008, Trúc Lâm Tịnh Viện trên đảo Hòn Tre, hay còn gọi là chùa Trúc Lâm như cách gọi của nhân dân địa phương, hiện là một trong những điểm đến tâm linh và du lịch văn hóa, thu hút đông du khách cùng các tăng ni, phật tử trong nước và ngoài nước khi đến với TP.Nha Trang (Khánh Hòa).

Rời khu du lịch Vinpearl Land, chiếc xe điện lướt trên con đường trải nhựa phẳng lỳ, uốn lượn quanh triền núi dốc, đưa du khách đến Trúc Lâm Tịnh Viện, một quần thể chùa trên đỉnh núi của mũi đảo Hòn Tre. Ngôi chùa được Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa làm lễ lạc thành vào tháng 9/2008 sau một thời gian xây dựng gần hai năm. Ðể chọn được vị trí này, ban xây dựng chùa đã phải rất công phu tham khảo ý kiến của không ít vị cao tăng, học giả am hiểu về phong thủy và cả những đặc thù của thiên nhiên, văn hóa, lịch sử vùng đất biển, đảo Nha Trang. Ngôi chùa toạ lạc ở một thế đất khá cao so với mặt biển, có khuôn viên rộng khoảng ba ha, lưng tựa vào núi và mặt hướng ra vịnh biển lộng gió, quanh năm chan hòa ánh nắng. Sau những bước chân thong dong, chiêm ngưỡng cảnh biển trên con đường đá rợp mát bóng cây và mùi hương thiên nhiên tinh khiết của vườn hoa từ cổng tam quan dẫn vào, mở ra trước du khách và người hành hương một không gian tâm linh, thành kính và hướng thiện của đất Phật.

 

Trúc Lâm Tịnh Viện thiết kế theo mô hình quần thể gồm nhiều công trình xây dựng theo lối kiến trúc chùa miền bắc truyền thống "Nội công- Ngoại quốc" của dòng Ðại Thừa với những chóp đao cong vút cổ kính và mái ngói âm dương thâm nâu trầm mặc, uy nghi và bề thế. Vật liệu chủ yếu để xây dựng ngôi chùa là các loại gỗ quý, từ cột, kèo, cửa, tường bưng; có chính điện, các nhà tổ, hậu cung, trai đường, tăng xá, thư viện và nhiều gian nhà phụ chung quanh cùng những kiến trúc Phật giáo khác. Các không gian trong chùa bố trí đặt 72 pho tượng đức Phật và Thập bát La Hán do những nghệ nhân làng nghề và các nhà điêu khắc nổi tiếng thực hiện, mang giá trị nghệ thuật, vừa sống động, thể hiện đầy đủ muôn mặt cuộc sống đời thường của chúng sinh, vừa thanh thoát, linh nghiêm, từ bi hỷ xả. Bên cạnh đó là hàng trăm đại tự, hoành phi, câu đối sơn son, thếp vàng, chuyển tải những nội dung nhiều ý nghĩa giáo dục, được chạm khắc tinh xảo. Ðặc biệt, trong không gian Quan Âm Các trước chùa còn có bức tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát được tạc bằng đá trắng, nặng mười tấn, cao 14 m, đài sen được đặt trên một bệ đá hình ngọn sóng. Ðây thật sự là một công trình điêu khắc tâm linh để lại dấu ấn đậm trong lòng du khách và người hành hương, thể hiện hình ảnh Ðức Bồ Tát vững chãi, lồng lộng, uy nghiêm trước sóng gió, tay phải cầm cành dương, tay trái nâng tịnh bình, sắc diện hiền từ, rạng rỡ, dõi ánh mắt bao dung, nhân ái về phía biển xa, như ngọn hải đăng "tâm linh" để những ngư dân biển, đảo Nha Trang, Khánh Hòa hướng vọng về trong mỗi chuyến ra khơi. Ngày 24/5 vừa qua, ngôi chùa đã được công nhận là ngôi chùa trên đảo lớn nhất Việt Nam. Ðây là một trong 14 kỷ lục Phật giáo do Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam cùng báo Ðiện tử Giác Ngộ công bố. 

Nguồn: website báo Nhân dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT